Hướng dẫn chưa rõ ràng
Cuối năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các địa phương kiểm tra, xác định khối lượng quặng tồn kho thực tế của doanh nghiệp và làm thủ tục xuất khẩu theo các tiêu chuẩn sản phẩm đã được cho phép xuất khẩu.
Tuy nhiên, trong thực tế một số văn bản cho phép xuất khẩu quặng tồn kho của Bộ Công Thương chưa thống nhất về tiêu chuẩn sản phẩm cho phép xuất khẩu.
Đơn cử như mặt hàng tinh quặng ilmenit, có trường hợp Bộ Công Thương cho phép doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng này với hàm lượng TiO2 ≥ 44%, nhưng trường hợp khác lại được xuất khẩu với hàm lượng TiO2 ≥ 52%.
Để tạo thuận lợi cho các đơn vị Hải quan địa phương trong quá trình thực hiện, Bộ Tài chính vừa đề nghị Bộ Công Thương có hướng dẫn rõ ràng, thống nhất về tiêu chuẩn sản phẩm (tinh quặng) được phép xuất khẩu.
Liên quan đến quy định về thủ tục xuất khẩu khoáng sản tại Điều 5 Thông tư 41/2012/TT-BCT của Bộ Công Thương, cơ quan Hải quan cũng lúng túng trong cách hiểu và thực hiện.
Cụ thể, Thông tư yêu cầu “Doanh nghiệp khi làm thủ tục xuất khẩu khoáng sản, ngoài việc thực hiện các quy định của Hải quan còn phải xuất trình các loại giấy tờ sau…”.
Theo Tổng cục Hải quan, quy định “xuất trình” như nêu trên có thể hiểu doanh nghiệp chỉ xuất trình nhưng không nộp các chứng từ này cho cơ quan Hải quan. Điều đó sẽ gây khó khăn cho việc thanh tra, kiểm tra hồ sơ hải quan sau này.
Bộ Tài chính đề nghị sửa quy định trên theo hướng “doanh nghiệp xuất trình bản chính và nộp cho cơ quan Hải quan bản sao có xác nhận của doanh nghiệp đối với các loại giấy tờ”.
Về quy định việc xuất khẩu khoáng sản phải có “Phiếu phân tích mẫu để xác nhận sự phù hợp về tiêu chuẩn, chất lượng của lô hàng xuất khẩu, do một phòng thử nghiệm đạt tiêu chuẩn VILAS cấp (gọi tắt là Phiếu phân tích)” (quy định tại Thông tư 41 nêu trên).
Tuy nhiên, Thông tư 41 chưa quy định rõ trường hợp doanh nghiệp được cấp Phiếu phân tích nêu trên cho một hợp đồng, nhưng hợp đồng này lại được đăng kí cho nhiều tờ khai hải quan xuất khẩu thì Phiếu phân tích có được sử dụng chung cho các tờ khai này không?
Theo quan điểm của Bộ Tài chính, để đảm bảo công tác quản lí được chặt chẽ thì mỗi Phiếu phân tích chỉ được dùng cho 1 lô hàng, 1 tờ khai xuất khẩu.
Nhiều trường hợp được xuất tinh quặng
Từ đầu năm 2013 đến nay, nhiều doanh nghiệp đã được Bộ Công Thương chấp thuận cho xuất khẩu tinh quặng tồn kho với khối lượng xuất khẩu từ vài chục nghìn đến cả trăm nghìn tấn tinh quặng/doanh nghiệp.
Mới đây, ngày 17/6, Bộ Công Thương cho Công ty CP Thương mại và Khai thác khoáng sản Dương Hiếu được xuất khẩu 100.000 tấn tinh quặng sắt, do lượng hàng này không tiêu thụ được ở trong nước
Trong tháng 5, Bộ Công Thương cũng chấp thuận cho 2 doanh nghiệp ở Hà Tĩnh được xuất khẩu tinh quặng tồn kho. Đó là Tổng công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh (Mitraco) được xuất khẩu tối đa 41.031 tấn tinh quặng ilmenite, hàm lượng TiO2 ≥ 52%. Công ty CP Khoáng sản Mangan Hà Tĩnh được xuất khẩu tối đa 42.571 tấn tinh quặng Mangan hàm lượng Mn ≥ 30%.
Trước đó, tháng 1/2013, tỉnh Bình Thuận đã đề nghị và được Bộ Công Thương chấp thuận cho 6 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh này được xuất khẩu tinh quặng ilmenite, hàm lượng TiO2 ≥ 52%, với tổng khối lượng được phép xuất khẩu là 131,076 nghìn tấn…
Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, Tổng cục Hải quan còn nhận được nhiều thông báo khác của Bộ Công Thương về việc cho phép doanh nghiệp xuất khẩu tinh quặng tồn kho với mục đích tháo gỡ kho khăn cho doanh nghiệp.
Theo baohaiquan.vn