Sau hơn hai năm thực hiện quy định mới về hóa đơn, Thông tư 153/2010/TT-BTC đã phát sinh một số vấn đề vướng mắc. Ngày 15/5/2013, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 64/2013/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ quy định về hoá đơn bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ. Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2013 và thay thế Thông tư số 153/2010/TT-BTC ngày 28/9/2010.
Dưới đây là một số nội dung mới quy định tại Thông tư số 64/2013/TT-BTC so với Thông tư số 153/2010/TT-BTC:
1. Về nội dung trên hoá đơn đã lập ( Điều 4)
Bổ sung trường hợp doanh nghiệp sử dụng phần mềm kế toán có sử dụng dấu phân cách số tự nhiên là dấu phẩy (,) sau chữ số hàng nghìn, triệu, tỷ, nghìn tỷ, triệu tỷ, tỷ tỷ và sử dụng dấu chấm (.) sau chữ số hàng đơn vị trên chứng từ kế toán; chữ viết trên hóa đơn là chữ tiếng Việt không dấu thì các doanh nghiệp được lựa chọn sử dụng chữ viết là chữ tiếng Việt không dấu và dấu phẩy (,), dấu chấm (.) để phân cách chữ số ghi trên hóa đơn như trên. Dòng tổng tiền thanh toán trên hóa đơn phải được ghi bằng chữ. Các chữ viết không dấu trên hóa đơn phải đảm bảo không dẫn tới cách hiểu sai lệch nội dung của hóa đơn.
Trước khi sử dụng chữ viết trên hóa đơn là chữ tiếng Việt không dấu và chữ số sử dụng dấu phân cách số tự nhiên là dấu phẩy (,) sau chữ số hàng nghìn, triệu, tỷ, nghìn tỷ, triệu tỷ, tỷ tỷ và sử dụng dấu chấm (.) sau chữ số hàng đơn vị trên hóa đơn, các doanh nghiệp phải có văn bản đăng ký với cơ quan thuế và tự chịu trách nhiệm về tính chính xác của nội dung hóa đơn lập theo cách ghi chữ viết, chữ số đã đăng ký.
Ngoài ra tại điểm 3 Điều 4 cũng bổ sung quy định các trường hợp hóa đơn không nhất thiết phải có đầy đủ nội dung bắt buộc, đó là: đối với doanh nghiệp sử dụng hóa đơn với số lượng lớn, chấp hành tốt pháp luật thuế, căn cứ đặc điểm hoạt động kinh doanh, phương thức tổ chức bán hàng, cách thức lập hóa đơn của doanh nghiệp và trên cơ sở đề nghị của doanh nghiệp, Cục thuế xem xét và có văn bản hướng dẫn hóa đơn không nhất thiết phải có tiêu thức “dấu của người bán”.
2. Về nội dung tạo hóa đơn tự in (Điều 6)
Để đảm bảo việc tạo hóa đơn điện tử đáp ứng các điều kiện quy định về hóa đơn, Thông tư cũng đã bổ sung về điều kiện và trách nhiệm của tổ chức cung ứng phần mềm tự in hoá đơn ( Điểm 3 Điều 6). Theo đó, Tổ chức cung ứng phần mềm tự in hoá đơn phải là doanh nghiệp có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp), trong đó có ngành nghề lập trình máy vi tính hoặc xuất bản phần mềm, trừ trường hợp tổ chức tự cung ứng phần mềm tự in hoá đơn để sử dụng.
Ngoài ra, các đơn vị cung cứng phần mềm phải có trách nhiệm: Ghi thông tin tên, mã số thuế của tổ chức cung ứng phần mềm tự in hoá đơn lên các hoá đơn tự in của tổ chức, cá nhân; Đảm bảo phần mềm tự in hoá đơn cung cấp cho một đơn vị tuân thủ đúng những quy đinh về tự in hoá đơn; không in giả hoá đơn trùng với các mẫu trong phần mềm đã cung cấp cho doanh nghiệp; Lập báo cáo về việc cung cấp phần mềm tự in hoá đơn cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp.
3. Về nội dung phát hành hoá đơn của tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh (Điều 9)
Kể từ ngày 01/7/2013 (ngày Thông tư có hiệu lực) khi cơ sở kinh doanh đã đặt in hóa đơn nhưng chưa sử dụng hết, hóa đơn có in sẵn tên, địa chỉ trên hóa đơn, nếu cơ sở kinh doanh đổi tên, đổi địa chỉ trên giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nhưng không thay đổi mã số thuế và tổ chức, hộ và cá nhân kinh doanh vẫn có nhu cầu sử dụng hoá đơn đã đặt in thì thực hiện đóng dấu tên, địa chỉ mới vào bên cạnh tiêu thức tên, địa chỉ đã in sẵn để tiếp tục sử dụng và gửi thông báo điều chỉnh thông tin tại thông báo phát hành hoá đơn đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp.
