Sáng 25/7, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) tổ chức họp báo công bố báo cáo kiểm toán năm 2012 về niên độ ngân sách 2011 và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị của kiểm toán năm 2011. Đồng chủ trì cuộc họp báo gồm có ông Lê Minh Khái - Phó Tổng KTNN, ông Bùi Đức Thụ - Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, ông Đào Văn Dũng - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp KTNN. Rất nhiều nội dung quan trọng được KTNN công bố tại buổi họp báo này.
Theo ông Đào Văn Dũng, năm 2012, KTNN đã tiến hành kiểm toán báo cáo quyết toán của 15 bộ, cơ quan trung ương; 28 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; 37 dự án đầu tư xây dựng; 04 dự án, chương trình mục tiêu quốc gia; 18 chuyên đề; 34 doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tài chính ngân hàng; 20 đơn vị thuộc lĩnh vực quốc phòng - an ninh; 04 đầu mối thuộc cơ quan Đảng (06 Thành ủy, Tỉnh uỷ và Thành ủy TP. Hồ Chí Minh; Thành ủy Hà Nội; Công ty TNHH MTV Dầu khí TP. Hồ Chí Minh) và kiểm toán Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2011 tại Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Kết quả kiểm toán quyết toán NSNN năm 2011 cho biết, tổng thu NSNN 721.804 tỷ đồng, vượt 21,3% dự toán. Tổng chi NSNN 787.554 tỷ đồng, vượt 8,5% dự toán, do chi đầu tư phát triển vượt 37%, chi thường xuyên bằng 99,6% dự toán.
Tăng trưởng kinh tế năm 2011 đạt 5,89%; bội chi NSNN được giữ ở mức 4,4% GDP, thấp hơn 0,9% mức Quốc hội cho phép (5,3%); dư nợ Chính phủ bằng 43,1% GDP, dư nợ nước ngoài của quốc gia bằng 41,5% GDP, dư nợ công bằng 54,9% GDP.
Trong quản lý điều hành ngân sách, việc sử dụng các khoản tăng thu, dư dự toán và dự phòng ngân sách phù hợp quy định; việc chi sai chế độ, định mức qua kiểm toán cho thấy đã giảm dần; Nghị quyết số 11/NQ-CP được triển khai thực hiện có hiệu quả tại các bộ, ngành, địa phương đã góp phần kiềm chế lạm phát ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội; các đơn vị được kiểm toán cơ bản đã tuân thủ quy định của Luật NSNN, nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và quyết định của Thủ tướng Chính phủ và quyết định của Thủ tướng Chính phủ ... Song còn một số bộ, ngành và địa phương chưa khắc phục được những hạn chế, tồn tại trong công tác lập và giao dự toán; công tác quản lý thu, chi NSNN. Theo đó, vẫn còn một số thiếu sót, hạn chế trong lập và giao dự toán, chưa chấp hành nghiêm túc pháp luật trong kê khai thuế, xác định ưu đãi thuế…dẫn đến kê khai sai số thuế phải nộp NSNN. Qua kiểm toán, KTNN đã kiến nghị tăng thu 1.991,5 tỷ đồng.
Có 23/28 tỉnh, thành phố được kiểm toán đều chi vượt dự toán chi thường xuyên được HĐND giao đầu năm, trong đó 13/28 địa phương chi quản lý hành chính, Đảng, đoàn thể vượt trên 30%; trong điều hành ngân sách còn sử dụng 386 tỷ đồng từ nguồn tăng thu, nguồn thu tiền sử dụng đất, nguồn cải cách tiền lương, dự phòng... để chi thường xuyên sai quy định. Những hạn chế trong công tác quản lý đầu tư chậm được khắc phục, như: Công tác quy hoạch còn hạn chế; chất lượng khảo sát không đảm bảo; đầu tư thiếu đồng bộ; chỉ định thầu còn chiếm tỷ lệ cao; thi công không đảm bảo tiến độ; nghiệm thu sai khối lượng, đơn giá, định mức…gây lãng phí vốn đầu tư.
