Làm thế nào để phát huy được các thế mạnh của thị trường vốn cho nền kinh tế cũng như việc áp dụng các chính sách thuế phù hợp để khuyến khích nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia vào thị trường vốn là vấn đề đặt ra với nhiều cơ quan hữu quan. Bài viết phân tích những quy định về chính sách thuế hiện hành tác động đến thị trường vốn và đưa ra một số đề xuất nhằm góp phần thực hiện mục tiêu này.
Thuế đối với tiết kiệm
Trong nền kinh tế, tiết kiệm là nguồn lực của đầu tư. Việc huy động tiết kiệm để đầu tư xa hơn vào những kênh sinh lời được xem là một trong những chức năng quan trọng của thị trường vốn. Để có thể huy động được tiết kiệm, những nhà hoạch định chính sách bao giờ cũng cân nhắc kỹ sự quan tâm của người dân, đó là mức lãi suất, tỷ lệ, khả năng lạm phát và liệu Nhà nước có áp thuế hay không?
Từ trước tới nay, chúng ta chưa đánh thuế vào tiết kiệm, mặc dù đã có đề xuất về việc này. Điều hiển nhiên và cần phải khẳng định rằng sẽ không bao giờ áp dụng thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với tiết kiệm, bởi đây không phải là giao dịch hàng hóa, dịch vụ và hoạt động tiết kiệm tự bản thân nó chưa tạo ra GTGT.
Đối với người dân gửi tiền tiết kiệm, tuy có được thu nhập từ lãi suất nhưng khoản thu nhập này không nhiều đối với đại bộ phận dân cư và Nhà nước đang khuyến khích tiết kiệm. Vì vậy, trong một thời gian dài chúng ta không áp thuế đối với tiết kiệm. Hiện Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đã quy định thu nhập từ lãi tiền gửi tại tổ chức tín dụng, lãi từ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ thuộc danh mục 14 loại thu nhập được miễn thuế.
Thuế với các giao dịch chuyển nhượng vốn
Hiện nay, Việt Nam không áp thuế gián thu đối với các giao dịch chuyển nhượng vốn, mà chỉ áp dụng thuế trực thu để điều tiết một phần thu nhập giao dịch chuyển nhượng (không đánh vào vốn gốc). Các tổ chức kinh tế có thu nhập từ chuyển nhượng vốn thì thực hiện theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) với mức thuế suất chung.
Đối với cá nhân, nếu có chuyển nhượng vốn và mang lại thu nhập thì thực hiện theo quy định của Luật thuế TNCN, mức thuế suất 20% tính trên thu nhập ròng (trị giá chuyển nhượng sau khi đã trừ đi trị giá vốn của phần vốn được chuyển nhượng và các chi phí liên quan đến việc chuyển nhượng vốn).
Các quy định trên đang tạo thuận lợi cho các giao dịch về vốn trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu đầu tư nói chung và tái cơ cấu các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nói riêng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, cần có sự thống nhất, tránh những rào cản chuyên môn nghiệp vụ thuần túy mà xa rời bản chất kinh tế và quy định cốt lõi của pháp luật hiện hành.
Thuế đối với chứng khoán
Đối với tổ chức phát hành chứng khoán
Thứ nhất, với hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thường xuyên mà DN đang tiến hành, tạo cơ sở kinh tế cho việc niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán (thí dụ hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản; sản xuất cao su; hoạt động ngân hàng...): Tổ chức phát hành là DN thực hiện nghĩa vụ nộp các loại thuế theo thực tế kinh doanh như: thuế xuất nhập khẩu (XNK) đối với hoạt động XNK hàng hóa; thuế tài nguyên nếu thực khai thác tài nguyên; thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với việc nhập khẩu hoặc sản xuất mặt hàng thuộc diện chịu thuế TTĐB; thuế GTGT đối với hoạt động bán hàng hóa, dịch vụ... Khi kết quả kinh doanh có lãi (thu nhập) thì phải nộp thuế TNDN.
<>Thứ hai, với hoạt động phát hành chứng khoán, chào bán cổ phiếu: DN thu được tiền nhưng đây không phải là doanh thu mà là số vốn họ huy động được từ các nhà đầu tư mua chứng khoán do họ phát hành. Do đó, pháp luật quy định không phải trả bất cứ khoản thuế nào nhưng DN phải trả khoản “phí dịch vụ” cho các đối tác đã và đang “phục vụ” mình thông qua các dịch vụ được cung cấp.
