Tăng cường quản lý hóa đơn, góp phần đấu tranh chống gian lận thuế

23/01/2022

Hóa đơn là một loại chứng từ kế toán đặc biệt. Do không giới hạn về mệnh giá nên những tổn thất gian lận hoặc sai sót về hóa đơn gây ra rất lớn, không chỉ gây thất thu thuế mà còn tiếp tay cho hành vi tham nhũng của một bộ phận cán bộ, công chức thoái hóa, biến chất. Bởi vậy, tìm giải pháp phát huy vai trò của công tác quản lý hóa đơn trong quản lý thuế là rất cần thiết.

Vai trò của quản lý hóa đơn trong quản lý thuế

Hóa đơn là chứng từ kế toán do người bán lập để ghi nhận thông tin bán hàng hóa hoặc dịch vụ. Đây là một loại chứng từ gốc đặc biệt quan trọng cả trên phương diện quản lý tài chính doanh nghiệp (DN) và trên phương diện quản lý thuế của cơ quan nhà nước.

Về phía người bán, hàng hóa, dịch vụ, hóa đơn là chứng từ gốc xác định doanh thu (giá) tính nhiều sắc thuế quan trọng liên quan đến DN như: thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế tài nguyên, thuế xuất khẩu. Như vậy, nếu người bán không lập hóa đơn mà cơ quan quản lý thuế không phát hiện được thì họ có thể trốn nhiều sắc thuế cùng lúc. Nếu người bán ghi giá bán trên hóa đơn thấp hơn giá trị thực giao dịch thì cũng dẫn đến giảm nghĩa vụ thuế của người bán nhưng thất thu ngân sách nhà nước (NSNN). Việc lập hóa đơn chậm so với thời điểm bán hàng hóa, dịch vụ cũng là một cách thức trì hoãn nộp thuế cho nhà nước.

Về phía người mua hàng hóa, dịch vụ, hóa đơn là chứng từ gốc để xác định thuế GTGT đầu vào được khấu trừ, chi phí tính thuế TNDN. Những hành vi sử dụng hóa đơn bất hợp pháp (mua bán hóa đơn, sử dụng hóa đơn giả…) dẫn đến tăng thuế GTGT đầu vào được khấu trừ, tăng chi phí được trừ, và do vậy, làm giảm thuế GTGT phải nộp hoặc tăng số thuế GTGT được hoàn và giảm thuế TNDN phải nộp. Trong trường hợp tăng số thuế được hoàn thì không những thất thu thuế mà còn chiếm đoạt bất hợp pháp tiền NSNN.

Kết quả trong công tác quản lý hóa đơn

Trong thời gian qua, cơ quan thuế đã có nhiều cố gắng và đạt được những kết quả đáng mừng trong công tác quản lý hóa đơn, thể hiện trên các phương diện sau đây:

Đổi mới phương thức quản lý hóa đơn

Bằng việc tham mưu để Chính phủ ban hành Nghị định 51/2010/NĐ-CP thay thế cho Nghị định 89/2002/NĐ-CP về quản lý hóa đơn, ngành Tài chính đã có sự đổi mới cơ bản trong phương thức quản lý hóa đơn. Theo đó, chuyển từ việc cơ quan thuế in hóa đơn bán cho người nộp thuế sang để người nộp thuế tự in hoặc tự đặt in hóa đơn. Tức là, giao quyền tự chủ về in hóa đơn cho người nộp thuế. Cơ quan thuế chỉ in hóa đơn bán cho một số đối tượng đặc thù như các đơn vị sự nghiệp không sử dụng thường xuyên hóa đơn, cá nhân kinh doanh có nhu cầu mua hóa đơn lẻ… Với việc thay đổi này, người nộp thuế sử dụng nhiều hóa đơn sẽ rất thuận lợi, không phải mất thời gian để làm các thủ tục mua hóa đơn, hoàn toàn chủ động trong việc in và phát hành hóa đơn. Cơ quan thuế cũng giảm bớt nguồn nhân lực xử lý việc giao nhận và bán hóa đơn. Cơ quan thuế tập trung vào theo dõi, quản lý quá trình phát hành, in ấn và sử dụng hóa đơn.

