Giảm thuế suất phổ thông thuế Thu nhập doanh nghiệp từ 25% xuống 22% là hợp lý.

01/10/2021

Trao đổi với báo giới bên hành lang Quốc hội về hai dự án luật thuế đang được trình Quốc hội xem xét, thông qua, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, TS. Đinh Xuân Thảo, ĐB Quốc hội đoàn Hà Nội cho rằng, việc giảm thuế suất phổ thông thuế Thu nhập doanh nghiệp từ 25% xuống 22% là hợp lý.

Theo dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp, từ 1-1-2014 sẽ áp dụng mức thuế suất phổ thông 22% (Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp hiện hành áp dụng mức thuế suất phổ thông 25%) và từ 1-1-2016 sẽ giảm xuống 20%. Đối với doanh nghiệp sử dụng dưới 200 lao động, có tổng doanh thu không quá 20 tỷ đồng/năm, áp dụng thuế suất phổ thông 20% kể từ ngày 1-7-2013 và giảm xuống 17% từ 1-1-2016.

Quan điểm của ông như thế nào về lộ trình giảm thuế này?

Tôi có hình ảnh so sánh thế này. Ví như chúng ta nuôi con gà lấy trứng và có một yến thóc, do đó phải tính toán sao cho lượng thóc vừa để nuôi gà vừa để chúng ta ăn đủ và hợp lý. Người nuôi cũng không bị đói và gà cũng không bị còi, không đẻ được trứng.

Quốc hội đang xem xét hai luật là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế Giá trị gia tăng (GTGT). Thuế Thu nhập doanh nghiệp là loại thuế trực thu, đánh trực tiếp vào thu nhập chịu thuế của cơ sở sản xuất kinh doanh, còn thuế GTGT là loại thuế gián thu đánh vào người tiêu dùng hàng hoá, dịch vụ. Đối với thuế GTGT, xu hướng trên thế giới là ngày càng tăng, còn thuế thu nhập doanh nghiệp thì theo hướng co lại, giảm để người sản xuất tích lũy đầu tư, mở rộng sản xuất, tác động ngược trở lại nuôi dưỡng nguồn thu.

Trong xu hướng chung và bối cảnh khó khăn tác động tới doanh nghiệp, đưa ra lộ trình giảm thuế như dự thảo là đúng đắn. Trong cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng có ý kiến cho rằng nên đưa thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp xuống 20% luôn nhưng quan điểm của tôi là cần cân đối nguồn thu, giảm thuế phải có lộ trình. Hiện mức giảm 22% đối với thuế suất phổ thông và 20% đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa là hợp lý.

Vậy ông có ý kiến gì để bổ sung, hoàn thiện hai dự thảo luật?

Cần rà soát lại để đảm bảo tính công bằng của việc áp dụng giảm thuế. Cụ thể, đối với thuế GTGT cần xác định đúng lĩnh vực nào cần tăng nhiều hay tăng ít thuế GTGT. Đối với thuế Thu nhập doanh nghiệp cần rà soát tiêu chí, quy mô để xếp nhóm nào giảm nhiều thuế trước, nhóm nào giảm nhiều thuế sau.

Ngoài ra, thuế GTGT còn liên quan đến hoàn thuế. Doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp rất nhiều khó khăn về vốn, nếu nâng mức được hoàn thuế lên 500 triệu đồng sẽ càng làm cho doanh nghiệp khó khăn hơn, cần cho đối tượng doanh nghiệp này được hoàn thuế càng sớm càng tốt.

Việc giảm thuế sẽ ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách. Theo ông, có biện pháp nào để khắc phục vấn đề này?

Theo tính toán, giảm thuế suất thuế Thu nhập doanh nghiệp từ 25% xuống 22% dự kiến làm giảm thu ngân sách Nhà nước hàng chục nghìn tỷ đồng. Để có giải pháp khắc phục giảm thu này cần nghiên cứu, rà soát lại những đối tượng chịu thuế mà chưa đóng thuế, những đối tượng này còn khá nhiều.

Xin cảm ơn ông!

 


Sáng 31-5, Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc, thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật Hòa giải cơ sở. Buổi chiều Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Tiếp công dân,  dự án Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật.


Cùng danh mục

Đề xuất hỗ trợ hưởng thuế suất 10% trong 15 năm đối với ngành công nghiệp

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, sáng 3/11, Quốc hội làm việc tại Hội trường, nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế.

Đề xuất xóa bỏ tiền phạt chậm nộp thuế

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, sáng 3/11, Quốc hội làm việc tại Hội trường, nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế.