Thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế (sau đây gọi tắt là Luật Quản lý thuế sửa đổi), Cục Hải quan TP.HCM cho biết đang gặp vướng mắc liên quan đến công tác giá tính thuế đối với hàng hóa nhập khẩu.
Theo Cục Hải quan TP.HCM, quy định của Tổng cục Hải quan về việc ban hành Danh mục rủi ro cấp Tổng cục, quy định nội dung về xác định giá tính thuế nêu rõ: “…đồng thời không thấp hơn mức giá mặt hàng giống hệt, tương tự có trong Danh mục rủi ro cấp Tổng cục; các mức giá khai báo của DN hoặc mức giá tính thuế do Hải quan xác định thấp hơn mức giá hàng giống hệt, tương tự có trong Danh mục rủi ro cấp Tổng cục chỉ sử dụng để tham khảo trong quá trình kiểm tra, tham vấn, không sử dụng để xác định giá tính thuế; các mức giá trong Danh mục rủi ro chỉ để tham khảo, không được sử dụng để xác định hoặc áp đặt giá tính thuế”. Quy định này rất khó thực hiện.
Để tạo thuận lợi cho DN, cũng như cơ quan Hải quan trong công tác xác định giá tính thuế, Cục Hải quan TP.HCM đề xuất, giá cả luôn biến động và không cố định, có những mặt hàng giảm giá theo chu kì kinh doanh như hàng thời trang, điện thoại di động, hàng điện máy… nhưng cũng có những mặt hàng tăng giá do cung không đủ cầu. Vì vậy, quy định mức giá cố định và quy định xác định giá không được thấp hơn mức giá kiểm tra của Tổng cục Hải quan hoặc của Cục Hải quan địa phương là khó thực hiện.
Qua thực tế, có nhiều mức giá trong Danh mục rủi ro vừa mới ban hành tăng cao, chưa có mức giá trong dữ liệu giống hệt, tương tự, đặc biệt là hàng hóa của các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và các DN có uy tín, số thu lớn nhập khẩu các mặt hàng điện máy, điện thọai di động, rượu, thực phẩm… có mức giá khai báo ổn định trong thời gian dài, nay mức giá trong Danh mục rủi ro tăng cao, gây bức xúc cho người NK. Việc quy định cấm sử dụng mức giá trong Danh mục rủi ro để điều chỉnh giá tính thuế nhưng mức giá tính thuế theo các phương pháp không được thấp hơn mức giá trong danh mục rủi ro cần xem xét lại vì sẽ phát sinh những mâu thuẫn khi tuân thủ.
Cục Hải quan TP.HCM cho rằng, vẫn tuân thủ đúng ý kiến chỉ đạo của Tổng cục Hải quan nhằm ngăn chặn tình trạng giá khai báo giảm dần do nguyên tắc giá thấp hơn. Tuy nhiên, Cục Hải quan TP.HCM đề nghị Tổng cục Hải quan chấp nhận xác định mức giá thấp hơn mức giá kiểm tra tại danh mục rủi ro trong trường hợp Cục Hải quan TP.HCM chứng minh được có số liệu khách quan và cụ thể mức giá kiểm tra trong danh mục rủi ro không phù hợp.
Đặt tiền bảo đảm mới thông quan
Từ ngày 1-7, tất cả hàng hóa (trừ hàng nhập sản xuất xuất khẩu) đều phải nộp thuế ngay hoặc có bảo lãnh của các tổ chức tín dụng. Thời điểm tính phạt chậm nộp từ ngày thông quan hoặc giải phóng hàng. Cục Hải quan TP.HCM cho biết sẽ áp dụng quy định này đối với các lô hàng thuộc Danh mục rủi ro của Tổng cục Hải quan và Cục Hải quan TP.HCM ban hành, có nghi vấn cần tham vấn giá. Cụ thể, các chi cục phải thực hiện khoản tiền đảm bảo tương ứng với mức giá chênh lệnh trước khi thông quan hoặc giải phóng hàng hóa.
Cục Hải quan TP.HCM đề xuất do hiện nay chưa có văn bản pháp quy nào thay thế Thông tư số 205/2010/TT-BTC ngày 15-12-2010 của Bộ Tài chính, nên tại thời điểm làm thủ tục hải quan, ngoài số thuế phải nộp theo khai báo, cả DN và cơ quan Hải quan đều không thể biết được kết quả tham vấn (trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày đăng kí tờ khai). Vì vậy, nếu kết quả tham vấn bác bỏ giá khai báo dẫn đến DN phải nộp bổ sung số thuế chênh lệch thì chỉ nên tính phạt chậm nộp 0,05%/ngày từ ngày thứ 11 khi cơ quan Hải quan ra quyết định ấn định thuế bổ sung; Không đưa khoản tiền bảo đảm vào tài khoản chuyên thu mà chỉ để ở tài khoản tạm thu. Đối với các trường hợp không nộp khoản bảo đảm sẽ không chấp nhận cho giải phóng hàng hoặc thông quan hàng hóa dù cho DN đã nộp xong tiền thuế theo khai báo trên tờ khai hải quan.