(baodautu.vn) “Gia hạn thời gian nộp thuế là giải pháp hỗ trợ hợp lý nhất trong bối cảnh hiện nay. Không quá xét nét do lo ngại tình trạng lợi dụng chính sách này để trốn thuế thì Nghị quyết 13/NQ-CP mới thực sự đi vào cuộc sống”, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư bên lề Phiên họp thứ 4 của Ủy ban này.
<<>> <
>
Ông đánh giá thế nào về các giải pháp gia hạn thuế?
Việc gia hạn 9 tháng thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp từ năm 2011 trở về trước mà doanh nghiệp (DN) chưa nộp vào ngân sách trên thực tế không khác gì việc Chính phủ “ứng vốn” cho DN 9 tháng không lấy lãi, DN có quy mô càng lớn, nợ thuế càng lớn thì càng “tận dụng” được nguồn vốn này.
Như vậy, chính sách giãn thuế chẳng khác nào hợp thức hóa tiền nợ thuế?
Về cơ bản thì như vậy. Trên thực tế, có không ít DN cố tình chây ỳ trong việc thực hiện nghĩa vụ với ngân sách, chính sách này gián tiếp hợp thức hóa việc nợ thuế. Tuy nhiên, trong bối cảnh hoạt động sản xuất - kinh doanh gặp khó khăn, nhiều DN không có tiền để nộp thuế, nên việc gia hạn thời gian nộp thuế sẽ giúp DN vượt qua được khó khăn trước mắt, tạo điều kiện cho DN phục hồi sản xuất.
Tôi cho rằng, cho dù thu ngân sách cũng đang gặp khó khăn trong cân đối thu - chi, nhưng không nên cân đo đong đếm cụ thể xem trường hợp nào nợ thuế là do khó khăn thực sự, trường hợp nào nợ thuế là do cố tình chây ỳ, mà cứ thực hiện gia hạn nợ thuế thu nhập DN 9 tháng theo đúng quy định, không nên quá xét nét với từng trường hợp nợ thuế cụ thể.
Liệu việc gia hạn nợ thuế có dẫn đến tiền lệ, cứ nợ thuế sẽ được “hợp thức hóa” không, thưa ông?
Theo Luật Quản lý thuế, tổ chức, cá nhân nợ tiền thuế, ngoài việc phải nộp đủ số thuế còn thiếu, còn bị phạt tiền chậm nộp thuế với mức 0,05%/ngày. Việc gia hạn nợ thuế năm nay là trường hợp ngoại lệ.
Trên thực tế, có không ít DN lợi dụng thời gian được nợ thuế, đến lúc phải trả nợ tiền thuế thì giải thể, phá sản, ngừng hoạt động, thậm chí bỏ trốn khỏi nơi đăng ký kinh doanh?
Nhìn vào cốc nước chỉ còn 2/3, nếu nhìn tích cực, người ta nhận định, trong cốc vẫn còn 2/3 nước. Ngược lại, nếu nhìn tiêu cực, người ta cho rằng, trong cốc đã mất đi 1/3 số nước. Tương tự như vậy, giả sử có 10% số doanh nghiệp giải thể, phá sản, ngừng hoạt động, thậm chí bỏ trốn khỏi nơi đăng ký kinh doanh, nếu nhìn tích cực, ta có thể nhận định, 90% DN đã vượt qua được khó khăn nhờ chính sách giãn thuế thu nhập DN. Song nếu nhìn với con mắt tiêu cực, ta có thể nói 10% số DN vẫn “bị chết” cho dù được gia hạn nộp thuế.
Tôi nghĩ rằng, nhìn DN nói riêng, nhìn cuộc sống nói chung cần phải có cái nhìn tích cực. Dù được gia hạn nộp thuế, nhưng cũng có không ít DN vẫn phải giải thể, phá sản. Họ phải thực hiện giải thể, phá sản theo Luật Phá sản và vẫn phải thanh toán số tiền nợ thuế cùng với các nghĩa vụ tài chính khác. Còn đối với những DN lợi dụng chính sách này thì sẽ bị xử phạt vi phạm pháp luật về thuế, có thể còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gian lận thuế, trốn thuế.
Gia hạn nợ thuế chỉ có thể giúp những DN gặp khó khăn ở mức vừa phải, còn với DN đã phải tạm thời ngừng sản xuất, thu hẹp sản xuất, không phát sinh tiền thuế phải nộp 4-5 tháng thì chính sách này không có tác dụng?
Ông cha ta dạy: “Phải tự cứu mình trước khi người cứu”. Có nghĩa là, DN phải tự vượt qua khó khăn thông qua việc tái cơ cấu trước khi trông chờ sự hỗ trợ của Chính phủ. DN tái cấu trúc bằng nhiều biện pháp khác nhau, như cơ cấu lại nợ, cơ cấu lại mặt hàng sản xuất, cơ cấu lại thị trường… Trong các biện pháp tái cơ cấu, cắt giảm lao động là dễ nhất, nhưng đó chỉ là biện pháp cực chẳng đã, vì khi thị trường phục hồi, nền kinh tế phục hồi, trong khi các đối thủ cạnh tranh đã sẵn sàng đầu tư để mở rộng hoạt động, mở rộng thị trường thì những DN tái cơ cấu bằng biện pháp cắt giảm lao động lại phải loay hoay với bài toán tuyển dụng, đào tạo lao động.
<> <>