Với việc ban hành Thông tư 64/2013/TT-BTC, Bộ Tài chính đã kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình tạo, lập, quản lý và sử dụng hóa đơn của người nộp thuế khi thực hiện Thông tư 153/2010/TT-BTC, tạo ra một hành lang pháp lý đầy đủ và toàn diện hơn cho công tác quản lý hóa đơn.

Siết chặt các quy định pháp lý về phòng chống gian lận về hóa đơn và trốn thuế

Một mặt, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế chuyển sang cơ chế người nộp thuế tự in hoặc tự đặt in hóa đơn như đã nêu trên, ngành Tài chính đã tham mưu và trực tiếp ban hành các văn bản pháp luật nhằm quản lý chặt chẽ quá trình phát hành và sử dụng hóa đơn, thể hiện trên các phương diện sau:

Một là, bổ sung và chỉnh sửa các quy định về xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm về hóa đơn và trốn thuế bằng việc tham mưu để Chính phủ ban hành Nghị định 51/2010/NĐ-CP. Theo đó, Nghị định này đã quy định rõ hơn các loại hành vi vi phạm về hóa đơn: Tạo hóa đơn, phát hành hóa đơn, lập hóa đơn, báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn… Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để xử lý các hành vi vi phạm về hóa đơn.

Hai là, bổ sung điều kiện thanh toán qua ngân hàng đối với việc khấu trừ thuế GTGT đầu vào (Luật Thuế GTGT năm 2008 có hiệu lực từ 1/1/2009) và bổ sung điều kiện thanh toán không dùng tiền mặt đối với chi phí được trừ tính thuế TNDN (Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TNDN có hiệu lực từ 1/1/2014). Việc áp dụng điều kiện thanh toán không dùng tiền mặt khi xác định thuế GTGT đầu vào được khấu trừ và xác định chi phí được trừ đã và sẽ góp phần hạn chế hành vi mua bán hóa đơn – bán khống hóa đơn không có hàng hóa, dịch vụ.

Tăng cường kiểm tra, đối chiếu để phát hiện và xử lý các hành vi gian lận về hóa đơn

Trong những năm gần đây, Tổng cục Thuế đã coi quản lý hóa đơn, chứng từ là một trong những trọng tâm công tác. Tổng cục đã thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ và giải đáp kịp thời những vướng mắc trong quản lý hóa đơn của cơ quan thuế các cấp. Đặc biệt, ngành Thuế đã đẩy mạnh hoạt động đối chiếu hóa đơn giữa cơ quan thuế các địa phương và chú trọng kiểm tra hóa đơn chứng từ trong quá trình thanh tra, kiểm tra thuế tại trụ sở người nộp thuế. Hiện nay, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo cơ quan thuế các địa phương tổng kết công tác quản lý hóa đơn theo Nghị định 51/2010/NĐ-CP để khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác quản lý hóa đơn. Mặc dù chưa có số liệu tổng hợp toàn quốc về các hành vi sai phạm về hóa đơn, song từ báo cáo của các quan thuế địa phương cho thấy, ngành Thuế đã đấu tranh mạnh mẽ, kiên quyết và đạt được những kết quả nhất định trong công tác quản lý hóa đơn. Cụ thể như sau:

Tại Cục thuế TP. Hà Nội: Năm 2012 đã xử phạt 1.338 vi phạm về hóa đơn với số tiền phạt là 6.649 triệu đồng.

