Giảm VAT sẽ tác động trong dài hạn
Ngày 19/6 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật thuế Giá trị gia tăng (VAT) và Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp sửa đổi. Cả hai luật này có hiệu lực từ hôm nay (1/7/2013). Để triển khai thực hiện, Bộ Tài chính vừa có văn bản yêu cầu các Sở Tài chính, Cục thuế, Kho bạc Nhà nước chuẩn bị sẵn sàng cho việc áp thuế VAT 5% với các hợp đồng thuê, mua nhà ở xã hội. Đồng thời, các hợp đồng bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở thương mại đã hoàn thiện dưới 70 m2/căn và giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 cũng được giảm 50% thuế VAT.
Bên cạnh đó, thuế thu nhập doanh nghiệp cũng giảm còn 22%. Riêng một số doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ được hưởng thuế suất 20%. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho hay, thuế suất 20% không áp dụng với thu nhập từ chuyển nhượng vốn, quyền góp vốn, bất động sản và dự án đầu tư.
Có những đánh giá tích cực về những quy định như trên, nhưng lãnh đạo nhiều doanh nghiệp bất động sản tỏ ra rất thận trọng khi cho rằng, các quy định trên sẽ khó có tác động mạnh mẽ ngay đến thị trường bất động sản vốn đang rất trầm lắng.
“Hiệu quả chắc chỉ đến trong dài hạn, chứ còn hiện nay, thị trường rất ít sản phẩm có thể giao dịch được, trong khi thuế VAT chỉ phát huy tác dụng đối với sản phẩm thông qua hoạt động mua bán”, giám đốc một sàn giao dịch bất động sản trên đường Hoàng Quốc Việt, Hà Nội đánh giá.
Vẫn khó tiếp cận gói 30.000 tỷ đồng
Trong khi hiệu quả của chính sách giảm thuế cần phải có thời gian để phát huy tác dụng, thì những vướng mắc của gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng dù được các bộ, ngành tích cực tháo gỡ, nhưng vẫn chưa hết rối.
Ngày 25/6 vừa qua, Bộ Xây dựng đã có văn bản mới hướng dẫn cụ thể đối tượng cho vay nhằm đẩy nhanh tốc độ giải ngân nguồn vốn này. Theo đó, trường hợp thuê, thuê mua, mua nhà ở xã hội (bao gồm cả nhà ở thu nhập thấp) được dùng căn hộ nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp đã hoàn thành hoặc sẽ hình thành trong tương lai để làm tài sản bảo đảm khoản vay với ngân hàng.
Quy định này mới xem qua thì tưởng dễ thực hiện, nhưng lãnh đạo một ngân hàng được chỉ định cho vay của gói hỗ trợ này cho biết, theo quy định của Luật Nhà ở, thì các căn hộ này chỉ được phép chuyển nhượng sau 10 năm. Điều này đồng nghĩa với việc, nếu ngân hàng nhận thế chấp bằng tài sản này, thì khi người vay không thực hiện việc trả nợ, ngân hàng cũng không thể bán tài sản để thu hồi vốn. Vì vậy, phía ngân hàng đã đưa ra yêu cầu, hợp đồng vay vốn phải có ba bên, trong đó chủ đầu tư cam kết phải mua lại sản phẩm căn hộ trên nếu khách hàng không trả được nợ. Tuy nhiên, nhiều chủ đầu tư đã từ chối cam kết.
Nhằm tháo gỡ vướng mắc này, phía ngân hàng kiến nghị, cần có quy định cho phép ngân hàng bán sản phẩm thế chấp mà không phụ thuộc vào thời gian, trong trường hợp người vay không trả được nợ đúng hạn.
Một quy định bị vướng nữa là đối với trường hợp thuê, mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70 m2/căn, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 thì người có nhu cầu vay vốn phải chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình, hoặc có nhà ở nhưng diện tích thấp hơn 8 m2 sử dụng/người. Giám đốc một sàn giao dịch bất động sản đang mở bán nhà giá thấp tại Hà Nội cho biết, nhiều khách hàng phản ánh, chính quyền địa phương hoặc ngay cả cơ quan công tác cũng không dám xác nhận những nội dung trên. Lý do vì họ chỉ quản lý về con người hoặc hộ khẩu, chứ không thể biết thực trạng nhà ở của đối tượng xin vay thế nào để xác nhận.
Một điểm mới có vẻ như để tháo gỡ cho người vay là không yêu cầu xác nhận về điều kiện thu nhập, tuy nhiên, Bộ Xây dựng lại “nước đôi” khi quy định: “Trường hợp ngân hàng yêu cầu khách hàng chứng minh về thu nhập để bảo đảm cho phương án trả nợ thì thực hiện theo quy định của ngân hàng”. Lãnh đạo các sàn giao dịch bất động sản khẳng định, ngân hàng nào cũng yêu cầu khách vay phải xây dựng phương án trả nợ thì mới phê duyệt cho vay. Mà để có phương án trả nợ thì nếu không căn cứ vào khả năng thu nhập, thì căn cứ vào đâu?!
Theo Minh Nhật (Đầu tư Chứng khoán)