Trường hợp có sự thay đổi địa chỉ kinh doanh dẫn đến thay đổi cơ quan thuế quản lý trực tiếp, nếu tổ chức, hộ, cá nhân có nhu cầu tiếp tục sử dụng số hoá đơn đã phát hành chưa sử dụng hết thì đóng dấu địa chỉ mới lên hoá đơn, gửi bảng kê hoá đơn chưa sử dụng và thông báo điều chỉnh thông tin tại thông báo phát hành hoá đơn đến cơ quan thuế nơi chuyển đến. Nếu tổ chức, hộ, cá nhân không có nhu cầu sử dụng số hoá đơn đã phát hành nhưng chưa sử dụng hết thì thực hiện huỷ các số hoá đơn chưa sử dụng và thông báo kết quả huỷ hoá đơn với cơ quan thuế nơi chuyển đi và thực hiện thông báo phát hành hoá đơn mới với cơ quan thuế nơi chuyển đến.
4. Về cách thức lập hoá đơn ( Điều 14): Thông tư quy định rõ hơn đối với một số trường hợp
- Trường hợp hoá đơn tự in hoặc hoá đơn đặt in được lập bằng máy tính nếu có phần còn trống trên hoá đơn thì gạch chéo bằng bút mực.
Các siêu thị, trung tâm thương mại thành lập theo quy định của pháp luật được lập chung một hóa đơn Giá trị gia tăng (GTGT) cho tổng doanh thu người mua không lấy hóa đơn phát sinh trong ngày (không phân biệt tổng giá trị thanh toán trên 200.000 đồng hay dưới 200.000 đồng). Trường hợp khách hàng mua hàng tại các siêu thị, trung tâm thương mại (không phân biệt tổng giá trị thanh toán trên 200.000 đồng hay dưới 200.000 đồng) có yêu cầu xuất hóa đơn, các siêu thị, trung tâm thương mại phải lập hóa đơn GTGT cho từng khách hàng theo quy định.
Điều 14 cũng hướng dẫn chi tiết cách lập một số tiêu thức cụ thể trên hóa đơn như sau:
- Trường hợp người bán quy định mã hàng hoá, dịch vụ để quản lý thì khi ghi hoá đơn phải ghi cả mã hàng hoá và tên hàng hoá.
- Các loại hàng hoá cần phải đăng ký quyền sử dụng, quyền sở hữu thì phải ghi trên hoá đơn các loại số hiệu, ký hiệu đặc trưng của hàng hoá mà khi đăng ký pháp luật có yêu cầu. Ví dụ: số khung, số máy của ô tô, mô tô; địa chỉ, cấp nhà, chiều dài, chiều rộng, số tầng của ngôi nhà hoặc căn hộ…
- Các loại hàng hoá, dịch vụ đặc thù như điện, nước, điện thoại, xăng dầu, bảo hiểm…được bán theo kỳ nhất định thì trên hoá đơn phải ghi cụ thể kỳ cung cấp hàng hoá, dịch vụ.
5. Lập hoá đơn khi danh mục hàng hoá, dịch vụ nhiều hơn số dòng của một số hoá đơn (Điều 17)
Quy định bổ sung trường hợp khi bán hàng hóa, dịch vụ nếu danh mục hàng hóa, dịch vụ nhiều hơn số dòng của một số hóa đơn và cơ sở kinh doanh sử dụng hóa đơn tự in, việc lập và in hóa đơn thực hiện trực tiếp từ phần mềm và số lượng hàng hóa, dịch vụ bán ra nhiều hơn số dòng của một trang hóa đơn, Cục thuế xem xét từng trường hợp cụ thể để chấp thuận cho cơ sở kinh doanh được sử dụng hóa đơn nhiều hơn một trang nếu trên phần đầu của trang sau của hóa đơn có hiển thị: cùng số hóa đơn như của trang đầu (do hệ thống máy tính cấp tự động).
6. Thay đổi quy định thời hạn nộp báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn ( Điều 25)
Hàng quý, tổ chức, hộ, cá nhân bán hàng hoá, dịch vụ (trừ đối tượng được cơ quan thuế cấp hóa đơn) có trách nhiệm nộp báo cáo tình hình sử dụng hoá đơn cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp.
Báo cáo tình hình sử dụng hoá đơn quý I nộp chậm nhất là ngày 30/4; quý II nộp chậm nhất là ngày 30/7; quý III nộp chậm nhất là ngày 30/10 và quý IV nộp chậm nhất là ngày 30/01 của năm sau.
Ngoài ra, cũng tại Điều 25 có bổ sung thêm quy định: Hóa đơn thu cước dịch vụ viễn thông, hóa đơn tiền điện, hóa đơn tiền nước, hóa đơn thu phí dịch vụ của các ngân hàng, vé vận tải hành khách của các đơn vị vận tải, các loại tem, vé, thẻ và một số trường hợp khác theo hướng dẫn của Bộ Tài chính không phải báo cáo đến từng số hoá đơn mà báo cáo theo số lượng (tổng số) hoá đơn. Cơ sở kinh doanh phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của số lượng hoá đơn còn tồn đầu kỳ, tổng số đã sử dụng, tổng số xoá bỏ, mất, huỷ và phải đảm bảo cung cấp được số liệu hoá đơn chi tiết (từ số…đến số) khi cơ quan thuế yêu cầu.