Quy định mới về trích khấu hao tài sản cố định

26/10/2021

Ngày 25/4/2013, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 45/2013/TT-BTC hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định (TSCĐ), thay thế Thông tư số 203/2009/TT-BTC ngày 20/10/2009. Điểm nhấn căn bản của Thông tư này thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp là tất cả TSCĐ của doanh nghiệp đều phải trích khấu hao. Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/6/2013 và áp dụng từ năm tài chính 2013.<

>

 

 

 

Quy định mới về trích khấu hao tài sản cố định

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Yêu cầu từ thực tiễn

Từ khi có Thông tư số 203/2009/TT-BTC ngày 20/10/2009, công tác quản lý TSCĐ, đã mang lại nhiều kết quả tích cực, từng bước đưa doanh nghiệp (DN) đi vào nề nếp, tuân thủ đúng các quy định của Nhà nước về sử dụng và trích khấu hao TSCĐ do DN quản lý. 

Tuy nhiên, trong quản lý, sử dụng và trích khấu hao TSCĐ vẫn cần có những thay đổi để phù hợp với thực tiễn hiện nay. Ngày 25/4/2013, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 45/2013/TT-BTC hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu TSCĐ thay thế Thông tư số 203/2009/TT-BTC.

Để thực hiện đúng các quy định của Nhà nước về việc quản lý, sử dụng và trích khấu hao TSCĐ tại các DN, yêu cầu đặt ra đối với người quản lý DN nói chung và người làm công tác kế toán nói riêng, ngoài việc nắm vững các quy định hướng dẫn cần hiểu rõ bản chất của các loại tài sản, đặc biệt là TSCĐ.

TSCĐ là tư liệu lao động tham gia vào nhiều chu kỳ sản xuất, kinh doanh của DN; là những tài sản có giá trị lớn, tham gia quá trình sản xuất, kinh doanh và đã chuyển dần giá trị tài sản vào giá thành sản phẩm. Do đó, DN phải thực hiện trích khấu hao TSCĐ để thu hồi vốn và tái tạo TSCĐ mới phục vụ cho kỳ sản xuất, kinh doanh tiếp theo.

Tiêu chuẩn, nhận biết TSCĐ hữu hình là những tài sản có kết cấu độc lập hoặc là một hệ thống gồm nhiều bộ phận tài sản riêng lẻ liên kết với nhau để cùng thực hiện một hay một số chức năng nhất định, nếu thiếu bất kỳ bộ phận nào thì cả hệ thống không thể hoạt động được.

Tài sản đó phải thỏa mãn 3 tiêu chuẩn: Chắc chắn thu được lợi ích kinh tế trong tương lai từ việc sử dụng tài sản đó; có thời gian sử dụng hơn 1 năm trở lên; nguyên giá tài sản phải được xác định một cách tin cậy và có giá trị từ 30 triệu đồng trở lên. 

Trường hợp 1 hệ thống gồm nhiều bộ phận tài sản riêng lẻ liên kết nhau, trong đó mỗi bộ phận cấu thành có thời gian sử dụng khác nhau và nếu thiếu 1 bộ phận nào đó mà cả hệ thống vẫn thực hiện chức năng hoạt động chính, nhưng do yêu cầu quản lý, sử dụng TSCĐ đòi hỏi phải quản lý riêng từng bộ phận tài sản thì mỗi bộ phận nếu thỏa mãn 3 tiêu chuẩn nêu trên được coi là một TSCĐ hữu hình độc lập. Đối với súc vật làm việc hoặc cho sản phẩm, vườn cây lâu năm thì từng con súc vật, mảnh vườn cây, hoặc cây thỏa mãn đồng thời 3 tiêu chuẩn của TSCĐ được coi là một TSCĐ hữu hình.

Tiêu chuẩn, nhận biết TSCĐ vô hình là mọi khoản chi phí thực tế DN đã chi ra, thỏa mãn đồng thời 3 tiêu chuẩn TSCĐ mà không hình thành TSCĐ hữu hình được coi là TSCĐ vô hình. Những khoản chi phí không đồng thời thỏa mãn 3 tiêu chuẩn trên thì được hạch toán trực tiếp hoặc được phân bổ dần vào chi phí kinh doanh của DN.

