Doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động trong lĩnh vực dệt may tiếp tục được đề nghị giảm thuế.<
>
<
id="
BodyTinChiTiet">168.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa đã được giảm 3.500 tỷ đồng tiền thuế là một trong các con số đáng chú ý tại báo cáo sơ kết việc thực hiện nghị quyết số 08/2011/QH 13 của Quốc hội, bổ sung một số giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cá nhân.
Bản báo cáo này mới được Chính phủ gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội cùng với tờ trình về việc ban hành một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường.
Tại nghị quyết số 08, Quốc hội đã đồng ý giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2011 đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động trong lĩnh vực sản xuất, gia công, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, dệt may, da giày, linh kiện điện tử, xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội. Giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp phát sinh trong 6 tháng cuối năm 2011 đối với thu nhập của hoạt động kinh doanh cung ứng suất ăn ca cho công nhân của doanh nghiệp có hoạt động này.
Chính phủ cho biết, theo số liệu tạm tính của 63 địa phương thì tổng số doanh nghiệp nhỏ và vừa được giảm thuế là 168.000, với tổng số thuế đã giảm là 3.500 tỷ đồng.
Tổng số doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động được giảm thuế là 480 doanh nghiệp, với tổng số thuế được giảm khoảng 550 tỷ đồng.
Ở nghị quyết 08, Quốc hội cũng đồng ý giảm 50% mức thuế khoán thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập doanh nghiệp từ quý 3 năm 2011 đến hết năm 2011 đối với cá nhân, hộ kinh doanh nhà trọ, phòng trọ cho công nhân, sinh viên, học sinh thuê; hộ, cá nhân chăm sóc trông giữ trẻ; hộ cá nhân tổ chức cung ứng suất ăn ca cho công nhân với điều kiện giữ ổn định mức giá như cuối năm 2010.
Kết quả thực hiện, theo Chính phủ báo cáo tổng số thuế VAT đã giảm theo báo cáo ban đầu là 3 tỷ đồng cho khoảng 100 doanh nghiệp, khoảng 7 tỷ đồng cho 25.000 hộ và cá nhân kinh doanh nhà trọ, suất ăn ca cho công nhân.
Với ưu đãi giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp cung ứng suất ăn ca cho công nhân có khoảng 150 doanh nghiệp được giảm với tổng số tiền khoảng gần 2 tỷ đồng.
Về miễn thuế thu nhập cá nhân từ ngày 1/8 đến hết 31/12/2011 đối với cá nhân có thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công và từ kinh doanh đến mức phải chịu thuế thu nhập cá nhân ở bậc 1 của biểu thuế lũy tiến từng phần quy định tại luật thuế thu nhập cá nhân cũng đã có con số ban đầu.
Cụ thể, tổng số cá nhân có thu nhập chỉ đến bậc 1 được miễn là 2,837 triệu người, với số tiền 1.575 tỷ đồng.
Như vậy, các đối tượng được hưởng chính sách của nghị quyết số 08 đã được hỗ trợ trực tiếp từ giảm thuế là 4.062 tỷ đồng cho doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân. Đồng thời thực hiện miễn 1.575 tỷ đồng cho cá nhân có thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công và kinh doanh đến mức phải chịu thuế thu nhập cá nhân ở bậc 1.
“Việc miễn giảm này đã góp phần tháo gỡ một phần khó khăn về vốn, giúp doanh nghiệp giảm bớt phần vốn vay ngân hàng với lãi suất cao, tạo điều kiện cho cho doanh nghiệp duy trì, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh trong điều kiện kinh tế đang còn nhiều khó khăn, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp duy trì hoạt động, giải quyết được công ăn việc làm cho nhiều lao động trên địa bàn, khích lệ tinh thần và tạo niềm tin cho doanh nghiệp tiếp tục hoạt động”, báo cáo nêu rõ.
Cũng theo Chính phủ, các giải pháp về giảm, gia hạn nộp thuế đối với doanh nghiệp và cá nhân tại Nghị quyết 08 đã “nhận được sự đồng tình, ủng hộ từ cộng đồng doanh nghiệp và xã hội”.
Đây cũng là một trong các lý do để Chính phủ trình Quốc hội xem xét quyết định một số giải pháp tương tự như tại nghị quyết 08.
Tuy nhiên, con số tạm tính của nửa năm qua tại báo cáo của Chính phủ dường như chưa khiến cho Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội yên tâm để “gật đầu” với toàn bộ đề xuất mới.
Bởi như phân tích của Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển, với khoảng 7 tỷ đồng giảm cho 25.000 hộ và cá nhân kinh doanh nhà trọ, suất ăn ca cho công nhân nếu chia cho 12 tháng thì mỗi hộ được giảm có 30.000 đồng. Và như thế thì việc ràng buộc “không tăng giá” với số thuế được giảm chỉ bằng 1 bát phở là bất khả thi và giải pháp giảm thuế với các đối tượng này là không hiệu quả.
Với giải pháp giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2012 đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa và doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động trong một số lĩnh vực, cơ quan thẩm tra đồng ý.
Tuy nhiên, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, ông Trương Đình Tuyển cho rằng, không nên giảm tạm thời 30% mà nên giảm hẳn thuế suất xuống 20% (hiện tại là 25% - PV) để thu hút đầu tư, kích thích thị trường.
Cũng theo ông Tuyển, giải pháp gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng không có tác dụng kích thích thị trường vì doanh nghiệp vẫn phải bán hàng với giá có VAT. “Quan trọng là làm thế nào để hàng hóa rẻ hơn, kích thích sức mua, tiêu thụ hàng tồn kho”, ông Tuyển nói.
Bên cạnh đề nghị tổng kết, đánh giá việc thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế đối với một số ngành, lĩnh vực, nhiều ý kiến tại Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng nhấn mạnh sự cần thiết tăng cường các biện pháp phát triển thị trường, giới thiệu sản phẩm, hỗ trợ cho các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, giảm tình trạng tồn đọng hàng hóa.
Đồng thời có chính sách, biện pháp tháo gỡ khó khăn về tiếp cận vốn và giảm lãi suất đối với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nhưng phải bám sát tín hiệu thị trường và triển vọng nền kinh tế, phù hợp với mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Đề xuất ban hành một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường của Chính phủ sẽ được đưa ra thảo luận tại kỳ họp thứ ba của Quốc hội, sẽ khai mạc vào ngày 21/5 tới đây.<