Đó là khẳng định của Bộ Tài chính trước kiến nghị của Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam (VAFF) và Hiệp hội Bán hàng đa cấp Việt Nam về cắt giảm thuế suất thuế nhập khẩu đối với mặt hàng trà nhập khẩu từ Mỹ.
<
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Theo thông tin từ VAFF, trà thảo mộc cô đặc là sản phẩm dạng bột, chứa chiết xuất trà đen (Orange Pekoe), chiết xuất trà xanh, bột caffeine tự nhiên, chiết xuất hạt bạch đậu khấu, bột hoa dâm bụt, có hương vị chanh tự nhiên.
Bộ Tài chính cho biết, đối chiếu với Danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu thì mặt hàng trà nhập khẩu của Hiệp hội thuộc phân nhóm 2102.20 (Chất chiết xuất, tinh chất và các chất cô đặc, từ chè hoặc chè Paragoay, và các chế phẩm có thành phần cơ bản từ các chất chiết xuất, tinh chất hoặc các chất cô đặc này hoặc có thành phần cơ bản từ chè hoặc chè Paragoay), mã số cụ thể là: 2101.20.10 (Các chế phẩm chè kể cả hỗn hợp của chè, sữa bột và đường); và 2101.20.90 (Loại khác).
Đối với mặt hàng này, theo quy định tại Quyết định số 1380/QĐ-BCT ngày 25/3/2011 của Bộ Công Thương, các mặt hàng thuộc nhóm 2101, trong đó có mặt hàng trà, thuộc Danh mục các mặt hàng không khuyến khích nhập khẩu, do trà là mặt hàng trong nước đã sản xuất được, đối với các loại trà thảo dược, Việt Nam đã có sản xuất với nhiều loại khác nhau, như trà cozy, trà hoa cúc, trà giảo cổ lam, trà tâm lan, trà cung đình, trà hoàn ngọc, trà tam thất...
Bên cạnh đó, hiện mặt hàng trà thuộc nhóm 2101 đang áp dụng mức thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) cao nhất là 40%, bằng mức trần cam kết WTO là 40% (khung thuế suất do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định đối với nhóm mặt hàng này là 20% đến 46%).
Vì vậy, Bộ Tài chính cho rằng, với quy định tại khoản 2 Điều 12 Luật thuế xuất nhập khẩu (mức thuế nhập khẩu quy định bảo đảm nguyên tắc bảo hộ sản xuất trong nước) và mục tiêu hạn chế nhập siêu, thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) đối với mặt hàng trà thuộc nhóm 2101, đề nghị doanh nghiệp thực hiện theo quy định hiện hành.
Theo baohaiquan.vn