Tăng cường quản lý thu chi ngân sách
Trước khi trả lời chất vấn trực tiếp của đại biểu Quốc hội, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày báo cáo, làm rõ thêm một số vấn đề tình hình kinh tế - xã hội mà Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm.
Phó Thủ tướng cho biết, trong 5 tháng đầu năm, kinh tế vĩ mô tiếp tục chuyển biến tích cực. Lạm phát được kiểm soát, giá tiêu dùng tháng 5 giảm 0,06%; 5 tháng tăng 2,35%, là mức thấp nhất trong 4 năm qua. Mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm; dư nợ tín dụng chuyển dịch theo hướng tốt hơn, tăng 2,98%, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên. Tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định. Xuất khẩu tăng 15,1%, nhập khẩu tăng 16,8%. Vốn FDI đăng ký đạt 8,52 tỷ USD, tăng 8,9%; giải ngân đạt 4,58 tỷ USD, tăng 1,6%; giải ngân vốn ODA đạt 1,5 tỷ USD, bằng 31,3% kế hoạch cả năm, cao hơn so với cùng kỳ (25%).
Cùng với những chỉ tiêu đạt được của nền kinh tế, theo Phó Thủ tướng, tình hình an sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng nhận định, kinh tế - xã hội còn rất nhiều khó khăn, thách thức.
Do đó, để tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, về chính sách thuế, Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện việc giãn, hoãn thuế và triển khai các Nghị quyết của Quốc hội về miễn, giảm thuế cũng như Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp và Luật thuế Giá trị gia tăng (sửa đổi). Tổng số tiền thuế được giãn, hoãn, miễn, giảm trong năm 2013 ước khoảng 37,7 nghìn tỷ đồng.
Cùng với đó Chính phủ tăng cường quản lý thu chi ngân sách. Xuất phát từ tình hình sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn có ảnh hưởng lớn đến cân đối ngân sách Nhà nước, Chính phủ đang chỉ đạo các ngành, địa phương rà soát các lĩnh vực để tăng thêm nguồn thu, nhất là trong khai thác dầu khí, tài nguyên, khoáng sản, lệ phí trước bạ, tiền sử dụng đất và khu vực doanh nghiệp Nhà nước.
“Chính phủ cũng triển khai quyết liệt các biện pháp chống thất thu, nợ đọng thuế, chuyển giá, buôn lậu và xử lý nghiêm các vi phạm, đề cao trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương trong công tác quản lý thu chi ngân sách. Phấn đấu đạt mức cao nhất kế hoạch thu ngân sách năm 2013”- Phó Thủ tướng cho biết.
Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nhất là trong sử dụng ngân sách Nhà nước, trái phiếu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiết kiệm 10% chi thường xuyên (không kể phần chi trả lương) trong các tháng còn lại của năm 2013. Cùng với đó là tiếp tục rà soát, kịp thời điều chỉnh những cơ chế, chính sách không còn phù hợp; không bổ sung các đề án, chương trình, ban hành các chính sách mới mà chưa xác định được nguồn bảo đảm; hạn chế tối đa việc bổ sung kinh phí ngoài dự toán.
Phó Thủ tướng cho biết, về trung hạn và dài hạn, Chính phủ chỉ đạo bảo đảm cân đối ngân sách chủ động, tích cực trên cơ sở cơ cấu lại chi ngân sách Nhà nước,đẩy mạnh xã hội hóa gắn với cải cách hành chính, đổi mới cơ chế cung cấp dịch vụ sự nghiệp công để giảm bớt gánh nặng cho ngân sách đối với khu vực sự nghiệp công lập, nhất là các lĩnh vực giáo dục, y tế.
Cùng với những giải pháp trên, Phó Thủ tướng cũng trình bày những giải pháp đối với thị trường, giải quyết hàng tồn kho, tái cơ cấu nền kinh tế, về tín dụng, xử lý nợ xấu cũng như một số vấn đề xã hội và an toàn giao thông, phòng chống tội phạm.
Tái cơ cấu Vinashin, Vinalines còn nhiều khó khăn
Đi vào phần trả lời chất vấn, đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) đã chất vấn Phó Thủ tướng về kết quả của quá trình tái cơ cấu hai tập đoàn Vinashin và Vinalines.
Nhận định rằng đây là một câu hỏi khó nhưng Phó Thủ tướng cho biết sẽ chia sẻ thông tin với tinh thần công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình.
Về tập đoàn Vinashin, Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã xác định nguyên nhân của sự đổ vỡ tập đoàn này. Nguyên nhân bắt nguồn từ 2 nguyên nhân chính: Nguyên nhân chủ quan là do công tác quản trị của tập đoàn lỏng lẻo nên đã làm thất thoát vốn của Nhà nước. Nguyên nhân thứ hai cũng là nguyên nhân khách quan là do khủng hoảng kinh tế thế giới và khu vực đã ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động kinh doanh vận tải biển.
Đi vào vấn đề án tái cơ cấu Vinashin, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, chủ trương của Trung ương là tái cơ cấu Vinashin toàn diện và triệt để. Để tái cơ cấu lại nợ của Vinashin, Chính phủ đã chỉ đạo các đơn vị liên quan gồm 19 ngân hàng trong nước giảm nợ cho Vinashin. Ngoài ra, 600 triệu USD doanh nghiệp tự vay cũng được khoanh lại. Đây là tiền đề quan trọng để tiếp tục tái cơ cấu Vinashin.
Quá trình tái cơ cấu ban đầu đã đạt được những kết quả nhất định. Cụ thể, trong số 216 doanh nghiệp của tập đoàn đã sắp xếp lại 36 doanh nghiệp, tổng số lao động giảm xuống còn gần 29.000 người, trong số này có trên 74% có việc làm. Theo lộ trình, Vinashin chỉ giữ lại 8 doanh nghiệp, 8.000 lao động giỏi có tay nghề cao và phấn đấu đến năm 2015 cổ phần hóa hết 216 doanh nghiệp không cần Nhà nước nắm giữ vốn sở hữu.
“Tuy vậy, hiện nay Vinashin vẫn còn lỗ nặng. Chính phủ thừa nhận, kết quả tái cơ cấu tập đoàn này còn chậm do còn quá nhiều khó khăn, thách thức” - Phó Thủ tướng nói.
Về ý kiến ĐB nêu tại sao không để Vinashin phá sản mà lại chọn phương án tái cơ cấu, Phó Thủ tướng cho rằng, tái cơ cấu Vinashin là phương án có lợi hơn so với phương án cho phá sản tập đoàn này. Việt Nam là quốc gia có chủ trương phát triển kinh tế biển, nếu để Vinashin phá sản, Nhà nước sẽ phải trả nợ thay cho Vinashin, như vậy Nhà nước vừa mất tiền vừa mất uy tín và cuộc sống của trên 30.000 gia đình sẽ không được đảm bảo.
Đối với Vinalines, Phó Thủ tướng cho biết doanh thu của doanh nghiệp này trong năm 2012 đạt 21.200 tỷ đồng, nộp ngân sách hơn 670 tỷ đồng. Năm 2013, Vinalines đã thực hiện xong thoái vốn tại 16 doanh nghiệp, cổ phần hóa 4 doanh nghiệp, hoàn thành phương án tái cơ cấu.
Về tái cơ cấu nợ, Vinalines đã bán được một số tàu cũ và trình Chính phủ ban hành Điều lệ hoạt động doanh nghiệp. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng cho rằng, tái cơ cấu Vinalines có xu hướng tốt hơn nhưng vẫn còn nhiều khó khăn.
Theo baohaiquan.vn