Sử dụng hoá đơn bất hợp pháp bị phạt đến 50 triệu đồng từ ngày 9/11/2013

01/02/2022

Theo quy định của Chính phủ, kể từ ngày 9-11 tới, các hành vi cho, bán hóa đơn đã mua nhưng chưa lập; sử dụng hóa đơn bất hợp pháp; đặt in hoá đơn giả... sẽ bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 50 triệu đồng. Với mức xử phạt này thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong việc siết chặt các quy định pháp lý về phòng chống gian lận về hóa đơn và trốn thuế.

Còn nhớ tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện quy chế phối hợp phòng, chống các hành vi tội phạm trong lĩnh vực thuế tại Hà Nội, một lãnh đạo ngành Thuế Hà Nội đã phải thừa nhận thực tế, cơ quan Thuế đang đối mặt với nhiều thách thức trong việc đấu tranh với các hành vi gian lận trong việc tạo, in và sử dụng hoá đơn của DN.

Bởi ngày một gia tăng các DN bỏ trốn, bỏ địa chỉ kinh doanh, mang theo hóa đơn; mua bán hóa đơn bất hợp pháp để khai khấu trừ thuế; ghi hóa đơn không đúng quy định; sử dụng giấy tờ giả để thành lập công ty, ẩn lậu doanh thu; hành vi lừa đảo bằng hình thức huy động vốn…

Trong đó, hành vi bán hàng không xuất hoá đơn ở các loại hình kinh doanh dịch vụ, thương mại, xây dựng... diễn ra phổ biến. Trong 5 năm (từ năm 2007-2012), cơ quan Thuế Hà Nội đã phối hợp với cơ quan Công an, Quản lý thị trường kiểm tra và xử lý 394 vụ vi phạm về phát hành và sử dụng hoá đơn; qua đó đã truy thu và phạt gần 5 tỷ đồng.

Và cũng theo vị lãnh đạo này thì một trong những nguyên nhân dẫn đến tội phạm mua bán hóa đơn GTGT diễn biến phức tạp là do DN được phép tự in hóa đơn thuế GTGT cộng với việc đăng ký thành lập DN dễ dàng nên xuất hiện nhiều DN “ma” khiến cơ quan chức năng khó kiểm soát...

Chính vì vậy mà tại Nghị định số 109/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hoá đơn đã bổ sung quy định xử phạt đối với các hành vi vi phạm về hóa đơn hiện chưa quy định trong văn bản pháp luật về quản lý hóa đơn để đảm bảo mọi hành vi vi phạm đều có chế tài xử phạt. Đó là các hành vi như: Sử dụng không đúng loại hóa đơn, không thông báo hóa đơn đã thông báo phát hành nhưng bị hỏng…

Theo đó, nếu không hủy hóa đơn được mua đã hết hạn sử dụng sẽ bị phạt từ 2 đến 4 triệu đồng. Đối với hành vi không khai báo việc làm mất hóa đơn đã mua nhưng chưa lập; không thanh lý hợp đồng in nếu quá thời hạn thanh lý hợp đồng quy định trong hợp đồng đặt in hóa đơn hoặc thời điểm kết thúc hợp đồng khi bên đặt in đã hoàn thành thủ tục thông báo phát hành; Không hủy các sản phẩm in hỏng, in thừa khi tiến hành thanh lý hợp đồng in... sẽ bị phạt tiền từ 4 đến 8 triệu đồng.

Phạt từ 6 triệu đến 18 triệu đồng đối với hành vi không khai báo đúng quy định việc mất hóa đơn trước khi thông báo phát hành, không lập Thông báo phát hành hóa đơn trước khi hóa đơn được đưa vào sử dụng nếu các hóa đơn này gắn với nghiệp vụ kinh tế phát sinh đã được kê khai, nộp thuế theo quy định.

Bên cạnh đó, theo Nghị định 109 hàng hóa vận chuyển trên đường không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp khi cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, phát hiện hành vi vi phạm thì ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn theo quy định tại Nghị định này, người nộp thuế còn bị xử phạt về hành vi trốn thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Trường hợp hành vi vi phạm hành chính về hóa đơn có dấu hiệu tội phạm thì người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa đơn phải chuyển ngay hồ sơ cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, bên cạnh việc tăng nặng hình thức phạt tiền đối với các vi phạm thì cũng đòi hỏi cơ quan Thuế tăng cường kiểm tra việc báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn của người nộp thuế. Tăng cường tổ chức thực hiện các chuyên đề kiểm tra về hóa đơn nhằm kịp thời phát hiện và chấn chỉnh những sai sót hoặc gian lận về hóa đơn.

Ngoài ra, Việt Nam phải tính đến việc áp dụng điều kiện thanh toán không dùng tiền mặt khi xác định thuế GTGT đầu vào được khấu trừ và xác định chi phí được trừ. Bởi đây được xem là công cụ hiệu quả góp phần hạn chế hành vi mua bán hóa đơn, bán khống hóa đơn không có hàng hóa, dịch vụ mà nhiều quốc gia đang thực hiện.

Cùng danh mục

Phải có hóa đơn rõ ràng mới có thể trao đổi hàng hóa qua biên giới

Cục Thuế Lào Cai vừa có kiến nghị với Tổng cục Thuế, cần có quy định chặt đối với hàng hoá trao đổi mua bán của cư dân biên giới, chợ biên giới. Theo đó, lượng hàng hoá trao đổi phải được thực hiện bảng kê đầy đủ, chứng từ hoá đơn rõ ràng để chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hoá.

Công văn 11894/BTC-TCT năm 2014 về xuất hóa đơn bán hàng giá trị gia tăng định kỳ

Công văn 11894/BTC-TCT năm 2014 về xuất hóa đơn bán hàng giá trị gia tăng định kỳ do Bộ Tài chính ban hành