Riêng các chi phí phát sinh trong giai đoạn triển khai được ghi nhận là TSCĐ vô hình nếu thỏa mãn đồng thời 7 điều kiện: Tính khả thi về mặt kỹ thuật đảm bảo việc hoàn thành và đưa tài sản vô hình vào sử dụng theo dự tính hoặc để bán; DN dự định hoàn thành tài sản vô hình để sử dụng hoặc để bán; DN có khả năng sử dụng hoặc bán tài sản vô hình đó; tài sản vô hình đó phải tạo ra được lợi ích kinh tế trong tương lai; có đầy đủ các nguồn lực về kỹ thuật, tài chính và nguồn lực khác để hoàn tất cả các giai đoạn triển khai, bán hoặc sử dụng tài sản vô hình đó; có khả năng xác định một cách chắc chắn toàn bộ chi phí trong giai đoạn triển khai để tạo ra tài sản vô hình đó; ước tính có đủ tiêu chuẩn về thời gian sử dụng và giá trị theo quy định cho TSCĐ vô hình.

Một số điểm nhấn cần chú ý

Căn cứ mục đích sử dụng, DN tiến hành phân loại TSCĐ theo các chỉ tiêu sau: TSCĐ dùng cho mục đích kinh doanh; TSCĐ dùng cho mục đích phúc lợi, sự nghiệp, an ninh, quốc phòng; TSCĐ bảo quản hộ, giữ hộ, cất giữ hộ. Tuỳ theo yêu cầu quản lý của từng DN, DN tự phân loại chi tiết hơn các TSCĐ của DN trong từng nhóm cho phù hợp.

TSCĐ là tư liệu lao động tham gia vào nhiều chu kỳ sản xuất, kinh doanh của DN; là những tài sản có giá trị lớn, tham gia quá trình sản xuất, kinh doanh và đã chuyển dần giá trị tài sản vào giá thành sản phẩm. Do đó, DN phải thực hiện trích khấu hao TSCĐ để thu hồi vốn và tái tạo TSCĐ mới phục vụ cho kỳ sản xuất, kinh doanh tiếp theo.

 

<

>

Về nguyên tắc, mọi TSCĐ trong DN phải có bộ hồ sơ riêng (gồm biên bản giao nhận, hợp đồng, hoá đơn mua và các chứng từ, giấy tờ khác có liên quan). Mỗi TSCĐ phải được phân loại, đánh số và có thẻ riêng, được theo dõi chi tiết theo từng đối tượng ghi TSCĐ và được phản ánh trong sổ theo dõi. Mỗi TSCĐ phải được quản lý theo nguyên giá, số hao mòn luỹ kế và giá trị còn lại trên sổ sách kế toán:

Giá trị còn lại trên sổ kế toán của TSCĐ = Nguyên giá của TSCĐ - Số hao mòn luỹ kế của TSCĐ

Đối với những TSCĐ không cần dùng, chờ thanh lý nhưng chưa hết khấu hao, DN phải thực hiện quản lý, theo dõi, bảo quản theo quy định hiện hành và trích khấu hao theo quy định tại Thông tư này.

Các chi phí DN chi ra để đầu tư nâng cấp TSCĐ được phản ánh tăng nguyên giá của TSCĐ đó, không được hạch toán các chi phí này vào chi phí sản xuất kinh doanh trong kỳ. Các chi phí sửa chữa TSCĐ không được tính tăng nguyên giá TSCĐ mà được hạch toán trực tiếp hoặc phân bổ dần vào chi phí kinh doanh trong kỳ, nhưng tối đa không quá 3 năm.

Khấu hao TSCĐ là việc tính toán và phân bổ một cách có hệ thống nguyên giá của TSCĐ vào chi phí sản xuất, kinh doanh trong thời gian trích khấu hao của TSCĐ. Tất cả TSCĐ hiện có của DN đều phải trích khấu hao, trừ một số TSCĐ quy định tại khoản 1 Điều 9 của Thông tư này. Các khoản chi phí khấu hao TSCĐ được tính vào chi phí hợp lý khi tính thuế thu nhập DN thực hiện theo quy định tại các văn bản pháp luật về thuế thu nhập DN. DN cho thuê TSCĐ hoạt động phải trích khấu hao đối với TSCĐ cho thuê.

Trường hợp đánh giá lại giá trị TSCĐ đã hết khấu hao để góp vốn, điều chuyển khi chia tách, hợp nhất, sáp nhập thì các TSCĐ này phải được các tổ chức định giá chuyên nghiệp xác định giá trị nhưng không thấp hơn 20% nguyên giá tài sản đó. Thời điểm trích khấu hao đối với những tài sản này là thời điểm DN chính thức nhận bàn giao đưa tài sản vào sử dụng và thời gian trích khấu hao từ 3 đến 5 năm. Thời gian cụ thể do DN quyết định nhưng phải thông báo với cơ quan thuế trước khi thực hiện.