Có 18/28 địa phương được kiểm toán chưa trích đủ nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo qui định 4.160 tỷ đồng, 13/28 địa phương còn sử dụng nguồn cải cách tiền lương để chi thường xuyên, chi giải phóng mặt bằng, tạm ứng cho các nhiệm vụ phát sinh tại địa phương... chưa đúng quy định 3.368 tỷ đồng. Ngoài ra, một số địa phương báo cáo sai nguồn cải cách tiền lương được để lại từ nguồn thu học phí, viện phí và thu sự nghiệp khác, nguồn năm trước chuyển sang...
Về thực hiện cơ chế khoán chi và tự chủ tài chính, báo cáo của KTNN cho biết, các đơn vị thực hiện khoán chi và tự chủ tài chính nhìn chung đã tiết kiệm được lao động, kinh phí để tăng thu nhập cho công chức và người lao động nhưng mức thu nhập tăng thêm tại các đơn vị thuộc bộ, ngành thấp; 7/28 địa phương được kiểm toán chưa triển khai giao tự chủ hoặc triển khai chưa triệt để, chưa xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ, tiêu chí lượng hóa để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ; xác định mức độ tự chủ tài chính chưa phù hợp với nguồn thu và nhiệm vụ chi; chưa kịp thời tổng kết đánh giá nguồn thu, nhiệm vụ chi để giao cơ chế tự chủ tài chính trong giai đoạn tự chủ mới. Việc triển khai thực hiện Nghị định 115/2005/NĐ- CP của chính phủ còn chậm, số lượng đơn vị sự nghiệp khoa học được phê duyệt đề án chuyển đổi theo yêu cầu của Nghị định còn thấp; còn cấp kinh phí thường xuyên và kinh phí cải cách tiền lương cho các đơn vị đã được phê duyệt đề án chuyển đổi.
Đối với các tổ chức tài chính, ngân hàng, kết quả kiểm toán cho thấy, hầu hết các đơn vị được kiểm toán có lợi nhuận không cao hoặc giảm so với năm 2010; một số đơn vị không đảm bảo một số tỷ lệ an toàn tại nhiều thời điểm theo quy định của NHNN; một số hoạt động chứa đựng nhiều rủi ro, nguy cơ mất vốn lớn, chưa thực hiện nghiêm nội dung Nghị quyết số 11/NQ-CP trong việc hạn chế, không khuyến khích đầu tư, cho vay lĩnh vực bất động sản, chứng khoán.
Về kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán 2011, KTNN cho biết tính đến 31/12/2012 đã xử lý được đạt 71,62% (15.198,9/21.220,98 tỷ đồng) tổng số kiến nghị (năm 2010 về niên độ ngân sách 2009 đạt 68,9%). Đã có 25 văn bản được Chính phủ, các bộ ngành và địa phương thực hiện hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung theo kiến nghị của KTNN.
Từ kết quả kiểm toán, KTNN đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, đơn vị được kiểm toán thực hiện nghiêm túc các kết luận, kiến nghị của KTNN trong năm 2012 đối với niên độ ngân sách 2011. Trong đó, xử lý tài chính 14.710,8 tỷ đồng (tăng thu 2.184,3 tỷ đồng; giảm chi 2.458,9 tỷ đồng; nợ đọng phát hiện tăng thêm 957,8 tỷ đồng; nộp, hoàn trả và quản lý qua NSNN 8.858 tỷ đồng; xử lý khác 251,8 tỷ đồng); chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rà soát để hủy bỏ hoặc thay thế, sửa đổi, bổ sung 78 văn bản không phù hợp với quy định chung của Nhà nước.
Đối với Quốc hội, KTNN đề nghị xem xét, phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2011: Thu cân đối 962.982 tỷ đồng, chi cân đối 1.034.244 tỷ đồng, bội chi NSNN 112.034 tỷ đồng, bằng 4,4% GDP.
KTNN cũng đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết để chỉ đạo các đơn vị thực hiện đầy đủ, kịp thời các kết luận, kiến nghị hợp lý của KTNN, nhất là việc quản lý chặt chẽ các khoản chi chuyển nguồn thuộc nhiệm vụ chậm triển khai hoặc không thực hiện được theo đúng quy định của Luật NSNN./.