Chuẩn hóa công cụ kiểm soát chất lượng dịch vụ kế toán kiểm toán

19/02/2022

Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) đang tổ chức lấy ý kiến rộng rãi nhằm hoàn thiện dự thảo Thông tư thay thế Quy chế kiểm soát chất lượng dịch vụ kế toán, kiểm toán ban hành theo Quyết định 32/2007/QĐ-BTC. Việc chuẩn hóa này nhằm tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động dịch vụ kế toán, kiểm toán -trước đòi hỏi minh bạch hóa ngày càng cao trong hoạt động kinh tế.

Đòi hỏi từ thực tế

Từ năm 1998, Bộ Tài chính đã có các bước hình thành vào tạo lập quy định, khung pháp lý cho hoạt động của các công ty kiểm toán tại Việt Nam. Năm 1998, Bộ Tài chính đã tổ chức các cuộc kiểm tra đối với công ty kiểm toán; đến năm 2007, Bộ đã ban hành Quyết định 32/2007/QĐ-BTC (Quyết định 32) về Quy chế kiểm soát chất lượng dịch vụ kế toán, kiểm toán. Đây là công cụ pháp lý để cơ quan chức năng kiểm soát chất lượng hoạt động của các công ty kiểm toán độc lập tại Việt Nam trong những năm qua, đặc biệt khi các công ty hoạt động tác nghiệp đối với thị trường chứng khoán.

Theo ông Bùi Văn Mai - Phó Chủ tịch VACPA, sau khi Luật Kiểm toán độc lập chính thức có hiệu lực từ tháng 1/2012, các văn bản trước đó đều phải ban hành lại hoặc sửa đổi bổ sung cho phù hợp. Bên cạnh đó việc Luật Kiểm toán độc lập ra đời cũng yêu cầu nâng cao hơn nữa về quản lý nhà nước đối với lĩnh vực kế toán, kiểm toán, đặc biệt là về vấn đề chất lượng dịch vụ. Chính vì vậy việc ban hành thông tư thay thế cho Quyết định 32 vào lúc này là rất cần thiết.

Theo phản ánh từ nhiều công ty Kiểm toán độc lập, thời gian kiểm soát chất lượng dịch vụ ở một công ty kiểm toán, theo Quyết định 32 quy định kiểm tra định kỳ 3 năm một lần là chưa sát với thực tế. Những công ty đã bảo đảm chất lượng dịch vụ tốt thì 3 năm kiểm tra một lần cũng không thật cần thiết. Trong khi các công ty kiểm tra không đạt yêu cầu phải đợi 3 năm sau mới tiến hành kiểm tra tiếp... Chính vì vậy cần thiết phải có quy định thời hạn cụ thể theo kết quả kiểm tra. Công ty đạt yêu cầu hoặc chất lượng dịch vụ tốt (xếp loại A,B,C) có thể là 3 đến 5 năm kiểm tra một lần, còn đối với công ty yếu kém (xếp loại D,Đ) thì có thể sau 1 năm đã phải kiểm tra xem xét. Có như vậy việc kiểm soát chất lượng dịch vụ mới là kịp thời và thực sự đem lại hiệu quả tích cực.

Hơn nữa, Quyết định 32 quy định Bộ Tài chính ủy quyền cho Hội nghề nghiệp thực hiện tất cả các cuộc kiểm tra chất lượng dịch vụ và báo cáo với Bộ Tài chính. Theo ý kiến các chuyên gia, như vậy chức năng quản lý nhà nước trong việc kiểm soát chất lượng dịch vụ kế toán, kiểm toán là chưa cao. Các chuyên gia cũng cho rằng, Bộ Tài chính nên cử nhân sự trực tiếp tham gia các đoàn kiểm tra các công ty Kiểm toán độc lập đủ điều kiện kiểm toán các đơn vị có lợi ích công chúng (các công ty niêm yết, công ty cổ phần).

Nâng cao chất lượng kiểm soát hành nghề

Theo ông Bùi Văn Mai, quá trình xây dựng dự thảo thông tư đã đặt ra 2 vấn đề chung.

Thứ nhất, việc nên ban hành 1 thông tư quy định về kiểm soát chất lượng dịch vụ chung cho cả kế toán, kiểm toán hay tách làm 2 thông tư riêng cho mỗi loại dịch vụ.

Qua thực tế, VACPA cũng nhận thấy nên tách bạch làm 2 thông tư riêng, bởi vì yêu cầu nội dung cho mỗi loại hình dịch vụ là khác nhau. Hơn nữa việc đánh giá đối với dịch vụ kiểm toán đã có quy trình, cách thức cụ thể nên thực hiện thuận lợi hơn. Dịch vụ kế toán lại khác, những dịch vụ như thuê giữ sổ kế toán hoặc làm kế toán trưởng, tư vấn kế toán, đào tạo kế toán... hiện chưa có những quy định, tiêu chí cụ thể về chất lượng nên rất khó đánh giá.

Thứ hai, trong Quyết định 32 cũng có tới 2/3 nội dung đề cập đến đánh giá chất lượng dịch vụ kiểm toán, quy định chung vào 1 thông tư thì khó có thể làm nổi bật các tiêu chí đánh giá chất lượng dịch vụ kế toán. Hơn nữa, dự kiến trong 2-3 năm tới Luật Kế toán mới có sửa đổi. Vì vậy nhiều ý kiến cho rằng hiện nay chỉ nên ban hành 1 thông tư thay thế Quyết định 32 về kiểm soát chất lượng dịch vụ kiểm toán, còn kiểm soát chất lượng dịch vụ kế toán nên giữ nguyên, đợi sau khi Luật Kế toán sửa đổi thì ban hành, tránh việc vừa ban hành lại phải sửa đổi theo luật mới.

Theo VACPA, dự thảo thông tư lần này cũng sẽ chú trọng nâng cao hơn nữa tiêu chuẩn thành viên đoàn kiểm tra. Theo đó, thành viên đoàn kiểm tra phải có chứng chỉ kiểm toán viên hoặc chứng chỉ hành nghề kế toán (nếu kiểm tra dịch vụ kế toán) từ 5 năm trở lên và có kinh nghiệm tương đương cấp trưởng phòng kiểm toán. Trưởng đoàn kiểm tra phải có 7 năm hoặc 10 năm kinh nghiệm là lãnh đạo Hội nghề nghiệp, lãnh đạo cấp Vụ của Bộ Tài chính hoặc lãnh đạo công ty kiểm toán… 

Đặc biệt, dự thảo thông tư mới cũng đề xuất thành lập Hội đồng chuyên môn tham vấn cho Bộ Tài chính hoặc Hội nghề nghiệp trong trường hợp có sự bất đồng giữa đoàn kiểm tra với đơn vị được kiểm tra.

Theo mof.gov.vn

Cùng danh mục

Danh sách doanh nghiệp kiểm toán đủ điều kiện hành nghề kiểm toán 2013

Danh sách doanh nghiệp kiểm toán đủ điều kiện hành nghề kiểm toán 2013 (cập nhập đến ngày 21/05)

Hướng dẫn chế độ thu, nộp và quản lý lệ phí cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 78/2013/TT-BTC hướng dẫn chế độ thu, nộp và quản lý lệ phí cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán và lệ phí cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán.