Sắp phải nhập than, sao còn xin miễn thuế?

12/09/2020

(VEF.VN) - Khó khăn, Tập đoàn Than- Khoáng sản kêu cứu lên Thủ tướng với kiến nghị giảm thuế xuất khẩu từ 20% xuống 0%. Đề xuất này dường như là khó chấp nhận trong bối cảnh nguồn tài nguyên không tái tạo được ví như "vàng đen" chỉ vài năm nữa phải nhập khẩu.

<

id="VietAd">

Lỗ do điện

Vì sao một Tập đoàn kinh tế Nhà nước được độc quyền khai thác và bán than- nguồn tài nguyên khoáng sản quý được gọi là "vàng đen" mà vẫn phải xin cứu trợ của Chính phủ bằng việc miễn thuế xuất khẩu?

Tháng 9/2011, thuế xuất khẩu than được điều chỉnh tăng từ 15% lên 20%. Chỉ sau khoảng 7 tháng, TVK lại xin Thủ tướng giảm hẳn mức thuế này về 0%.

TKV đã đưa ra ít nhất 3 khó khăn cho kiến nghị trên. Thứ nhất là sản lượng tiêu thụ than cả trong nước và ngoài nước đều giảm; thứ hai là giá xuất khẩu giảm mạnh từ 10-36%; thứ ba là TKV sẽ tiếp tục phải bù giá than bán cho điện tới 8.500 tỷ đồng, do phải bán thấp hơn giá thành tới 50 - 60%. Ba lý do này đã khiến cho TKV đứng trước nguy cơ mất cân đối tài chính và sẽ gây sức ép lớn cho TKV trong việc phát triển mỏ mới, đáp ứng sản lượng than theo quy hoạch vào năm 55 triệu tấn vào năm 2015. Và theo trình bày của TKV gửi Thủ tướng, chỉ có xuất khẩu than mới giúp cho TVK cân đối lại tài chính, như năm 2011.

Trao đổi với VEF, ông Nguyễn Văn Biên, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Than- Khoáng sản TKV cho rằng, nếu như Thủ tướng chấp thuận đề xuất của TKV và áp dụng thuế 0% từ tháng 6 tới thì khi tính tổng hòa với phần 6 tháng đầu đóng góp thuế suất 20%, tính bình quân cho cả năm 2012, mức thuế xuất khẩu than thực sự là 10%.

Ông Biên chia sẻ, suốt 4 tháng vừa rồi, than cung ứng cho điện thì đạt kế hoạch nhưng đây lại là phân khúc lỗ. Trong khi đó, phân khúc có lãi cho TKV là bán theo thị trường cho các hộ tiêu dùng lớn trong nước  như giấy, phân bón, hóa chất... và xuất khẩu thì lại giảm. Giá xuất khẩu than đến nay, tính bình quân lại là giảm tới 20% bằng đúng mức thuế xuất khẩu hiện hành. Tình thế của TKV hiện giờ là càng bán than cho điện nhiều thì cân đối tài chính của TKV càng gặp khó. Trong khi đó, giá than bán cho điện sẽ do các bộ quyết định theo lộ trình tăng giá điện, TKV dường như không có quyền định giá ở phân khúc này.

Trong khi đó, TKV còn chịu chi phí đầu vào tăng lên như thuế môi trường năm nay tăng và ở mức 20.000 đồng/tấn, cộng thêm phí môi trường một năm tăng từ 6.000 đồng/tấn lên 10.000 đồng/tấn đã khiến cho TKV chịu phát sinh thêm 850 tỷ đồng. TKV cũng không còn được khấu trừ thuế giá trị gia nên Tập đoàn này đội thêm 1.000 tỷ đồng chi phí đầu vào.

Đi ngược xu hướng

Tuy nhiên, đề xuất này của TKV được nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng là đòi hỏi rất bất hợp lý.

Được biết, TKV gửi thẳng đề xuất này tới Thủ tướng, do đó, Bộ Tài chính cũng chưa nắm bắt được đề xuất này của TKV. Theo một vị chuyên gia trong ngành này, chủ trương của Chính phủ là không khuyến khích xuất khẩu tài nguyên thô. Đó là lý do mà Chính phủ yêu cầu phải đánh thuế cao để hạn chế xuất khẩu mặt hàng này.

Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô đã giao Bộ Tài chính nhiệm vụ rõ ràng, nghiên cứu "tăng thuế xuất khẩu lên mức phù hợp đối với các mặt hàng không khuyến khích xuất khẩu, tài nguyên, nguyên liệu thô" và chỉ giảm thuế đối với mặt hàng là nguyên liệu đầu vào của sản xuất trong nước.

Hơn nữa, than là nguồn tài nguyên không tái tạo, chỉ tới năm 2014-2015, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu than. Hàng chục nhà máy điện vẫn đang gian nan tìm nguồn than nhập ổn định, lâu dài cho cả đời dự án. Chỉ vài năm tới, Việt Nam sẽ thiếu than là tất yếu. Chưa kể, trong 5 năm tới, nguồn điện của Việt Nam theo quy hoạch sẽ phụ thuộc lớn vào nhiệt điện than. Thiếu than tức sẽ thiếu điện.