Vấn đề quan trọng nhất đối với DN chào bán chứng khoán (nhất là các DN mới được cổ phần hóa, phát hành cổ phiếu ra công chúng) trong trường hợp DN xây dựng được thương hiệu, làm ăn có hiệu quả, có được thặng dư cổ phần (số tiền bán thu được cao hơn mệnh giá cổ phần) thì không phải nộp thuế TNDN đối với khoản thặng dư cổ phần.
Đối với DN, tổ chức có hoạt động đầu tư chứng khoán
Nhà đầu tư chứng khoán là tổ chức tham gia thị trường với nghiệp vụ mua/bán chứng khoán để kiếm lời hoặc đầu tư dài hạn thông qua việc mua cố phiếu của DN niêm yết. Tùy thuộc vào thời gian nắm giữ chứng khoán và mục đích đầu tư, nghĩa vụ thuế được quy định cụ thể như sau:
(i) Đối với giao dịch mua/bán “hàng hoá” là chứng khoán: DN và nhà đầu tư cá nhân sẽ không phải nộp thuế GTGT theo quy định của Luật thuế GTGT số 13/2008/QH12 ngày 03/6/2008, và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế GTGT số 31/2013/ QH13 ngày 19/6/2013 và các văn bản hướng dẫn;
(ii) Đối với thu nhập do chuyển nhượng chứng khoán: DN sẽ kê khai nộp thuế TNDN (hiện hành là 25% và từ 2014 là 22%, từ 2016 là 20%) theo quy định của Luật thuế TNDN số 14/2008/QH12 ngày 03/6/2008 và Luật số 32/2013/QH13 ngày 19/6/2013 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TNDN. Trường hợp hoạt động kinh doanh chứng khoán có phát sinh lỗ thì được tổng hợp chung, bù trừ với các hoạt động kinh doanh khác hoặc chuyển lỗ sang các năm sau.
(iii) Đối với thu nhập là cổ tức từ việc đầu tư vốn để sở hữu, nắm giữ cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đầu tư thì nhà đầu tư là tổ chức khi nhận được thu nhập là cổ tức thì cũng được miễn thuế theo quy định tại Điều 4 của Luật thuế TNDN (cổ tức mà DN nhận được hạch toán vào tài khoản thu nhập, có kê khai thu nhập nhưng không phải nộp thuế TNDN) .
Đối với nhà đầu tư cá nhân
Theo Luật thuế TNCN, cá nhân tham gia đầu tư chứng khoán là cá nhân sẽ thực hiện nghĩa vụ thuế TNCN kể từ ngày 01/01/2009. Tuy nhiên, nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho DN và nhân dân, tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động của TTCK và góp phần duy trì tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy đầu tư...
Cá nhân chuyển nhượng chứng khoán được lựa chọn 1 trong 2 cách nộp thuế: (i) nộp 20% trên thực lãi đã được bù trừ lỗ trong năm (nếu lỗ thì không phải nộp thuế, được chuyển lỗ trong thời hạn 5 năm và được hoàn lại số thuế đã tạm khấu trừ 0,1%); hoặc có thể chọn cách (ii) nộp 0,1% trên giá chuyển nhượng.<
>Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 32/2009/ NQ-QH12 ngày 19/6/2009, trong đó quy định miễn toàn bộ thuế TNCN đối với thu nhập về đầu tư vốn, chuyển nhượng vốn của cá nhân trong năm 2009. Nghị quyết số 08/2011/NQ-QH13 ngày 06/08/2011 của Quốc hội quy định miễn thuế từ 01/8/2011 đến hết 31/12/2012 đối với cổ tức được chia cho cá nhân từ hoạt động đầu tư vào TTCK, góp vốn mua cổ phần của DN, không phân biệt cổ tức đó có nguồn gốc từ lợi nhuận phát sinh thuộc năm nào.
Luật thuế TNCN quy định, cá nhân có thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng chứng khoán sẽ nộp thuế trên thu nhập ròng với thuế suất 20%. Thu nhập để tính thuế không phải toàn bộ số tiền thu được mà chỉ tính trên khoản tiền thực lãi do chuyển nhượng phần vốn trong các công ty TNHH, chuyển nhượng cổ phần trong công ty cổ phần), tiền lãi do mua/bán chứng khoán.
Nhằm tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và đầu tư dài hạn, Luật thuế TNCN quy định cá nhân chuyển nhượng chứng khoán được lựa chọn 1 trong 2 cách nộp thuế: (i) nộp 20% trên thực lãi đã được bù trừ lỗ trong năm (nếu lỗ thì không phải nộp thuế, được chuyển lỗ trong thời hạn 5 năm và được hoàn lại số thuế đã tạm khấu trừ 0,1%); hoặc có thể chọn cách (ii) nộp 0,1% trên giá chuyển nhượng.
Thực tế trong thời gian qua cho thấy, với các giao dịch chuyển nhượng cổ phần của các công ty chưa niêm yết, chúng ta vừa không thu được thuế, vừa không kiểm soát được diễn biến giao dịch vì các cá nhân thực hiện các giao dịch chỉ khai bằng mệnh giá cổ phần (hướng dẫn lâu nay là áp mức thuế 20% trên thực lãi). Khắc phục tình trạng này, đồng thời khuyến khích giao dịch minh bạch, Nghị định số 65/2013/NĐ-CP quy định áp dụng mức thuế 0,1% trên trị giá giao dịch đối với các giao dịch chuyển nhượng cổ phần của cá nhân trong các công ty cổ phần.
Theo quy định tại Điều 3, Điều 4, Luật thuế TNCN thì thu nhập của cá nhân từ hoạt động đầu tư vốn dưới dạng lãi tiền vay, lợi tức cổ phần và thu nhập từ đầu tư vốn dưới các hình thức khác thuộc diện chịu thuế. Riêng khoản lãi nhận được về tiền gửi tại ngân hàng, tổ chức tín dụng, lãi thu được từ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ được miễn thuế. Lần đầu tiên áp dụng thuế đối với thu nhập từ đầu tư vốn, Luật thuế TNCN chưa đặt ra mục tiêu điều tiết thu nhập mà chủ yếu nhằm tạo dần thói quen.
Vì vậy, quy định thu thuế đối với loại thu nhập này rất đơn giản, áp dụng mức thuế suất thấp 5% tính trên số tiền lãi cho vay thu được hoặc cổ tức nhận được theo Biểu thuế toàn phần quy định tại Điều 23 Luật thuế TNCN. Việc khấu trừ thuế 5% được thực hiện tại DN phát hành trước khi chuyển tiền trả cổ tức cho cá nhân, kể cả trường hợp ủy thác cho công ty chứng khoán quản lý danh sách cổ đông, ủy thác việc trả cổ tức cho cổ đông cá nhân.
Đối với người kinh doanh dịch vụ chứng khoán
Thuế gián thu
Các hoạt động kinh doanh chứng khoán thuộc diện điều chỉnh của Luật thuế GTGT và hiện nay đang được miễn trừ nghĩa vụ nộp thuế GTGT (Thông tư số 06/2012/TT-BTC ngày 11/01/2012 của Bộ Tài chính) quy định cụ thể: DN, tổ chức thực hiện hoạt động kinh doanh chứng khoán không phải tính nộp thuế GTGT đầu ra, đồng thời không kê khai khấu trừ thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ mua vào để phục vụ cho các hoạt động này.
Thuế trực thu
Đối với cá nhân kinh doanh, về mặt lý thuyết thì những người tham gia hoạt động cung cấp dịch vụ là cá nhân hành nghề độc lập, nếu có thu nhập từ hoạt động kinh doanh này (ví dụ như tư vấn đầu tư) thì trước hết sẽ được bù đắp chi phí đã bỏ ra.
Phần chênh lệch giữa doanh thu và chi phí là thu nhập chịu thuế TNCN, sau khi áp dụng các mức giảm trừ gia cảnh đối với cá nhân, các khoản giảm trừ cho mục đích từ thiện, nhân đạo, số còn lại mới là thu nhập để tính nộp thuế TNCN theo Biểu thuế lũy tiến từng phần theo quy định của Luật thuế TNCN. Tuy nhiên, với khuôn khổ pháp luật hiện hành thì rất khó có những cá nhân tham gia hoạt động cung cấp dịch vụ phục vụ cho kinh doanh chứng khoán nêu tại điểm này.
Phí và lệ phí
Tùy thuộc vào từng hoạt động được triển khai mà DN kinh doanh chứng khoán sẽ phải trả những loại phí, lệ phí tương ứng. Mức thu phí cấp giấy phép hoạt động công ty quản lý quỹ khác với mức thu lệ phí cấp giấy phép hoạt động của chi nhánh công ty quản lý quỹ đầu tư nước ngoài. Mức thu lệ phí cấp phép thành lập và hoạt động quỹ đầu tư chứng khoán, quỹ thành viên được quy định cụ thể tùy thuộc vào quy mô vốn của quỹ.