Đối với các DN thực hiện cổ phần hóa, thời điểm trích khấu hao của các TSCĐ nói trên là thời điểm DN được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh chuyển thành công ty cổ phần.

Các DN 100% vốn nhà nước thực hiện xác định giá trị DN để cổ phần hoá theo phương pháp dòng tiền chiết khấu (DCF) thì phần chênh lệch tăng của vốn nhà nước giữa giá trị thực tế và giá trị ghi trên sổ sách kế toán không được ghi nhận là TSCĐ vô hình và được phân bổ dần vào chi phí sản xuất kinh doanh trong kỳ nhưng thời gian không quá 10 năm. Thời điểm bắt đầu phân bổ vào chi phí là thời điểm DN chính thức chuyển thành công ty cổ phần (có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh).

Mọi hoạt động cho thuê, cầm cố, thế chấp, nhượng bán, thanh lý TSCĐ phải theo đúng các quy định của pháp luật hiện hành; DN phải thực hiện việc quản lý đối với những TSCĐ đã khấu hao hết nhưng vẫn tham gia vào hoạt động kinh doanh như những TSCĐ thông thường.

Thời gian trích khấu hao của TSCĐ căn cứ vào giá trị, giá bán của TSCĐ cùng loại mới 100% (hoặc của tài sản tương đương) và thời gian trích khấu hao ban hành tại Phụ lục của Thông tư.

DN chỉ được thay đổi thời gian trích khấu hao TSCĐ một lần đối với một tài sản. Việc kéo dài thời gian trích khấu hao của TSCĐ bảo đảm không vượt quá tuổi thọ kỹ thuật của TSCĐ và không làm thay đổi kết quả kinh doanh của DN từ lãi thành lỗ hoặc ngược lại tại năm quyết định thay đổi. DN tự xác định thời gian trích khấu hao của TSCĐ vô hình nhưng tối đa không quá 20 năm.

Bộ Tài chính cũng quy định 3 phương pháp trích khấu hao TSCĐ: i) Phương pháp khấu hao đường thẳng; ii) Phương pháp khấu hao theo số dư giảm dần có điều chỉnh; và iii) Phương pháp khấu hao theo số lượng, khối lượng sản phẩm. Trên cơ sở đó, DN tự quyết định phương pháp trích khấu hao, thời gian trích khấu hao TSCĐ theo quy định tại Thông tư này và thông báo với cơ quan thuế trực tiếp quản lý trước khi bắt đầu thực hiện. 

Phương pháp trích khấu hao áp dụng cho từng TSCĐ mà DN đã lựa chọn và thông báo cho cơ quan thuế trực tiếp quản lý phải được thực hiện nhất quán trong suốt quá trình sử dụng TSCĐ. Trường hợp đặc biệt cần thay đổi phương pháp trích khấu hao, DN phải giải trình rõ sự thay đổi về cách thức sử dụng TSCĐ để đem lại lợi ích kinh tế cho DN. Mỗi TSCĐ chỉ được phép thay đổi một lần phương pháp trích khấu hao trong quá trình sử dụng và phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp.

Khi quyết toán công trình xây dựng cơ bản hoàn thành có sự chênh lệch giữa giá trị tạm tính và giá trị quyết toán, DN phải điều chỉnh lại nguyên giá TSCĐ theo giá trị quyết toán đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

 

<

>

Như vậy, về cơ bản, Thông tư số 45/2013/TT-BTC mang tính kế thừa Thông tư số 203/2009/TT-BTC ngày 20/10/2009 áp dụng cho kỳ tính thuế năm 2012 trở về trước. Tuy nhiên, Thông tư số 45/2013/ TT-BTC đã tạo ra một số điểm nhấn khác biệt sau:

+ Về giá trị của tài sản, Thông tư 45/2013/TT-BTC được xác định từ 30 triệu đồng trở lên. Đối với tài sản là “Quyền sử dụng đất thuê” trước ngày có hiệu lực của Luật Đất đai năm 2003 (ngày 1/7/2004) đã trả tiền thuê đất cho cả thời gian thuê hoặc đã trả trước tiền thuê đất cho nhiều năm mà thời hạn thuê đất đã được trả tiền còn lại ít nhất 5 năm, được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì được ghi nhận là TSCĐ vô hình.

