Tổng cục Thuế cho biết, trong năm 2013, cơ quan thuế đã thanh tra, kiểm tra khoảng 13,2% DN trên tổng số lượng DN hoạt động đang được quản lý thuế. Theo đó, thanh tra, kiểm tra thuế là nhiệm vụ quan trọng trong việc quản lý thuế và kế hoạch thanh kiểm tra phải được thông báo đến các DN ngày từ đầu năm để có sự chủ động sắp xếp, không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.
Kiến nghị 1: Về các hoạt động thanh, kiểm tra, đề nghị cơ quan thuế trong tình hình khó khăn này cần hạn chế công tác thanh tra đối với các doanh nghiệp (DN), đặc biệt các DN có truyền thống thực hiện tốt các chính sách, pháp luật về thuế, tránh việc kiểm tra chồng chéo, gây nhũng nhiễu cho DN. Quá trình thanh, kiểm tra phải có kế hoạch sớm từ đầu năm và có sự phối hợp cùng các cơ quan khác nhằm giảm thiểu thời gian, dàn trải gây phiền hà cho DN
Trả lời
Thanh tra, kiểm tra thuế là nhiệm vụ quan trọng trong việc quản lý thuế, là phương tiện phòng ngừa, răn đe các hành vi vi phạm pháp luật thuế và tội phạm nảy sinh trong việc thực hiện pháp luật thuế; góp phần tạo môi trường kinh doanh bình đẳng; góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về thuế; góp phần chống thất thu cho ngân sách nhà nước.
Thực hiện Luật Quản lý thuế, thanh tra, kiểm tra theo nguyên tắc rủi ro, phân tích và lựa chọn các DN có rủi ro cao về thuế để tiến hành thanh tra, kiểm tra; những DN chấp hành tốt chính sách pháp luật thuế thì không lựa chọn để thanh tra, kiểm tra.
Các DN đưa vào kế hoạch thanh kiểm tra có loại trừ trùng lặp với các cơ quan quản lý nhà nước khác (Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Tài chính và trong nội bộ hệ thống thuế) theo đúng quy định. Ngay từ đầu năm kế hoạch thanh tra, kiểm tra được thông báo đến các DN để có sự chủ động sắp xếp để không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh.
Năm 2013, cơ quan thuế đã thanh tra, kiểm tra khoảng 13,2% DN trên tổng số lượng DN hoạt động đang được quản lý thuế, trong đó thanh tra đạt 1,7% và kiểm tra đạt 11,5% số DN. Trình tự, thủ tục thanh tra, kiểm tra thực hiện theo đúng quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật. Cơ quan thuế cũng đã tăng cường công tác kiểm tra nội bộ để giám sát, xử lý nghiêm đối với các cán bộ có vi phạm trong quá trình quản lý thuế nói chung và trong công tác thanh tra, kiểm tra tại DN nói riêng.
Kiến nghị 2: Vấn đề truy thu thuế cũng đang là hiện tượng được các DN phản ánh có nhiều khó khăn, vướng mắc, một số trường hợp có sự áp thuế cảm tính, duy ý chí. Trong thời gian qua, Bộ Tài chính vừa có quy định mới về hóa đơn xuất khẩu, theo các DN sự xuất hiện của hóa đơn này là thừa, phía đối tác nước ngoài vẫn chỉ dùng commercial invoice từ trước đến nay của DN, trong khi đó khi làm hoàn thuế, ngành thuế lại từ chối hóa đơn xuất khẩu trong hoàn thuế giá trị gia tăng. Đề nghị bỏ hóa đơn này (3 liên và có tiếng Việt).
Trả lời
Để giảm thủ tục hành chính cho DN, Bộ Tài chính trình Chính phủ cho bỏ quy định về hóa đơn xuất khẩu, theo đó tại Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17/1/2014 đã bỏ quy định về việc sử dụng hóa đơn xuất khẩu bằng tiếng Việt. Đối với những hóa đơn xuất khẩu đã đặt in còn tồn chưa sử dụng thì Bộ Tài chính đã hướng dẫn theo hướng DN được tiếp tục sử dụng đến hết.
Kiến nghị 3: Việc thu thuế nên linh hoạt cho các DN được hoãn hoặc giãn nộp thuế khi có lí do giải trình hợp lí và không bị phạt chập nộp theo qui định, vì thời gian qui định nộp thuế vào 2 kì/ năm. Kì đầu vào tháng 4 thường DN chưa hoạt động kinh doanh nhiều nên chưa cân đối đủ tài chính để nộp.
Trả lời
Luật Quản lý thuế đã quy định việc khai nộp thuế như sau:
- Về thuế giá trị gia tăng: việc khai nộp thuế giá trị gia tăng thực hiện theo tháng đối với DN có quy mô lớn hoặc thực hiện theo quý đối với các DN có tổng doanh thu bán hàng hoá, dịch vụ của năm trước liền kề từ 20 tỷ đồng trở xuống.
- Về thuế Thu nhập DN: việc khai nộp thuế Thu nhập DN thực hiện tạm tính theo quý và quyết toán năm.
Tapchitaichinh.vn