Theo Tổng cục Thuế, các DN “đen” đã dùng thủ đoạn mua bán cà phê không có chứng từ, hóa đơn rồi mua hóa đơn của các DN đã giải thể hoặc DN “ma” ở các tỉnh lân cận để hợp thức hóa chứng từ và khấu trừ thuế GTGT đầu vào. Tinh vi hơn, các DN thực hiện việc mua bán lòng vòng qua nhiều khâu trung gian, nếu chỉ xác minh qua một hoặc hai khâu trung gian sẽ không phát hiện được.
Lỗ hổng từ chính sách
Theo ông Nguyễn Văn Yên - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân (UBND) tỉnh Lâm Đồng, tình trạng trốn thuế rất phức tạp, không chỉ thất thu thuế mà lo ngại hơn là DN cà phê Lâm Đồng và Tây Nguyên đang chết dần và nguy cơ phá sản. Vì các DN “đen” trốn được thuế thì sẵn sàng đẩy giá thu mua cà phê cao hơn, DN làm ăn đứng đắn không cạnh tranh nổi. Kéo theo đó là công ăn việc làm và thu nhập của người lao động bị ảnh hưởng, thị trường rối loạn.
Ông Trần Hiếu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, hàng năm, số thu thuế từ hoạt đông kinh doanh cà phê của tỉnh chiếm khoảng 30% tổng thu thuế phí trên địa bàn. Dù tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương tăng cường quản lý tại gốc và xử lý hành vi tội phạm của các DN “đen”, DN “ma”.
Một số ý kiến còn khẳng định cho rằng nguyên nhân dẫn đến tình trạng trốn thuế là do luật pháp còn nhiều kẽ hở. Trong đó, đầu tiên là khâu cấp giấy phép kinh doanh cho DN. Việc cấp phép đơn giản đến mức chỉ cần sử dụng một chứng minh thư giả (hoặc mượn của người dân bình thường, thậm chí của một ông xe ôm) cũng thành lập được DN, trong khi đó, khâu hậu kiểm lại khó thực hiện. Việc cho phép các DN tự kê khai, tự nộp thuế và gần đây là cho phép tự in hóa đơn quá dễ dàng đã tạo kẽ hở cho tội phạm hoạt động. Bên cạnh đó, chế tài và mức xử phạt đối với hành vi buôn bán hóa đơn trái phép chưa đủ sức răn đe, trong khi việc buôn bán hóa đơn mang lại siêu lợi nhuận cho các DN “ma”.
Những giải pháp từ thực tiễn
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn nêu lên các nhóm giải pháp vừa tình thế, vừa lâu dài. Trong đó tập trung vào một số giải pháp như:
Thứ nhất, chỉ đạo các Cục Thuế các tỉnh, TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa Vũng Tàu, Đồng Nai, Đăk Lăk, Đăk Nông, Bình Dương, Gia Lai, Lâm Đồng tăng cường thanh tra, kiểm tra đối với các DN, hộ kinh doanh cà phê để xác định các hành vi vi phạm về sử dụng hóa đơn; phối hợp với cơ quan công an để kiểm tra, đối chiếu hóa đơn giữa các DN kinh doanh cà phê để xử lý theo quy định.
Thứ hai, đề nghị Cục trưởng Cục Thuế các tỉnh, thành phố xác minh tình trạng hoạt động của các DN bán cà phê, xác minh hóa đơn và trả lời cho Cục Thuế các tỉnh Tây Nguyên trong vòng 5 ngày.
Chế tài và mức xử phạt đối với hành vi buôn bán hóa đơn trái phép chưa đủ sức răn đe, trong khi việc buôn bán hóa đơn mang lại siêu lợi nhuận cho các DN “ma”.
<>
Thứ ba, tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh cà phê trong đó đã nêu ra một số giải pháp cấp bách như tăng cường quản lý từ gốc đối với hoạt động kinh doanh cà phê...
Thứ tư, đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tăng cường công tác quản lý thuế đối với các DN có rủi ro về thuế.
Thứ năm, chỉ đạo Cục Thuế các tỉnh, thành phố về các giải pháp tăng cường công tác quản lý thuế đối với các DN có rủi ro về thuế.
Thứ sáu, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 64/2013/TT-BTC ngày 15/5/2013 hướng dẫn về hoá đơn bán hàng, cung ứng dịch vụ thay thế Thông tư số 153/2010/TT-BTC trong đó đã bổ sung thêm các giải pháp quản lý về in, phát hành hoá đơn đối với các DN mới thành lập.
Thứ bảy, tăng cường công tác phối hợp với UBND tỉnh, các cơ quan chức năng các tỉnh Tây Nguyên và các Cục Thuế liên quan để đánh giá thực trạng và bàn các giải pháp cụ thể để quản lý thuế đối với các DN kinh doanh cà phê.
Ông Tuấn cũng cho biết, trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục nghiên cứu trình Chính phủ, Quốc hội đưa mặt hàng nông sản, lâm sản chưa qua chế biến vào danh mục hàng hóa không chịu thuế GTGT.
Theo dddn.com.vn