Tại Cục thuế Long An: Trong 7 tháng đầu năm 2013 đã thành lập 3 đoàn thanh tra, kiểm tra đột xuất các DN có dấu hiệu mua bán hóa đơn tại 3 huyện Mộc Hóa, Vĩnh Hưng và Tân Hưng. Qua kiểm tra đã xác định và thông báo toàn Ngành 69 DN thành lập để nhận, xuất hóa đơn nhưng không có hàng hóa. Việc tổ chức thanh tra, kiểm tra đột xuất đã kịp thời ngăn chặn hành vi nhận xuất hóa đơn khống nhằm chiếm đoạt tiền thuế GTGT.

Trong kết quả truy thu hàng nghìn tỷ đồng tiền trốn thuế mỗi năm qua thanh tra, kiểm tra thuế những năm gần đây của ngành Thuế, có một tỷ lệ không nhỏ là từ việc phát hiện DN sử dụng hóa đơn mua của DN “ma”, hóa đơn mua khống để hạch toán tăng thuế GTGT đầu vào được khấu trừ và tăng chi phí được trừ tính thuế TNDN.

 

<

>

Đặc biệt, trong kết quả truy thu hàng nghìn tỷ đồng tiền trốn thuế mỗi năm qua thanh tra, kiểm tra thuế những năm gần đây của ngành Thuế, có một tỷ lệ không nhỏ là từ việc phát hiện DN sử dụng hóa đơn mua của DN “ma”, hóa đơn mua khống để hạch toán tăng thuế GTGT đầu vào được khấu trừ và tăng chi phí được trừ tính thuế TNDN. Điều này có được là do một số cơ quan thuế địa phương đã dựa trên thông báo của Tổng cục Thuế để xây dựng phần mềm rà soát hóa đơn bất hợp pháp, khi có bản mềm bảng kê hàng hóa, dịch vụ mua vào được chuyển dữ liệu vào phần mềm này là phát hiện ngay được hóa đơn bất hợp pháp. Tuy nhiên, rất tiếc ngành Thuế chưa thống kê đầy đủ các số tiền thuế truy thu được do phát hiện hành vi sử dụng hóa đơn bất hợp pháp. Ngoài ra, ngành Thuế đã phát hiện nhiều hành vi vi phạm về khác về hóa đơn như: lập hoá đơn không đúng với thực tế của hoạt động mua bán; lập hoá đơn khống để trừ nợ; sử dụng hoá đơn quay vòng, hoá đơn chưa đăng ký phát hành để vận chuyển trên đường...

Hạn chế trong quản lý hóa đơn

Mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng công tác quản lý hóa đơn thời gian qua vẫn còn những hạn chế nhất định, dẫn đến những gian lận về hóa đơn không bị phát hiện hoặc không được phát hiện kịp thời, dẫn đến thất thu thuế.

Quy định pháp lý còn nhiều điểm chưa hợp lý

Mặc dù các quy định pháp luật về quản lý hóa đơn thời gian qua đã được hoàn thiện đáng kể, tạo ra hành lang pháp lý đầy đủ và minh bạch hơn cho công tác quản lý hóa đơn của ngành Thuế, song vẫn còn những điểm bất hợp lý cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện. Cụ thể là:

<

>

Thứ nhất, đối tượng tự in hoặc tự đặt in quá rộng. Thông tư 153/2010/TT-BTC quy định chỉ bán hóa đơn do cơ quan thuế đặt in cho DN siêu nhỏ và DN ở địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn và một số ít đối tượng khác, còn các DN thì phải tự đặt in hóa đơn hoặc nếu đủ điều kiện thì sử dụng hóa đơn tự in. Thông tư 64/2013/TT-BTC thay thế Thông tư 153/2010/TT-BTC tiếp tục mở rộng đối tượng tự đặt in hoặc tự in hóa đơn. Theo đó, DN siêu nhỏ và DN ở địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn cũng phải tự đặt in hoặc tự in hóa đơn, cơ quan thuế không bán hóa đơn cho các DN này nữa. Quy định này có mặt tích cực là trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho người nộp thuế và nó đặc biệt tốt cho các DN sử dụng số lượng lớn hóa đơn lớn. Tuy nhiên, điều này không phù hợp với DN sử dụng ít hóa đơn, vì như vậy, giá thành hóa đơn sẽ rất cao do quy luật tính kinh tế theo quy mô. Thêm vào đó, với đối tượng được tự đặt in hóa đơn rộng mà không có những điều kiện chặt chẽ để kiểm soát thì nguy cơ xuất hiện hành vi sử dụng hóa đơn giả là khá cao.