Các văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Tài chính ban hành quy định về phí, lệ phí đối với lĩnh vực chứng khoán bảo đảm tính minh bạch giữa lệ phí và giá/phí dịch vụ và ngày càng bám sát với thực tiễn hoạt động của thị trường, tạo thuận lợi cho mọi thành viên tham gia.
Tùy thuộc vào từng hoạt động được triển khai mà DN kinh doanh chứng khoán sẽ phải trả những loại phí, lệ phí tương ứng. Mức thu phí cấp giấy phép hoạt động công ty quản lý quỹ khác với mức thu lệ phí cấp giấy phép hoạt động của chi nhánh công ty quản lý quỹ đầu tư nước ngoài.
<>
Hoạt động phát hành chứng chỉ quỹ (lần đầu)
Trong khuôn khổ của pháp luật hiện hành về thuế và chứng khoán và xét về bản chất kinh tế thì đây là hoạt động góp vốn của nhà đầu tư lần đầu, thuộc hoạt động phát hành chứng khoán, cũng tương tự như hoạt động chào bán cổ phiếu của một công ty được phép niêm yết trên TTCK.
Cũng theo quy định của pháp luật thì hoạt động này thuộc diện không chịu thuế GTGT, nhà đầu tư không phải trả thuế GTGT. Phát hành chứng chỉ quỹ tương tự như phát hành cổ phiếu lần đầu, không có thu nhập nên không phải nộp thuế TNDN.
Hoạt động mua/bán chứng chỉ quỹ
Với hoạt động mua/bán chứng chỉ quỹ, hiện nay có các luồng ý kiến khác nhau:
Một là, chứng chỉ quỹ là một loại chứng khoán, do vậy, việc mua/bán chứng chỉ quỹ cũng áp dụng chính sách thuế đối với chuyển nhượng chứng khoán. Đó là: Không áp dụng thuế GTGT đối với các giao dịch mua/bán chứng chỉ quỹ nhưng cần áp thuế thu nhập từ giao dịch này, tuỳ thuộc và địa vị pháp lý của người chuyển nhượng chứng chỉ quỹ: (nếu người chuyển nhượng chứng chỉ quỹ là cá nhân thì áp dụng thuế TNCN); Nếu người chuyển nhượng chứng chỉ quỹ là tổ chức thì áp dụng thuế TNDN. Tuy nhiên, với quy định hiện hành thì nghĩa vụ thuế không giống nhau giữa nhà đầu tư cá nhân và nhà đầu tư là tổ chức, giữa tổ chức đầu tư trong nước và tổ chức nước ngoài.
Hai là, xét trên khía cạnh dòng tiền thì hành vi mua chứng chỉ quỹ mang hình thức góp vốn và bán đi để thu tiền chính là việc rút vốn khỏi quỹ. Tuy nhiên, nhà đầu tư bán cổ phiếu đi thu tiền về cũng là một cách rút vốn. Luật Chứng khoán quy định chứng chỉ quỹ là chứng khoán. Vấn đề là cần bàn xem áp loại thuế gì, cách thu ra sao và thu trên cái gì để có các đề xuất hợp lý khả thi nhất.
Hoạt động đầu tư/kinh doanh của quỹ mở
Quỹ mở thực hiện hoạt động đầu tư/kinh doanh nào thì áp thuế theo quy định của pháp luật hiện hành đối với hoạt động đó. Cần lưu ý rằng, quỹ không phải là một pháp nhân, cũng không phải là thể nhân được xác định, cho nên công ty quản lý quỹ sẽ là đối tượng thực hiện nghĩa vụ thuế đối với các hoạt động của quỹ. Theo danh mục đầu tư và dòng tiền, quỹ có thể tiến hành những hoạt động và có được các nguồn thu sau đây:
Thứ nhất, cổ tức, lãi sau thuế TNDN được chia do quỹ mua/nắm giữ cổ phiếu của các công ty niêm yết giao dịch trên TTCK, do đầu tư vốn vào các DN chưa niêm yết, các tổ chức kinh tế (theo quy định của pháp luật) Đây là khoản thu nhập đã chịu thuế TNDN tại đơn vị chi trả (thu nhập sau thuế TNDN) trước khi có được chia cho quỹ và nhà đầu tư khác.
