Đó là ý kiến của Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn tại cuộc họp Ban Chỉ đạo 127 Trung ương về tình hình công tác 9 tháng đầu năm do đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì ngày 29/10. Tham dự cuộc họp còn có đại diện một số bộ ngành liên quan.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, việc hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) cho các doanh nghiệp (DN) “ma” hoặc DN “xuất khẩu khống” hàng hoá đang gây thiệt hại không nhỏ cho ngân sách Nhà nước.
Do đó, cần siết lại điều kiện thành lập DN để hạn chế các DN “ma” được thành lập nhằm buôn bán hoá đơn thuế GTGT. “Không có nước nào thủ tục thành lập DN quá dễ dàng như ở Việt Nam”, Thứ trưởng Tuấn bày tỏ. Thực tế, có hiện tượng một người lái xe ôm mà đứng tên thành lập đến 40 DN.
Thứ trưởng cũng cho biết, qua kiểm tra, đến nay, ngành Thuế đã kiến nghị khởi tố 23 vụ liên quan đến lừa đảo hoàn thuế GTGT, năm 2012 đã thu hồi 360 tỷ tiền hoàn thuế GTGT. Vì thế, cần đưa thêm lực lượng ngành Thuế vào Ban Chỉ đạo phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại.
Trong 9 tháng đầu năm, các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 168.706 vụ vi phạm (giảm 46.832 vụ), tổng thu 6.358 tỷ đồng (tăng 610 tỷ đồng). Đồng thời, các lực lượng đã phát hiện, xử lý 6.873 vụ sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, xâm phạm sở hữu trí tuệ, trị giá 20,3 tỷ đồng, tăng 537 vụ. Một số mặt hàng giả, hàng kém chất lượng có xu hướng tăng như phân bón đã phát hiện 7.769 tấn, mỳ chính phát hiện 755.359 gói, máy tính xách tay 2.926 chiếc, mũ bảo hiểm 78.745 chiếc
<>
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Bên cạnh những thành tích đạt được thì lực lượng phòng chống buôn lậu, gian lận còn nhiều vấn đề cần được củng cố, cải thiện trong thời gian tới, từ kiện toàn tổ chức bộ máy đến sửa đổi cơ chế chính sách, nguồn lực cho lực lượng này.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Một số cán bộ có hiện tượng bao che, bảo kê cho buôn lậu, gian lận thương mại. Phải chấn chỉnh tình hình này, không để buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế gây thất thu ngân sách. Cần sớm sửa đổi một số cơ chế chính sách như chính sách biên mậu, chính sách hoàn thuế GTGT để hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh trong nước.
Từ nay đến cuối năm, Phó Thủ tướng yêu cầu thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tăng cường kiểm tra, xử lý, kiểm soát tất cả tuyến đường. Đồng thời, xử lý nghiêm cán bộ trong lực lượng chức năng có biểu hiện tiêu cực trong quá trình thực thi công vụ.
Bộ Công an phối hợp với ngành Thuế mở các chuyên án điều tra DN xuất khống hàng hoá để lấy tiền hoàn thuế GTGT. Tổ chức giao ban chuyên đề, trao đổi kinh nghiệm giữa các cơ quan, lực lượng chức năng trong công tác này. Bổ sung trang thiết bị chuyên dụng cần thiết. Những văn bản nào cản trở, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện công tác này, các bộ cần triển khai sửa đổi, bổ sung.
Bên cạnh đó, sớm tổ chức và kiện toàn lại bộ máy Ban Chỉ đạo 127 từ Trung ương đến địa phương về công tác phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại, đủ mạnh để đáp ứng yêu cầu công việc.
Sớm truy tố, xét xử những vụ án liên quan đến hoàn thuế GTGT, hàng lậu, gian lận thương mại để răn đe các đối tượng khác, thiết lập lại kỷ cương phép nước, lấy lại niềm tin của nhân dân.
Ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương)
Đề nghị các bộ, ngành kiến nghị Chính phủ sửa đổi quy định việc hàng hoá bị bắt giữ phải chứng minh nguồn gốc trong 72 giờ. Đây là kẽ hở vì chỉ cần vài giờ là đối tượng buôn lậu có thể “xoay” được giấy tờ chứng minh hàng lậu thành hàng có nguồn gốc xuất xứ, hàng hoá hợp pháp.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú
Thẳng thắn nhìn nhận, công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại chưa đáp ứng được yêu cầu bởi nhiều vướng mắc, bất cập và mặc dù đã kiến nghị nhiều lần liên quan đến phương tiện, con người, cơ chế chính sách… nhưng việc sửa đổi chưa kịp để công tác này thực sự hiệu quả hơn.
<
>Theo chinhphu.vn