Sau hơn hai tháng triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử thí điểm tại 3 địa phương là Hà Nội, Bắc Ninh và Vĩnh Phúc (từ 9-2), dịch vụ này đã có những kết quả bước đầu.
Đểviệc thu thuế được thuận tiện, trong thời gian tới, hệ thống nộp thuế điện tử sẽ mở rộng kết nối với nhiều ngân hàng thương mại thay vì chỉ có Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) như trong giai đoạn thí điểm. Theo đó, người nộp thuế (NNT) có tài khoản tại bất kỳ ngân hàng thương mại nào cũng có thể thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước qua hệ thống này.
Phóng viên (PV) đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thu Trà, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin, Tổng cục Thuế xung quanh vấn đề này.
Xin bà cho biết những lợi ích thiết thực mà dịch vụ nộp thuế điện tử mang lại ?
Nộp thuế điện tử là dịch vụ công của Cơ quan thuế cho phép người nộp thuế (NNT) vào ngân sách Nhà nước trực tiếp trên Cổng thông tin điện tử của Cơ quan thuế và được Ngân hàng thương mại xác nhận kết quả giao dịch nộp thuế tức thời. Theo đó, NNT có thể thực hiện nộp thuế mọi lúc, mọi nơi (24h/7 ngày, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ). Thông qua hình thức này, NNT sẽ giảm thời gian, chi phí thực hiện nghĩa vụ thuế.
Bản thân NNT cũng theo dõi được tình hình nộp ngân sách Nhà nước (NSNN) qua tài khoản và được sử dụng các dịch vụ gia tăng ưu đãi khác của Ngân hàng. Bên cạnh đó, cơ quan thuế kịp thời cập nhật thông tin chính xác về NNT, giảm thiểu việc điều chỉnh sai sót. Quá trình nộp thuế được thực hiện tự động nên Ngân hàng, Kho bạc Nhà nước (KBNN) tiết kiệm được nguồn lực thực hiện thu NSNN tại quầy.
Vậy kết quả bước đầu sau hơn 2 tháng triển khai thí điểm tại 3 địa phương là Hà Nội, Bắc Ninh và Vĩnh Phúc ra sao, thưa bà ?
Tính đến ngày 8-4-2014, số NNT đăng ký sử dụng dịch vụ là 143. Trong đó, 60 NNT thực hiện nộp thuế điện tử với số tiền nộp vào ngân sách Nhà nước khoảng 42,6 tỷ đồng. Như vậy số doanh nghiệp tham gia còn khá khiêm tốn so với số đơn vị hoạt động trên địa bàn.
Vậy theo bà, thực tế chưa đạt được như kỳ vọng là do đâu?
Con số này còn chưa được như kỳ vọng là do từ thời điểm bắt đầu đưa hệ thống nộp thuế điện tử vào vận hành đến nay, tại 3 tỉnh/thành phố triển khai thí điểm mới tổ chức 1 lần hội nghị giới thiệu tới một phần NNT trên địa bàn, ngày hệ thống nộp thuế điện tử bắt đầu hoạt động 9-2 là thời gian vừa hết Tết, nên số lượng NNT đăng ký nộp thuế cho kỳ nộp ngày 20-2 không nhiều. Số lượng NNT đã đăng ký và nộp thuế chủ yếu thực hiện vào kỳ nộp thuế ngày 20-3. Do vậy, trên lý thuyết là 2 kỳ tính thuế nhưng thực tế chỉ tập trung vào một kỳ (ngày 20-3).
Bên cạnh đó, do chưa tiếp cận, cập nhật đầy đủ thông tin, doanh nghiệp chưa hiểu hết lợi ích khi tham gia nộp thuế điện tử, chưa biết rõ chủ trương của ngành thuế là hỗ trợ tối đa cho NNT để đảm bảo an toàn cho doanh nghiệp tham gia nộp thuế điện tử, nên doanh nghiệp còn e ngại. Ngoài ra, doanh nghiệp còn cân nhắc vì giao dịch nộp thuế điện tử không chỉ đơn giản là nộp giấy tờ, hồ sơ như nộp tờ khai qua mạng mà liên quan trực tiếp đến “túi tiền” doanh nghiệp.