Thứ hai, lãi nhận được do quỹ mua/nắm giữ trái phiếu chính phủ, trái phiếu DN, cho vay vốn, gửi tiền tại các tổ chức tài chính/tín dụng để hưởng lãi – Khoản thu nhập này chưa phải nộp thuế TNDN tại đơn vị chi trả.
Thứ ba, lãi do quỹ thực hiện hoạt động mua/bán các loại chứng khoán, chuyển nhượng phần vốn đầu tư tại tổ chức kinh tế - đây cũng là khoản thu nhập chưa phải nộp thuế TNDN.
Thứ tư, các khoản thu từ những hoạt động khác (nếu có) phù hợp với quy định của pháp luật.
Khấu trừ thuế tại nguồn đối với thu nhập từ quỹ mở
Lâu nay, các văn bản hướng dẫn về thuế của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế chưa có quy định việc thu thuế đối với hoạt động đầu tư/kinh doanh của quỹ mà chỉ quy định công ty quản lý quỹ nghĩa vụ khấu trừ thuế tại nguồn đối với các dòng tiền do quỹ trả cho các nhà đầu tư đó là:
(i) Khấu trừ thuế TNCN đối với nhà đầu tư cá nhân đối với các khoản thu nhập: Cổ tức, trái tức trả cho cá nhân là 5%; Lợi tức của quỹ mở trả cho người nắm giữ chứng chỉ quỹ là 5% (hiện tại chưa có hướng dẫn riêng cho quỹ mở); Thu nhập do chuyển nhượng chứng chỉ quỹ là 0,1% trị giá chuyển nhượng hoặc 20% thực lãi (mức quy định đối với chuyển nhượng chứng khoán, hiện tại chưa có hướng dẫn cụ thể về thuế đối với chuyển nhượng chứng chỉ quỹ mở).
(ii) Khấu trừ thuế TNDN (thuế nhà thầu) đối với các nhà đầu tư là tổ chức nước ngoài (không đăng ký pháp nhân Việt Nam) nhận được từ quỹ: Cổ tức (miễn); Lãi trái phiếu, lãi do chuyển nhượng chứng chỉ quỹ là 25% (từ 2014 là 22%);
(iii) Khấu trừ thuế TNDN đối với nhà đầu tư là tổ chức trong nước: Trong quá trình dự thảo Thông tư hướng dẫn về thuế đối với lĩnh vực chứng khoán có ý kiến đề xuất tổ chức đầu tư phải chịu thuế TNDN theo thuế suất 25% (từ năm 2014 là 22%) thông qua việc khấu trừ của công ty quản lý quỹ. Cũng có thể hiểu rằng tổ chức trong nước hay tổ chức nước ngoài thực hiện chung quy định này. Việc này cần thảo luận để làm rõ đạo lý cũng như bảo đảm sự thống nhất trong mối quan hệ với các quy định pháp luật có liên quan.
Việc khấu trừ thuế 25% (22% từ năm 2014) đối với tổ chức đầu tư trong nước tuy không bất cập về thuế suất nhưng có bất lợi hơn so với việc chia tiền cho tổ chức mang về bởi vì trên thực tế nhà đầu tư là tổ chức trong nước tiến hành nhiều hoạt động kinh doanh, có hoạt động lãi, có hoạt động lỗ và cần được bù trừ giữa chúng (trừ chuyển nhượng bất động sản.
Việc khấu trừ thuế đối với các tổ chức và cá nhân đầu tư thông qua quỹ (nếu được quy định như đề xuất trên) rõ ràng là sẽ không khuyến khích họ đầu tư qua quỹ so với việc họ trực tiếp và tự mình đầu tư. Điều dễ dàng nhận thấy bởi với cùng một dòng tiền thu về, ít nhất họ cũng phải trả chi phí cho công ty quản lý quỹ, chưa kể đến những chênh lệch về nghĩa vụ thuế mà Câu lạc bộ các công ty quản lý quỹ đã gửi kiến nghị đến Bộ Tài chính.
Qua những phân tích thực tế, kỳ vọng rằng sẽ có những ý kiến đóng góp trên khuôn khổ của Luật Chứng khoán và các Luật, Pháp lệnh hiện hành về thuế, kế toán và tài chính DN hiện hành và thực tế hoạt động kinh doanh chứng khoán để có các đề xuất phù hợp, có tính khả thi để trình lên các cấp có thẩm quyền trước khi các các văn dự thảo được ban hành.
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số 11 - 2013