Những gian lận về hóa đơn thời gian qua cho thấy, các DN gian lận trước đó đều đã có những biểu hiện bất thường nhưng thông tin không được cập nhật, phân tích và xử lý kịp thời. Bởi vậy, việc giám sát của cơ quan thuế phải đảm bảo để có một hệ thống thông tin tốt nhất về người nộp thuế.

 

<

>

Thứ hai, chưa quy định cụ thể phương thức thông báo thông tin về hóa đơn hợp pháp được sử dụng để người nộp thuế dễ dàng tiếp cận. Quy định pháp luật hiện hành về hóa đơn có yêu cầu người nộp thuế phải gửi thông báo phát hành hóa đơn và hóa đơn mẫu cho cơ quan thuế và dán thông báo phát hành cũng như hóa đơn mẫu tại trụ ở DN. Tuy vậy, trên thực tế, các DN chủ yếu tuân thủ được yêu cầu thông báo phát hành và hóa đơn mẫu cho cơ quan thuế, còn việc thông báo tại trụ sở DN còn chưa tuân thủ đầy đủ. Hơn nữa, trong trường hợp DN cố tình sử dụng hóa đơn giả vẫn dán thông báo công khai tại trụ sở của mình thì những người đến mua hàng không có cơ sở để phát hiện ngay được. Trong khi đó, nguồn thông tin xác nhận từ cơ quan thuế thì lại chưa kịp thời, chưa đầy đủ và khó tiếp cận.

Thứ ba, quy định về xử phạt hành vi vi phạm về hóa đơn chưa bao quát hết các vi phạm cần xử lý. Cụ thể là:

- Chưa có quy định xử phạt hành chính đối với hành vi sử dụng sai loại hóa đơn. Chẳng hạn như theo quy định thì DN xuất khẩu hàng hóa phải sử dụng hóa đơn xuất khẩu. Nếu DN sử dụng hóa đơn GTGT khi xuất khẩu hàng hóa là không đúng quy định, nhưng Nghị định 51/2010/NĐ-CP lại chưa có quy định trong trường hợp này xử phạt như thế nào.

- Hiện nay, đã có quy định về xử phạt trong trường hợp DN không thông báo việc mất hóa đơn đã phát hành nhưng chưa lập. Tuy vậy, nếu không phải mất mà bị hỏng do những nguyên nhân khách quan (nhưng chưa mất) mà không thông báo cơ quan thuế thì chưa có quy định xử phạt.

- Chưa phân biệt rõ cách thức xác định trách nhiệm của bên bán và bên mua trong một số sai phạm về hóa đơn để từ đó áp dụng điều khoản xử phạt phù hợp.

