Các quy định về thuế đối với doanh nghiệp (DN) sẽ được hướng dẫn theo hướng giảm thủ tục và thời gian, nhưng kèm theo đó là tăng nặng hình phạt với các vi phạm.
DN thêm chủ động
“Sau 3 lần tiếp thu ý kiến các bộ, ngành và nhiều bên liên quan, dự thảo Thông tư hướng dẫn Nghị định 83/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và Luật Quản lý thuế sửa đổi đang được Bộ Tài chính hoàn chỉnh, dự kiến được ban hành trong tuần này”, ông Cao Anh Tuấn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết.
Theo ông Tuấn, bám sát nội dung cải cách nổi bật nhất trong Luật Quản lý thuế sửa đổi, có hiệu lực từ 1/7/2013 là tăng tính chủ động cho DN trong tuân thủ nghĩa vụ thuế, giảm thiểu thủ tục hành chính, qua đó giúp DN tiết kiệm chi phí và thời gian, Thông tư hướng dẫn mà Bộ Tài chính sắp ban hành sẽ cụ thể hóa các nội dung cải cách của Luật Quản lý thuế và Nghị định 83.
Thông tư sẽ quy định chi tiết trình tự, thủ tục để giảm tần suất kê khai thuế VAT từ 12 lần/năm xuống 4 lần/năm; thời gian giải quyết thủ tục gia hạn nộp hồ sơ khai thuế giảm từ 5 ngày xuống 3 ngày làm việc; rút ngắn thời hạn giải quyết đối với trường hợp kiểm tra trước, hoàn thuế sau từ 60 ngày xuống 40 ngày và trường hợp hoàn thuế trước, kiểm tra sau từ 15 ngày xuống 6 ngày làm việc.
Bên cạnh đó, Thông tư sẽ đưa ra các hướng dẫn theo hướng tăng tính chủ động cho các DN trong tự kê khai, tự tính và nộp thuế. Điều này một mặt giúp các DN giảm bớt áp lực trong tuân thủ nghĩa vụ thuế, mặt khác họ sẽ phải đối mặt với các biện pháp kiểm tra, giám sát gắt gao hơn, cũng như các hình phạt tăng nặng hơn.
Xử nặng “kẻ gian”
Bước cải cách trên được nhận định sẽ có tác động tích cực đến thay đổi tư duy của cả cơ quan thuế và DN trong tổ chức thực hiện, lẫn tuân thủ các quy định về thuế. Mức độ tích cực của bước cải cách này sẽ phát huy tối đa tại các DN có ý thức tự giác tuân thủ nghĩa vụ về thuế. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, dễ khiến các DN có ý thức tuân thủ kém thực hiện các hành vi gian lận thuế. Nói cách khác, giảm thủ tục và thời gian tuân thủ thuế sẽ hỗ trợ cho người ngay, nhưng dễ khiến “kẻ gian” lợi dụng. Điều này đòi hỏi cơ quan thuế cần có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn.
Ông Vũ Văn Cường, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế cho biết, cùng với tạo thuận lợi tối đa cho DN, các quy định mới về quản lý thuế đã và đang được hoàn thiện theo hướng gia tăng chế tài xử phạt đối với các DN vi phạm pháp luật thuế. Các biện pháp này tập trung vào 4 nhóm chính.
Đầu tiên, tăng mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm. Theo quy định mới của Luật Quản lý thuế sửa đổi, mức phạt tiền đối với hành vi chậm nộp tiền thuế được nâng lên theo mức lũy tiến: 0,05%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp đối với số ngày chậm nộp không quá 90 ngày, 0,07%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp đối với số ngày chậm nộp vượt quá 90 ngày. Các mức phạt này tương đương 18 - 25,2%/năm, là rất cao so với mặt bằng lãi suất bình quân/năm trên thị trường tiền tệ. Quy định mới còn nâng mức xử phạt đối với hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp, hoặc tăng số tiền thuế được hoàn: đối với các loại thuế nội địa, tăng mức phạt từ 10% lên 20%...
Thứ hai, tăng cường các biện pháp cưỡng chế thuế. Ngoài bổ sung biện pháp cưỡng chế dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, quy định mới còn cho phép cơ quan thuế lựa chọn biện pháp cưỡng chế phù hợp, để đảm bảo thu hồi nợ thuế kịp thời đối với các trường hợp người nộp thuế có hành vi bỏ trốn, tẩu tán tài sản.
Thứ ba, cơ quan thuế tăng cường áp dụng các biện pháp quản lý rủi ro trong quản lý thuế. Theo đó, xây dựng cơ sở dữ liệu về DN, phân loại DN thành các các nhóm tuân thủ tốt, trung bình, kém. Trên cơ sở đó, cơ quan thuế tập trung thanh, kiểm tra nhóm DN có nguy cơ cao về vi phạm.
Cuối cùng, để tăng cường hiệu lực trong quản lý thuế, khi góp ý cho dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự sửa đổi, trong công văn gửi Viện Kiểm sát nhân dân tối cao mới đây, Bộ Tài chính đề nghị Ban soạn thảo bổ sung thẩm quyền khởi tố, điều tra ban đầu cho cơ quan thuế đối với tội trốn thuế, nhằm tạo thuận lợi cho cơ quan thuế trong xử lý các hành vi vi phạm nghiêm trọng, qua đó tăng tính răn đe, phòng ngừa vi phạm.