Vì đó, hạn chế và tiến dần với việc dừng xuất khẩu than là chỉ đạo đã được thông suốt trong nhiều năm qua. Từ năm 2008 đến nay, thuế xuất khẩu than từ 0% đã tăng tiến dần dần từng mức 5%, 10%, 15% và đến ngày 11/9/2011, thuế xuất khẩu than đã tăng lên 20%.

Tháng , hồi tháng 8/2011, chính Bộ  Công Thương cũng từng đề nghị Bộ Tài chính giảm thuế xuất khẩu than từ 15% xuống 10% nhưng bộ Tài chính đã bác đề nghị này và tăng thuế mặt hàng này lên 20% như hiện nay.

Theo ông Phạm Quang Tú, Phó Viện trưởng Viện tư vấn phát triển (CODE), đề xuất giảm thuế 0% của TKV là đi ngược lại xu hướng điều tiết nguồn tài nguyên khoáng sản này.

Giảm thuế hay miễn thuế xuất khẩu cũng không khác nào một đòi hỏi tiếp tục bao cấp, hỗ trợ tài chính cho Tập đoàn Than. Ngân sách Nhà nước sẽ phải lùi tới trên dưới 5.000 tỷ đồng - mức mà TKV có thể nộp cho ngân sách từ nguồn thuế xuất khẩu vì lợi ích của Tập đoàn này. Đây lại là điều bất hợp lý khi nguồn thu cho ngân sách quốc gia đang ngày giảm sút, do có tới hơn 10.000 doanh nghiệp phá sản, giải thể.

Dừng ngay xuất khẩu than?

Trước ý kiến này, TS Vũ Đình Ánh tỏ ra ngạc nhiên và cho rằng, Nhà nước đang không khuyến khích xuất than nên đề nghị giảm thuế về hẳn 0% là vô lý. Điều cần quan tâm hơn là một chiến lược sử dụng tài nguyên khai thác hiệu quả hơn, nhất là khi Việt Nam sắp phải nhập khẩu than và nếu cần, phải dừng sớm ngay việc xuất khẩu than của TKV.

Tuy vậy, theo như ông Biên, câu chuyện phải dừng xuất khẩu than đã được bàn nhiều nhưng không đơn giản, bảo dừng là dừng ngay được. TKV đã vạch ra lộ trình giảm xuất khẩu than rồi, từ mức 14 triệu năm nay, sẽ giảm dần còn 11 triệu tấn vào năm 2013, giảm tiếp 8 triệu tấn vào năm 2014 và chỉ còn 4 triệu tấn vào năm 2015. Sản lượng than năm 2012 là 45 triệu tấn, tới năm 2015 phải tăng lên 55 triệu tấn.

"Giờ, nếu bảo TKV dừng xuất khẩu thì tức là, năm 2012, giả sử bỏ đi 14 triệu tấn than, sẽ chỉ còn sản lượng là 31 triệu tấn. Sẽ không có cách nào mà đột ngột, đến năm 2015, TKV tăng từ 31 lên 55 triệu tấn sản lượng đã được Chính phủ duyệt theo quy hoạch. Các mỏ than có đặc thù phải khai thác tăng sản lượng dần dần, mỗi mỏ mất 5-7 năm mới khai thác được. Muốn vậy, tập đoàn phải có vốn và ít nhất, cần 17.000 tỷ đồng đầu tư mỗi năm. Để vay được số vốn này, Tập đoàn cần có ít nhất 4000-5000 tỷ đồng vốn đối ứng và như thế, lợi nhuận cần đạt phải là 8000-10000 tỷ đồng/năm", ông Biên cho hay.

Chưa hết, cũng theo phân tích của TKV, nếu dừng xuất khẩu thang, 1/3 số người lao động công nhân cán bộ trong Tập đoàn sẽ bị ảnh hưởng. Hơn nữa, không phải Tập đoàn muốn gia tăng xuất khẩu để thu lợi về mình, mà thực tế, không chỉ kế hoạch giảm xuất khẩu đã được triển khai mà kế hoạch về lợi nhuận của TVK năm 2012 đưa ra đều là giảm so với năm trước, ví dụ như năm 2012 chỉ dám đặt 6.200 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo Đề án xuất khẩu giai đoạn 2006-2010, tầm nhìn 2020 Thủ tướng Chính phủ đã quy định, kim ngạch xuất khẩu than đá sẽ duy trì ở mức 11 triệu tấn trong các năm 2006-2007, năm 2008 giảm xuống còn 10 triệu tấn, năm 2009 còn 9 triệu tấn và năm 2010 còn 8 triệu tấn, tiến tới chấm dứt xuất khẩu hoàn toàn để phục vụ nhu cầu trong nước.

Rõ ràng, lộ trình từng bước hạn chế xuất khẩu than của TKV dù được Chính phủ thông qua đã có điểm vênh so với đề án xuất khẩu than đã được phê duyệt này.

<

>

 

Cùng danh mục

Dự thảo thuế suất thuế xuất khẩu mặt hàng vàng trang sức giảm còn 0 - 2 %

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo Thông tư sửa đổi quy định thuế suất thuế xuất khẩu đối với các mặt hàng vàng trang sức, kỹ nghệ và các sản phẩm khác bằng vàng.

Bộ Tài chính xem xét giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thủy sản xuống 0%

Ngày 03/11/2014, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) có công văn số 186/2014/CV-VASEP v/v góp ý về sửa đổi thuế nhập khẩu ưu đãi theo cam kết WTO năm 2015 đối với một số mặt hàng.