Ngoài lý do trên, theo bà trong việc triển khai còn những vướng mắc nào cần tháo gỡ ?
Từ những lợi ích thiết thực mà nộp thuế điện tử mang lại, dịch vụ này đang nhận được sự quan tâm đồng thuận từ cộng đồng NNT và xã hội. Tuy nhiên, theo dõi qua một kỳ nộp thuế cho thấy, một số Ngân hàng thương mại chưa ghi nhận ngày nộp thuế thống nhất theo quy định.
Tổng cục Thuế đã có công văn gửi Kho bạc Nhà nước đề nghị Kho bạc có hướng dẫn tới các Ngân hàng thương mại đang được Kho bạc Nhà nước ủy quyền thu hộ thực hiện ghi nhận ngày nộp thuế đúng quy định. Tuy nhiên thời gian đầu, Tổng cục Thuế vẫn phải kiểm soát thường xuyên ngày nộp thuế khi có chuyển tiền liên ngân hàng để đảm bảo xử lý kịp thời đảm bảo lợi ích cho NNT.
Ngoài ra, các Tổ chức cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng trong lĩnh vực thuế (T-Van) chưa được tham gia cung cấp dịch vụ nộp thuế điện tử cũng là lý do khiến nhiều doanh nghiệp đang thực hiện khai thuế qua T-VAN chưa tham gia nộp thuế điện tử vì phải đăng ký vào hệ thống khác. Hiện nay, Tổng cục Thuế đã có kế hoạch để phối hợp với các tổ chức T-VAN trong một vài tháng tới đưa các tổ chức này tham gia vào cung cấp dịch vụ nộp thuế điện tử.
Để dịch vụ nộp thuế điện tử khi chính thức triển khai rộng rãi được thành công, theo bà ngành Thuế cũng như các bên liên quan cần tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ gì?
Trong năm 2014, dịch vụ Nộp thuế điện tử sẽ được triển khai mở rộng đối với 15 tỉnh thành phố, nâng tổng số địa bàn triển khai lên 18 tỉnh, thành phố. Theo đó, ngành Thuế tiếp tục tích hợp hệ thống nộp thuế điện tử với các Ngân hàng thương mại khác thay vì chỉ có Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam như trong giai đoạn thí điểm để giúp NNT có tài khoản tại Ngân hàng nào cũng có thể thực hiện nộp thuế điện tử được.
Ngành Thuế đã xây dựng kế hoạch chi tiết các công việc cần thực hiện. Cụ thể, thời gian tới, ngành Thuế sẽ rà soát và hoàn thiện các quy định pháp lý cho phép các đơn vị T-VAN được tham gia cung cấp dịch vụ Nộp thuế điện tử, nhằm xã hội hóa dịch vụ thuế điện tử, hướng tới mục tiêu NNT có thể tự lựa chọn dịch vụ hỗ trợ tốt, phù hợp khi thực hiện nghĩa vụ thuế. Bên cạnh đó, hạ tầng, công nghệ tiếp tục được nâng cấp để hệ thống nộp thuế điện tử hoạt động nhanh, ổn định và đảm bảo mở rộng số lượng người sử dụng.
Ngoài ra, ngành Thuế cũng tích hợp hệ thống nộp thuế điện tử với các ngân hàng có nhu cầu triển khai để NNT có tài khoản tại ngân hàng nào có thể thực hiện nộp thuế điện tử. Đẩy mạnh tuyên truyền, cung cấp thông tin về việc triển khai dịch vụ Nộp thuế điện tử của ngành Thuế để NNT biết và thực hiện.
Cùng với đó, bản thân NNT cần chủ động, tích cực cập nhật các thông tin về Nộp thuế điện tử để tham gia thực hiện, nhờ đó tăng cường ứng dụng CNTT trong hoạt động và quản lý của doanh nghiệp. Đồng thời các ngân hàng thương mại cần phối hợp với ngành Thuế để hỗ trợ NNT trong quá trình triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử, từ khi NNT tiếp cập thông tin đến khi lập hồ sơ và thực hiện nộp thuế điện tử.
Xin trân trọng cám ơn bà !
<> <>Hải Yến (Baohaiquan.vn)<
>