Chưa có công cụ hữu hiệu để giúp người nộp thuế nhận biết hóa đơn bất hợp pháp

Trước khi Nghị định 51/2010/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, phần lớn người nộp thuế sử dụng hóa đơn do cơ quan thuế phát hành thì việc nhận diện hóa đơn hợp pháp đơn giản hơn. Kể từ năm 2011 đến nay, khi phần lớn người nộp thuế tự in hoặc tự đặt in hóa đơn thì có rất nhiều vấn đề. Họ cần xác định khi mua hàng hóa, dịch vụ của một DN nào đó thì hóa đơn đó có hợp pháp được sử dụng hay không. Đó là các vấn đề như: Mẫu hóa đơn, sự tuân thủ về các điều kiện thông báo phát hành hóa đơn, hóa đơn chưa có giá trị sử dụng, hóa đơn hết giá trị sử dụng… Mặc dù theo quy định thì DN phải có thông báo phát hành hóa đơn gửi cho cơ quan thuế và phải dán thông báo phát hành hóa đơn, hóa đơn mẫu tại trụ sở DN, song việc tuân thủ quy định chưa đầy đủ. Thêm vào đó, ngay cả khi DN có dán thông báo phát hành và mẫu hóa đơn tại trụ sở thì với người mua cũng chưa dám đảm bảo đó không phải là hóa đơn giả. Mặc dù đã có quy định “Tổng cục Thuế có trách nhiệm căn cứ nội dung phát hành hoá đơn của tổ chức, hộ, cá nhân phát hành, tổ chức xây dựng hệ thống dữ liệu thông tin về phát hành hoá đơn trên trang thông tin điện tử của Tổng cục Thuế để mọi tổ chức, cá nhân tra cứu được nội dung cần thiết về hoá đơn đã thông báo phát hành của tổ chức, hộ, cá nhân”, song cho đến nay trên chuyên mục hóa đơn của Tổng cục Thuế mới chỉ có các văn bản pháp luật về hóa đơn và phần mềm nhập hóa đơn tồn mà chưa có thông tin về phát hành hóa đơn của người nộp thuế. Việc kiểm tra xem tình trạng hoạt động của người nộp thuế chỉ cho biết người nộp thuế đó đang hoạt động hay đã ngừng hoạt động (có đóng hoặc không đóng mã số thuế) mà không cho biết ngừng từ khi nào… Điều này dẫn đến một khoảng trống để các DN kinh doanh không nghiêm chỉnh lợi dụng và một số DN khác dù có mua hàng hóa thật sự nhưng lại lấy phải hóa đơn bất hợp pháp mà không biết.

Chưa áp dụng hiệu quả công nghệ thông tin vào đối chiếu, xác minh hóa đơn

Mặc dù công nghệ thông tin đã được ứng dụng khá rộng rãi trong quản lý hóa đơn nói riêng, thể hiện rõ nét nhất là việc áp dụng phần mềm soát hóa đơn bất hợp pháp. Tuy nhiên, việc đối chiếu hóa đơn không phải là những hóa đơn của DN bỏ trốn hoặc ngừng hoạt động không làm thủ tục đóng mã số thuế vẫn đang được các cơ quan thuế địa phương thực hiện thủ công bằng cách gửi công văn xác minh. Rõ ràng, trong bối cảnh có khoảng nửa triệu DN sử dụng hóa đơn tự đặt in hoặc hóa đơn tự in với số lượng vô cùng lớn các hóa đơn được lập ra trong hoạt động kinh doanh hàng ngày thì việc đối chiếu thủ công chỉ như “muối bỏ bể”. Đây có thể coi là hạn chế đồng thời là một thách thức lớn trong công tác quản lý hóa đơn hiện nay.

Để quản lý hóa đơn hiệu quả hơn

Hoàn thiện hành lang pháp lý

Sau gần 3 năm thực hiện Nghị định 51/2010/ NĐ-CP, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý hóa đơn vẫn còn những hạn chế, bất cập nhất định, còn tồn tại khoảng trống trong hành lang pháp lý về quản lý hóa đơn. Bởi vậy, cần sớm nghiên cứu tham mưu để Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 51/2010/NĐ-CP về hóa đơn. Những nội dung quan trọng cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung là:

- Xác định đối tượng tự đặt in hoặc tự in hóa đơn phù hợp: không nên quy định cứng nhắc rằng đã là DN thì phải tự đặt in hoặc tự in hóa đơn. Đối với những DN sử dụng số lượng hóa đơn ít ở một mức nhất định thì có thể lựa chọn tự đặt in hóa đơn/ tự in hóa đơn hoặc mua hóa đơn của cơ quan thuế. Với quy định này, những người nộp thuế sử dụng ít hóa đơn đỡ tốn kém chi phí sử dụng hóa đơn mà cơ quan thuế lại có thể quản lý tốt những đối tượng này.

