Trước ý kiến đề nghị của cử tri tỉnh Nghệ An phải tăng mức xử phạt vi phạm về hóa đơn để đủ răn đe vì mức độ nghiêm trọng đối với nền kinh tế, Bộ Tài chính đã có những giải đáp cụ thể.
Doanh nghiệp (DN) "ma" chiếm đoạt tiền thuế
Theo phản ánh của cử tri Nghệ An, tại Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày của Chính phủ về việc in, phát hành, sử dụng, quản lý hóa đơn đã quy định: “DN được trao quyền tự chủ trong việc đặt in hóa đơn, tự in hóa đơn; cho phép DN được tự in hóa đơn trực tiếp từ phần mềm máy tính; bổ sung hình thức hóa đơn điện tử…” Quy định này đã tạo điều kiện cho một số đối tượng đã lợi dụng sự thông thoáng thành lập nhiều DN “ma” thực tế không kinh doanh.
Một số trường hợp sử dụng hóa đơn đặt in của DN “ma” để lợi dụng chiếm đoạt tiền hoàn thuế. Trong khi đó, quy định mức xử phạt về hóa đơn lại quá thấp so với tổn thất của ngân sách. Mức cử phạt các hành vi vi phạm quy định về tự in hóa đơn và khởi tạo hóa đơn điện tử mức xử phạt cao nhất chỉ là 100 triệu đồng đối với hành vi tự in hóa đơn giả, hoặc khởi tạo hóa đơn điện tử giả, với hành vi lập hóa đơn khống...
Bộ Tài chính cho biết, theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 51/2010/NĐ-CP, tổ chức kinh doanh, cá nhân kinh doanh (cá nhân kinh doanh là nộp thuế Giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ) được đặt in hóa đơn để sử dụng cho các hoạt động bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.
Quy định này là phù hợp với thông lệ quốc tế và góp phần làm giảm thủ tục hành chính (vì DN không phải xếp hàng đến mua hóa đơn của cơ quan thuế như trước đây). Tuy nhiên, quá trình thực hiện có sự lợi dụng của một số DN đặt in hóa đơn với không nhằm mục đích “kinh doanh chân chính” mà nhằm mục đích “mua, bán” hóa đơn để tiếp tay cho các DN khác nhằm chiếm đoạt tiền thuế, gây thất thu cho ngân sách nhà nước.
Thống nhất quy định xử phạt
Để phòng chống nạn gian lận trong việc đặt in hóa đơn, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17-1-2014 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 51/2010/NĐ-CP với nội dung: Các DN có dấu hiệu vi phạm về quản lý, sử dụng hóa đơn dẫn đến trốn thuế, gian lận thuế và các DN có rủi ro cao theo quy định của pháp luật về quản lý thuế không được đặt in hóa đơn mà sẽ chuyển sang mua hóa đơn của cơ quan thuế trong thời hạn 12 tháng.
Ngoài ra để quản lý việc đặt in hóa đơn lần đầu, tại Nghị định số 04/2014/NĐ-CP đã bổ sung nội dung quy định: Trước khi đặt in hóa đơn lần đầu và trước khi sử dụng hóa đơn tự in, DN phải có văn bản gửi cơ quan thuế và phải được sự chấp thuận của cơ quan thuế.
Thêm vào đó, để hậu kiểm xem DN mua hóa đơn có phải là DN "ma" hay không, Bộ Tài chính đã bổ sung thêm một số giải pháp đó là: Khi mua hóa đơn, DN phải có cam kết về địa chỉ sản xuất, kinh doanh phù hợp với giấy chứng nhận đăng ký DN hoặc giấy phép đầu tư (giấy phép hành nghề) hoặc quyết định thành lập của cơ quan có thẩm quyền và cơ quan thuế căn cứ vào nhu cầu sử dụng hoá đơn và việc chấp hành quy định về quản lý, sử dụng hoá đơn của tổ chức kinh doanh, DN để quy định số lượng hoá đơn đặt in theo từng kỳ từ 3 tháng đến 6 tháng.
Về mức xử phạt, qua quá trình thực hiện Nghị đinh số 51/2010/NĐ-CP, nhiều ý kiến cho rằng mức xử phạt quy định tại Nghị đinh số 51/2010/NĐ-CP, quy định mức tối đa là 100 triệu đồng là khá cao, khoảng cách khung tiền phạt giữa mức tối thiểu và mức tối đa là quá lớn (5 lần).
Thực hiện Luật Xử phạt vi phạm hành chính có hiệu lực từ ngày 1/7/2013, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá, phí lệ phí và hóa đơn theo các nguyên tắc: Giảm mức xử phạt của một số hành vi vi phạm (Giảm mức tối đa từ 100 triệu đồng xuống 50 triệu đồng) để đảm bảo phù hợp với thực tế và theo hướng phân cấp xử phạt cho cấp Cục trưởng Cục Thuế trở xuống; Quy định thống nhất mức xử phạt đối với các hành vi có mức độ, tính chất tương tự.
Ngoài ra, sửa đổi mức xử phạt cho phù hợp với mức độ thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra và phù hợp với quy định các văn bản quy phạm pháp luật khác, đồng thời bảo đảm dễ tính toán mức xử phạt trung bình và thu hẹp khoảng cách giữa mức tối thiểu và tối đa là từ 2 đến 3 lần.
Vừa giám sát vừa quản chặt các trường hợp rủi ro
Đồng thời với việc sửa thể chế (chính sách) như nêu trên, hiện nay, Bộ Tài chính đã và đang thực hiện đồng thời cả hai biện pháp quản lý, đó là tăng cường giám sát, xử lý vi phạm và thắt chặt quản lý đối với các trường hợp rủi ro.
Cụ thể, Bộ Tài chính đã chỉ đạo các Cục thuế tổ chức phân loại DN có rủi ro cao về thuế và tăng cường công tác quản lý thuế đối với DN có rủi ro cao; tập trung công tác thanh tra, kiểm tra đối với các DN rủi ro cao về thuế; tăng cường kiểm tra đối với các DN mới thành lập có địa điểm kinh doanh không cố định (chuyển địa điểm kinh doanh nhiều lần sau 1-2 năm hoạt động hoặc chuyển địa điểm kinh doanh hơn 2 lần trong thời gian 12 tháng).
Bộ Tài chính cũng chỉ đạo các Cục thuế tăng cường công tác kiểm tra việc phát hành sử dụng hóa đơn đối với các DN mới thành lập và tổ chức kiểm tra khi hoàn thuế Giá trị gia tăng đối với các trường hợp sử dụng hóa đơn của các DN có dấu hiệu rủi ro cao về thuế.
Trong trường hợp vi phạm về hóa đơn dẫn đến hành vi trốn thuế, gian lận thuế thì tại Nghị định số 51/2010/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định rõ: Trường hợp các vi phạm về hóa đơn dẫn đến hành vi trốn thuế, gian lận thuế thì xử phạt các hành vi đó theo quy định tại Luật Quản lý thuế.
Bộ Tài chính cho rằng, việc ban hành đồng bộ các giải pháp về chính sách và quản lý như trên sẽ hạn chế được phần nào tình trạng mua, bán hóa đơn của các DN "ma".
<>Theo baohaiquan.vn