Hợp đồng cho thuê tài chính nên có hiệu lực ngay từ ngày ký

10/01/2022

Dự thảo Thông tư hướng dẫn hoạt động công ty cho thuê tài chính (CTTC) đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp, trong đó đáng chú ý là liên quan đến việc xác định thời gian trả tiền là điều kiện hiệu lực của hợp đồng CTTC, vay bổ sung vốn lưu động, cách tính lãi...

Tổng giám đốc Sacombank Leasing, ông Lưu Huỳnh cho rằng, quy định hợp đồng CTTC  “có hiệu lực kể từ khi bên cho thuê xuất trả tiền cho bên cung cấp để mua tài sản cho thuê” là không hợp lý. Bởi lẽ, CTTC là cấp tín dụng trung và dài hạn thông qua hình thức cho thuê tài sản. Để có tài sản cho bên thuê sử dụng, công ty CTTC phải ký kết Hợp đồng mua tài sản với Nhà cung cấp theo sự chỉ định của bên thuê.

Nếu hợp đồng mua tài sản đã có hiệu lực mà hợp đồng CTTC chưa có hiệu lực thì trong trường hợp bên thuê thay đổi tài sản, công ty CTTC vẫn phải có nghĩa vụ thanh toán hợp đồng cho nhà cung cấp, nhưng không thể ràng buộc trách nhiệm nhận nợ của bên thuê.

 

Trong khi đó, tài sản CTTC thường mang tính đặc thù, mua theo sự chỉ định của bên thuê. Nếu bên thuê không sử dụng thì công ty CTTC phải chịu toàn bộ mọi rủi ro từ việc khó cho thuê lại tài sản đó, tồn đọng vốn, chi phí kho bãi, quản lý... Vì vậy, các công ty CTTC đề xuất sửa theo hướng: “Hợp đồng CTTC có hiệu lực từ ngày được các bên ký thoả thuận trong hợp đồng CTTC”. Hay nói cách khác, hợp đồng CTTC bắt buộc phải có hiệu lực trước khi bên cho thuê xuất tiền trả cho nhà cung cấp để có tài sản theo chỉ định của bên thuê.

 

Liên quan đến nội dung về lãi suất CTTC, một số công ty CTTC cũng đề nghị bỏ quy định “tính lãi theo phương pháp kép” mà nên tính lãi thông thường như hoạt động cho vay của các ngân hàng thương mại. Giải thích điều này, họ cho rằng phương pháp tính lãi kép là số tiền lãi không chỉ tính trên số tiền gốc mà còn tính trên số tiền lãi do số tiền gốc sinh ra. Vì vậy, phương pháp này chỉ phù hợp với cho vay tiêu dùng. Quy định phương pháp tính tiền thuê này sẽ gây khó khăn khi lãi suất cho thuê linh hoạt (lãi suất thay đổi).

 

Kèm theo đó, các công ty CTTC kiến nghị bổ sung hướng dẫn tính lãi thuê trong trường hợp thu hồi tài sản do bên thuê vi phạm hợp đồng (ngưng tính lãi ngay thời điểm thu hồi hay tiếp tục tính lãi; tính theo lãi quá hạn hay lãi trong hạn đối với phần chưa quá hạn…); chuyển nợ cho khách hàng khác thuê; xử lý thuế GTGT đầu vào trong trường hợp giá trị tài sản thuê sau khi đánh giá lại nhỏ hơn dư nợ thuê. Về việc bán tài sản thu hồi, các công ty CTTC kiến nghị về chi phí phát sinh trong quá trình thu hồi tài sản: chi phí thuộc về khách hàng thuê thanh toán, chi phí công ty CTTC được phép hạch toán vào chi phí hoạt động…

 

Một khía cạnh khác, theo Luật Các Tổ chức tín dụng 2010, các công ty CTTC được phép cho bên thuê vay bổ sung vốn lưu động để sử dụng cho hoạt động kinh doanh của bên thuê.

 

Đại diện Sacombank cho rằng, nghiệp vụ cho vay bổ sung vốn lưu động là một trong những nghiệp vụ mà Ngân hàng nhà nước (NHNN) đã bổ sung vào hoạt động của công ty CTTC. Tuy nhiên Dự thảo lại đề cập: “Mục đích vay vốn lưu động liên quan đến việc sử dụng tài sản CTTC”, có thể dẫn đến cách hiểu việc cho vay bổ sung vốn lưu động chỉ liên quan đến tài sản thuê, làm hạn chế khả năng hoạt động của bên cho thuê và bên thuê, đặc biệt là khi bên thuê có đủ khả năng nhận được hạn mức vốn lưu động cao hơn cho toàn bộ hoạt động kinh doanh.

 

Đối với điều kiện cho thuê tài chính, đại diện công ty CTTC BIDV, Phó tổng giám đốc Nguyễn Hữu Đức góp ý thêm, quy định hiện nay là công ty CTTC phải được thành lập và thực hiện hoạt động CTTC theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng. Trong khi đó, Dự thảo lại quy định có đội ngũ cán bộ, nhân viên có đủ trình độ chuyên môn về hoạt động CTTC, thương mại trong nước và quốc tế bao gồm cả trình độ, kiến thức luật pháp thương mại và nghiệp vụ thanh toán trong nước và quốc tế, ngoại hối; Có hệ thống đánh giá tín dụng khách hàng...

 

BIDV đề nghị giữ như quy định cũ, không nhất thiết phải yêu cầu chặt chẽ về đội ngũ cán bộ như vậy. Bởi vì, khi cấp giấy phép cho công ty CTTC, NHNN đã thực hiện khâu thẩm định đảm bảo thỏa mãn điều kiện. Ngoài ra, hoạt động CTTC là tín dụng trung và dài hạn, nếu bắt buộc như vậy sẽ làm tăng quy mô, nhân sự, chi phí cho công ty CTTC. Hệ thống đánh giá tín dụng ở đây có nghĩa như hệ thống xếp hạng tín dụng, sẽ không phù hợp với hoạt động CTTC vì khó xây dựng, tốn kém chi phí...

 

Một số đề xuất khác còn lưu ý, thay vì định hạn tài sản CTTC là máy móc, thiết bị hoặc các động sản khác, đề nghị sửa thành: “Tài sản CTTC là máy móc thiết bị, phương tiện vận chuyển, nhà xuởng lắp đặt dây chuyền thuê tài chính, nhà ở xã hội và các động sản khác”. Việc sửa đổi này, theo các công ty CTTC, nhằm phù hợp với một điều khoản khác, cũng tại Dự thảo Thông tư...

Cùng danh mục

Bộ Tài chính và ACCA: Thúc đẩy hợp tác hiệu quả trong lĩnh vực kiểm toán – kế toán

Chiều ngày 14/4/2014, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã có buổi tiếp và làm việc với ông Martin Turner - Chủ tịch toàn cầu Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh (ACCA). Tham gia buổi tiếp còn có sự tham dự của một số đơn vị chức năng thuộc Bộ Tài chính; đại diện ACCA tại Việt Nam; đại diện Ủy ban Hội viên ACCA.

Nhiều điểm mới trong kỳ quyết toán thuế năm 2013

Ngày 31/3/2014 là thời hạn cuối để tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ của kỳ quyết toán thuế năm 2013.