- Bên cạnh việc yêu cầu người nộp thuế thông báo phát hành hóa đơn và công khai mẫu hóa đơn, cần có quy định cụ thể về phương thức và thời hạn cơ quan thuế công khai các thông tin này để người nộp thuế có thể dễ dàng tiếp cận bất kỳ khi nào họ cần.

- Bổ sung quy định xử phạt đối với các hành vi vi phạm về hóa đơn hiện chưa quy định trong văn bản pháp luật về quản lý hóa đơn để đảm bảo mọi hành vi vi phạm đều có chế tài xử phạt. Đó là các hành vi: sử dụng không đúng loại hóa đơn, không thông báo hóa đơn đã thông báo phát hành nhưng bị hỏng…

Ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý hóa đơn

Với số lượng hóa đơn phát hành vô cùng lớn của khoảng nửa triệu DN, nếu muốn kiểm tra tính chính xác, trung thực của các hóa đơn đã được sử dụng không thể tiếp tục sử dụng phương pháp đối chiếu hóa đơn thủ công thông qua hình thức gửi văn bản từ cơ quan thuế này đến cơ quan thuế khác đề nghị đối chiếu và thông báo thông tin. Điều này đòi hỏi phải sớm ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động đối chiếu hóa đơn. Muốn vậy, phải nghiên cứu hoàn thiện quy định về cách đánh số thứ tự và ký hiệu hóa đơn gắn với mã số người nộp thuế sao cho thuận lợi nhất cho áp dụng kỹ thuật số. Thêm vào đó, cần có quy định pháp lý để đảm bảo khi hóa đơn đã được lập là phải được tải dữ liệu lên phần mềm trên mạng internet. Khi đó bất kỳ ai được cấp quyền truy cập đều có thể truy cập để kiểm tra, đối chiếu.

Trước mắt, ngành Thuế cần hoàn thiện chuyên mục hóa đơn trên website Tổng cục để người nộp thuế có thể tra cứu thông tin về các DN đã phát hành hóa đơn và mẫu hóa đơn của những DN này.

Tăng cường giám sát, kiểm tra

Cơ quan thuế cần xây dựng một hệ thống thông tin đầy đủ về DN đảm bảo những hoạt động chủ yếu của DN phải trong tầm kiểm soát của cơ quan thuế. Những gian lận về hóa đơn thời gian qua cho thấy, các DN gian lận trước đó đều đã có những biểu hiện bất thường nhưng thông tin không được cập nhật, phân tích và xử lý kịp thời. Bởi vậy, việc giám sát của cơ quan thuế phải đảm bảo để có một hệ thống thông tin tốt nhất về người nộp thuế. Từ đó, có thể kịp thời ngăn ngừa và xử lý các hành vi gian lận thuế nói chung và gian lận về hóa đơn nói riêng. Bên cạnh đó, cơ quan thuế cũng cần phát huy tốt hoạt động kiểm tra báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn của người nộp thuế. Tăng cường tổ chức thực hiện các chuyên đề kiểm tra về hóa đơn nhằm kịp thời phát hiện và chấn chỉnh những sai sót hoặc gian lận về hóa đơn.

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số 9 - 2013

Cùng danh mục

Phải có hóa đơn rõ ràng mới có thể trao đổi hàng hóa qua biên giới

Cục Thuế Lào Cai vừa có kiến nghị với Tổng cục Thuế, cần có quy định chặt đối với hàng hoá trao đổi mua bán của cư dân biên giới, chợ biên giới. Theo đó, lượng hàng hoá trao đổi phải được thực hiện bảng kê đầy đủ, chứng từ hoá đơn rõ ràng để chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hoá.

Công văn 11894/BTC-TCT năm 2014 về xuất hóa đơn bán hàng giá trị gia tăng định kỳ

Công văn 11894/BTC-TCT năm 2014 về xuất hóa đơn bán hàng giá trị gia tăng định kỳ do Bộ Tài chính ban hành