Lợi dụng chính sách khấu trừ thuế, hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT), nhiều doanh nghiệp (DN) kinh doanh cà phê đã dùng thủ đoạn tinh vi để chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước. Đó là thông tin được đưa ra tại hội nghị “Tăng cường các giải pháp quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh nông sản” do Bộ Tài chính phối hợp UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức ngày 4/7 tại Đà Lạt.
Đủ chiêu gian lận
Theo Tổng cục Thuế, thời gian gần đây, hoạt động kinh doanh cà phê có nhiều diễn biến phức tạp, tội phạm mua bán hóa đơn bất hợp pháp để chiếm đoạt thuế GTGT có chiều hướng gia tăng, phương thức hoạt động tinh vi, đa dạng, diễn ra trên diện rộng và có tổ chức. Các DN “đen” đã dùng thủ đoạn mua bán cà phê không có chứng từ, hóa đơn rồi mua hóa đơn của các DN đã giải thể hoặc DN “ma” ở các tỉnh lân cận để hợp thức hóa chứng từ và khấu trừ thuế GTGT đầu vào.
Tinh vi hơn, các DN thực hiện việc mua bán lòng vòng qua nhiều khâu, nếu chỉ xác minh qua một, hoặc hai khâu trung gian sẽ không phát hiện được vì các DN trung gian có đầy đủ hóa đơn đầu ra, đầu vào và các chứng từ thanh toán qua ngân hàng.
Với thủ đoạn đó, các DN “đen” đã chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng thuế GTGT của nhà nước. Chỉ riêng 5 tháng đầu năm 2013 tại tỉnh Lâm Đồng có tới 66 DN sử dụng 2.743 hóa đơn của 108 DN ngoài tỉnh để khấu trừ và hoàn thuế với tổng trị giá hóa đơn 2.885 tỷ đồng, tương ứng số thuế GTGT đầu vào kê khai khấu trừ, hoàn thuế là trên 144 tỷ đồng. Các số liệu cũng cho thấy một nghịch lý là số thuế GTGT niên độ 2012 - 2013 của hầu hết các tỉnh Tây Nguyên giảm, trong khi đó, số thuế GTGT đã xử lý hoàn thuế xuất khẩu cà phê thì ngày càng tăng.
Bít kẽ hở, diệt DN “ma”
Theo ông Trần Hiếu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, hàng năm, số thu thuế từ hoạt đông kinh doanh cà phê của tỉnh chiếm khoảng 30% tổng thu thuế phí trên địa bàn. Dù tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương tăng cường quản lý tại gốc và xử lý hành vi tội phạm của các DN “đen”, DN “ma” nhưng kết quả thu thuế phí 6 tháng đầu năm 2013 vẫn không đạt theo dự toán. Không thu được thuế, nhiều địa phương không có nguồn tiền kịp thời chi thường xuyên, kể cả tiền lương…
Ông Nguyễn Văn Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng khẳng định rằng, tác hại của tình trạng trốn thuế này là rất lớn. Nó không chỉ gây thất thu thuế mà lo ngại hơn là DN cà phê Lâm Đồng và Tây Nguyên đang chết dần và nguy cơ phá sản. Vì khi đó, các DN “đen” trốn được thuế thì sẵn sàng đẩy giá thu mua cà phê cao hơn, DN làm ăn đứng đắn không cạnh tranh nổi. Kéo theo đó là công ăn việc làm và thu nhập của người lao động bị ảnh hưởng, thị trường rối loạn.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trốn thuế, theo các đại biểu dự hội nghị, là do luật pháp còn nhiều kẽ hở. Trong đó, đầu tiên là khâu cấp giấy phép kinh doanh cho DN. Việc cấp phép đơn giản đến mức chỉ cần sử dụng một Giấy chứng minh nhân dân (có cả trường hợp giấy CMND giả, hoặc mượn của người khác) là có thể thành lập được DN, có con dấu, trong khi đó, khâu hậu kiểm lại khó thực hiện.
Việc cho phép các DN tự kê khai, tự nộp thuế và gần đây là cho phép tự in hóa đơn quá dễ dàng đã tạo kẽ hở cho tội phạm hoạt động. Bên cạnh đó, việc chế tài xử phạt và mức xử phạt đối với hành vi buôn bán hóa đơn trái phép chưa đủ sức răn đe, trong khi việc buôn bán hóa đơn mang lại siêu lợi nhuận cho các DN “ma”.
Để giải quyết những bất cập nói trên, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn nêu các nhóm giải pháp vừa tình thế, vừa lâu dài. Trong đó đáng chú ý là vấn đề quy định điều kiện thành lập DN, việc in ấn hóa đơn, xây dựng cơ sở dữ liệu các DN rủi ro để ngành thuế theo dõi, kiểm tra thuế.
Từ năm 2010 đến hết tháng 5/2013, tỉnh Đắk Lắk tổ chức 202 cuộc kiểm tra đối với các DN kinh doanh cà phê, truy thu thuế và xử phạt 7,9 tỷ đồng, giảm khấu trừ thuế 46 triệu đồng; tỉnh Lâm Đồng tổ chức 89 cuộc kiểm tra, truy thu thuế và xử phạt 33 tỷ đồng; tỉnh Kon Tum tổ chức 18 cuộc kiểm tra, truy thu thuế và xử phạt 2,7 tỷ đồng.<
>