Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế mới đây đã có văn bản hướng dẫn việc gia hạn sáu tháng thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT) của tháng 4, 5, 6-2012 đối với một số doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa, DN sử dụng nhiều lao động trong lĩnh vực sản xuất, gia công, chế biến nông sản, lâm sản, thuỷ sản...<
>
Ðây là một trong những giải pháp về thuế đầu tiên được triển khai nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường theo tinh thần Nghị quyết số 13/NQ-CP mà Chính phủ vừa ban hành.
Có thể nói, trong bối cảnh DN gặp nhiều khó khăn như hiện nay thì chính sách giãn, giảm, miễn thuế được coi là giải pháp hỗ trợ các DN, nhất là giúp DN vừa và nhỏ bổ sung vốn lưu động bằng số tiền nộp thuế được giữ lại. Số thuế được giảm, giãn hay miễn tuy không lớn nhưng lại rất có ý nghĩa bởi phần lớn những DN này có quy mô vốn nhỏ, vốn lưu động chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng. Trong bối cảnh việc tiếp cận vốn ngân hàng không hề dễ dàng thì số tiền thuế DN được giữ lại giúp DN hạn chế đi vay và trả lãi ngân hàng. Theo Bộ Tài chính, tính đến tháng 2-2012, số nợ thuế của DN tăng 28,5% so thời điểm 31-12-2011, trong đó khu vực DN nhà nước tăng 4,3%, còn khu vực DN ngoài nhà nước tăng tới 13,9%. Ðặc biệt, một số ngành có số nợ thuế GTGT tăng cao so cùng kỳ năm 2011 là bất động sản, vận tải, sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nông - lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp khai khoáng, dịch vụ ăn uống, khách sạn. Với thuế hải quan, tính đến giữa tháng 3-2012, tổng số DN nợ thuế hải quan quá hạn là 8.465 DN, tăng 6,04% so thời điểm 31-12-2011, trong đó khu vực DN ngoài nhà nước chiếm tới 78,9%, còn khu vực DN nhà nước chiếm 10,5%.
Giãn, giảm, miễn thuế các loại là giải pháp đã từng triển khai nhằm hỗ trợ các DN gặp khó khăn. Năm 2009, để chống suy giảm kinh tế, chính sách giảm và giãn thuế thu nhập DN, giảm 50% thuế suất thuế GTGT, miễn thuế thu nhập cá nhân đối với một số đối tượng... đã được triển khai và phát huy khá hiệu quả. Tuy nhiên, kinh nghiệm triển khai một loạt những chính sách về thuế vừa qua cho thấy, việc thông tin kịp thời chính sách là rất cần thiết đối với DN nhằm tạo sự yên tâm, chủ động cho DN trong việc lập kế hoạch tổ chức sản xuất, kinh doanh. Chính vì vậy, cục thuế các tỉnh, thành phố cần nhanh chóng tổ chức tuyên truyền rộng rãi, kịp thời các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 13/NQ-CP của Chính phủ đến các DN trên địa bàn; hướng dẫn DN thực hiện kê khai thuế, miễn thuế, giảm thuế, giãn thuế theo đúng quy định. Việc thực hiện giảm, giãn, miễn thuế cho DN phải bảo đảm đúng đối tượng, thực hiện một cách công khai, minh bạch, tránh trường hợp lợi dụng chính sách hỗ trợ của nhà nước để trục lợi, cán bộ thuế gây phiền hà, nhũng nhiễu DN. Ngược lại, rất cần sự hỗ trợ tích cực của cơ quan thuế trong việc hướng dẫn, xử lý kịp thời những vướng mắc của DN trong quá trình thực hiện.
Bên cạnh giải pháp giãn thuế GTGT nêu trên, theo Nghị quyết 13/NQ-CP của Chính phủ, còn nhiều giải pháp về thuế khác được Chính phủ quyết định triển khai như gia hạn chín tháng thời hạn nộp đối với thuế thu nhập doanh nghiệp từ năm 2011 trở về trước mà chưa nộp vào ngân sách nhà nước; miễn thuế môn bài năm 2012 đối với hộ đánh bắt hải sản và hộ sản xuất muối... Ðể các chính sách hỗ trợ này nhanh chóng đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả, Bộ Tài chính cần sớm ban hành thông tư hướng dẫn để làm cơ sở cho các cục thuế địa phương triển khai, hỗ trợ kịp thời các DN và những đối tượng nộp thuế khác. Việc chia sẻ khó khăn với DN, hỗ trợ DN bằng những chính sách về thuế chính là giải pháp nuôi dưỡng nguồn thu, giúp DN vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
<>
HẢI THU<
> <>