+ Kể từ năm tính thuế 2013, quyền sử dụng đất lâu dài không được trích khấu hao và phân bổ vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế. Quyền sử dụng đất có thời hạn nếu có đủ hóa đơn chứng từ và thực hiện đúng các thủ tục theo quy định, có tham gia vào hoạt động sản xuất kinh doanh thì được phân bổ dần vào chi phí được trừ theo thời hạn được phép sử dụng đất ghi trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; trừ trường hợp quyền sử dụng đất giao thu tiền có thời hạn được trích khấu hao để tính vào chi phí hợp lý khi tính thuế thu nhập DN.

+ Chi phí thành lập DN, đào tạo nhân viên, quảng cáo phát sinh trước khi thành lập DN; chi phí cho giai đoạn nghiên cứu, chuyển dịch địa điểm, chi phí mua để có và sử dụng các tài liệu kỹ thuật, bằng sáng chế, giấy phép chuyển giao công nghệ, nhãn hiệu thương mại, lợi thế kinh doanh không phải là TSCĐ vô hình được phân bổ dần vào chi phí kinh doanh của DN trong thời gian tối đa không quá 3 năm. Trường hợp công ty cổ phần được chuyển đổi từ DN 100% vốn Nhà nước phải thực hiện phân bổ giá trị lợi thế kinh doanh theo quy định tại Thông tư số 138/2012/TT-BTC ban hành ngày 20/8/2012.

+ DN tự quyết định phương pháp trích khấu hao, thời gian trích khấu hao TSCĐ theo quy định tại Thông tư số 45/2013/TT-BTC và thông báo cho cơ quan thuế trực tiếp quản lý trước khi bắt đầu thực hiện. Phương pháp trích khấu hao áp dụng cho từng TSCĐ phải được thực hiện trong suốt quá trình sử dụng TSCĐ. Trường hợp thay đổi phương pháp trích khấu hao, DN phải giải trình về cách thức sử dụng TSCĐ để đem lại lợi ích kinh tế cho DN và chỉ được phép thay đổi một lần. DN phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp trước khi thay đổi.

Ngoài ra, đối với các công trình xây dựng cơ bản hoàn thành đưa vào sử dụng, DN đã hạch toán tăng TSCĐ theo giá tạm tính do chưa thực hiện quyết toán. Khi quyết toán công trình xây dựng cơ bản hoàn thành có sự chênh lệch giữa giá trị tạm tính và giá trị quyết toán, DN phải điều chỉnh lại nguyên giá TSCĐ theo giá trị quyết toán đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. DN không phải điều chỉnh lại mức chi phí khấu hao đã trích kể từ thời điểm TSCĐ hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng đến thời điểm quyết toán được phê duyệt. Chi phí khấu hao sau thời điểm quyết toán được xác định trên cơ sở lấy giá trị quyết toán TSCĐ được phê duyệt trừ (-) số đã trích khấu hao đến thời điểm phê duyệt quyết toán TSCĐ chia (:) thời gian trích khấu hao còn lại của TSCĐ theo quy định.

Đây là nội dung hoàn toàn mới trong quản trị chi phí DN. Trước đây, do Thông tư số 203/2009/ TT-BTC không nêu rõ nên sau khi công trình xây dựng cơ bản được cấp có thẩm quyền phê duyệt quyết toán, DN phải điều chỉnh lại chi phí khấu hao đã trích kể từ thời điểm TSCĐ hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng đến thời điểm quyết toán được phê duyệt.

Những nội dung sửa đổi và bổ sung nêu trên chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản trị chi phí và hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN từ năm 2013. Do đó, trong thời gian sắp tới các DN cần chủ động điều chỉnh quy định về quản lý TSCĐ trong đơn vị mình, đồng thời bổ sung, nâng cấp phầm mềm phân hệ kế toán TSCĐ cho phù hợp với Thông tư số 45/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số 6 – 2013

Cùng danh mục

Bộ Tài chính và ACCA: Thúc đẩy hợp tác hiệu quả trong lĩnh vực kiểm toán – kế toán

Chiều ngày 14/4/2014, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã có buổi tiếp và làm việc với ông Martin Turner - Chủ tịch toàn cầu Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh (ACCA). Tham gia buổi tiếp còn có sự tham dự của một số đơn vị chức năng thuộc Bộ Tài chính; đại diện ACCA tại Việt Nam; đại diện Ủy ban Hội viên ACCA.

Nhiều điểm mới trong kỳ quyết toán thuế năm 2013

Ngày 31/3/2014 là thời hạn cuối để tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ của kỳ quyết toán thuế năm 2013.