Tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Quy chế phối hợp phòng, chống các hành vi tội phạm trong lĩnh vực thuế, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ- Công an TP. Hà Nội, Đại tá Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, tội phạm trốn thuế diễn ra phổ biến trên tất cả các lĩnh vực, gây thất thoát nghiêm trọng cho NSNN.
Xảy ra ở các loại hình DN
Đại tá Nguyễn Mạnh Hùng đã chỉ rõ xu hướng vi phạm và tội phạm trong lĩnh vực thuế đang diễn ra ở hầu hết các loại hình DN như: DN Nhà nước, DN tư nhân, Công ty cổ phần, Công ty TNHH, DN có vốn đầu tư nước ngoài... Trong 5 năm (2008-2012), lực lượng Công an và cơ quan Thuế đã phối hợp điều tra, xử lý 2.379 vụ việc, với tổng số tiền truy thu và phạt vi phạm về thuế là 89 tỷ đồng. Chỉ tính riêng năm 2011 đã điều tra xử lý 204 vụ, với 215 đối tượng, tăng 118% so với năm 2010, thu hồi về cho NSNN là 123,07 tỷ đồng (tăng 2,5 lần so với năm 2010).
Trong đó có một số vụ việc điển hình như: Tại Công ty CP tập đoàn Y dược Bảo Long, qua tiến hành thanh tra cơ quan Thuế Hà Nội đã đề nghị Công an TP. Hà Nội xử lý hành vi trốn thuế với số tiền 938,8 triệu đồng; tại Công ty TNHH Thông tin tín nhiệm và xếp hạng DN Việt Nam, cơ quan Thuế Hà Nội đã thanh tra và phát hiện Công ty trốn thuế TNDN với số tiền 1,028 tỷ đồng thông qua việc không ghi chép trong sổ sách kế toán các khoản thu liên quan đến việc xác định số thuế phải nộp, đối với việc thực hiện mua bán quyền mua căn hộ.
Sử dụng chứng từ, tài liệu không hợp pháp để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số thuế được hoàn, đối với các khoản phí thuê chuyên gia. Hiện toàn bộ hồ sơ được chuyển đến cơ quan Công an để xử lý.
Thông qua công tác nắm tình hình và đấu tranh, nhiều thủ đoạn trốn thuế đã được làm rõ. Nổi bật là việc các DN ngoài quốc doanh và DN có vốn đầu tư nước ngoài tìm mọi cách giảm lợi nhuận từ đó giảm thu nhập để trốn thuế. Tình trạng bán hàng không xuất hóa đơn xảy ra ở các loại hình kinh doanh dịch vụ, thương mại, xây dựng. Ngoài ra, còn có nhiều đối tượng không tuân thủ các quy định về kế toán, mua bán vòng vèo, qua nhiều khâu trung gian, sử dụng hóa đơn của DN bỏ trốn để trốn thuế. Điển hình như vụ Công ty Viễn thông điện lực bán hàng không xuất hóa đơn GTGT, không nộp NSNN 37 tỷ đồng.
Trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, các đối tượng thường dùng thủ đoạn giảm giá hàng hóa nhập khẩu, ghi giá trong hợp đồng thấp hơn so với giá trị thực tế, đặc biệt là khai sai chủng loại hàng hóa, từ hàng có giá trị cao, thành hàng hóa có giá trị thấp, đời cũ. Hàng mới 100% thành hàng đã qua sử dụng, lợi dụng các chế độ ưu đãi để nhập khẩu thêm nhiều hàng hóa. Đơn cử như trường hợp Công ty liên doanh Sân golf Tam Đảo lợi dụng việc nhập khẩu thiết bị phục vụ cho hoạt động kinh doanh sân golf đã nhập khẩu 34 ô tô 49 chỗ ngồi để trốn thuế trên 70 tỷ đồng...
Bên cạnh đó, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tiền ngân sách qua hoàn thuế GTGT thông qua việc các DN hình thành loại hình công ty mẹ, công ty con (thành lập nhiều DN) mở chi nhánh ở nhiều địa phương để xuất hoá đơn GTGT mua bán hàng hoá lòng vòng với nhau mà không có hàng hoá, thậm chí ghi giá trị bán thấp hơn giá đầu vào (bán lô)... để làm thủ tục hợp thức hoá hồ sơ xin hoàn thuế nhằm chiếm đoạt tiền NSNN. Cũng có trường hợp lợi dụng một số văn bản về thuế chưa đồng bộ để cố tình trốn thuế GTGT như vụ Ngân hàng Techcombank đã không kê khai nộp thuế GTGT 6,4 tỷ đồng khi phát mại tài sản đảm bảo tiền vay là 8 xe ô tô.
Giải pháp ngăn chặn
Theo đánh giá của ngành Công an và cơ quan Thuế Hà Nội, trong tình hình kinh tế hiện nay có nhiều khó khăn phức tạp, đã và sẽ phát sinh nhiều hình thức trốn lậu thuế mới với nhiều thủ đoạn tinh vi, vi phạm có tổ chức và quy mô lớn, đối tượng vi phạm sử dụng công nghệ cao để khó phát hiện. Do vậy, để ngăn chặn các hành vi vi phạm trong lĩnh vực thuế và chống thất thu cho NSNN, đòi hỏi các cơ quan phối hợp quyết liệt hơn, đổi mới phương pháp đấu tranh chống tội phạm về thuế để kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi vi phạm.
Theo đó, ngành Công an và Thuế sẽ tập trung vào các lĩnh vực, hoạt động nóng bỏng và nổi cộm hiện nay như: Hoạt động kinh doanh, mua bán sử dụng hoá đơn bất hợp pháp, hoạt động kinh doanh bất động sản, hoạt động tài chính ngân hàng, hoạt động kinh doanh có dấu hiệu chuyển giá, kinh doanh thương mại điện tử....
Về phía cơ quan Thuế Hà Nội, Cục trưởng Cục thuế Hà Nội Phi Vân Tuấn cam kết, để hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách được giao, bên cạnh các giải pháp như cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người nộp thuế, ngành Thuế cũng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chống thất thu thuế.
Đồng thời, sẽ chủ động phối hợp, trao đổi thông tin với các cơ quan, trong đó có Công an TP. Hà Nội nhằm góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý thuế, phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật về thuế. Theo đó, định kỳ 6 tháng/lần tổ chức trao đổi, toạ đàm giữa 2 đơn vị để rút kinh nghiệm trong việc triển khai cung cấp thông tin về các hành vi vi phạm mới, phản hồi kịp thời các vướng mắc trong công tác phối hợp; nắm bắt những khó khăn của DN trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế để kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ cho DN.