Theo Chương trình Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều về biểu mức thuế suất tài nguyên. Trong lúc khó khăn như hiện nay, các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp khoáng sản mong chờ sự chia sẻ của những nhà làm chính sách tạm dừng việc tăng thuế suất.
Đầu tư lớn nhất và rủi ro nhiều nhất
Do đặc thù của ngành khai khoáng cần phải có thiết bị chuyên dụng cùng với công nghệ máy móc hiện đại mới có thể khai thác hiệu quả. Vì vậy, trong những năm qua, nhiều doanh nghiệp (DN) đã mạnh dạn đầu tư hàng trăm đến hàng nghìn tỷ đồng vào việc mua sắm dây chuyền máy móc hiện đại cho sản xuất, kinh doanh. Cụ thể như Công ty cổ phần đá và khoáng sản Phủ Quỳ - Nghệ An đã đầu tư hàng chục nghìn USD cho nhà máy chế biến sâu thiếc, đạt tiêu chuẩn 9999.
Hay Công ty Á Châu cũng đầu tư gần 200 tỷ xây dựng nhà máy chế biến sâu bột đá siêu mịn; Công ty AST - Đăk Nông đầu tư nhà máy chế biến trên 80 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Tập đoàn khoáng sản Á Cường - Bắc Giang đầu tư nhà máy chế biến sâu 100 tỷ đồng. Đặc biệt, từ khi đi vào hoạt động cho đến tháng 6.2013, Tập đoàn Besra đã đầu tư trên 88 triệu USD vào hai nhà máy khai thác và tuyển luyện vàng Bồng Miêu và Phước Sơn - Quảng Nam.
Tuy nhiên, bên cạnh việc đầu tư lớn vào công nghệ thì việc DN gặp rủi ro về khoáng sản chiếm tỷ lệ cũng rất cao. Đơn cử như đối với công tác thăm dò trữ lượng khoáng sản. Cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động khoáng sản - Tổng Cục địa chất và khoáng sản Lại Hồng Thanh cho biết: đối với những mỏ đã thăm dò đánh giá trữ lượng, thì dù đó là cấp trữ lượng đưa vào khai thác vẫn có sai số thăm dò và đến nay trên thế giới vẫn phải chấp nhận thực tế là các phương pháp thăm dò có hiện đại đến đâu cũng chưa dám chắc chắn rằng kết quả thăm dò là không có sai số. Phần trăm sai số này chính là rủi ro mà các doanh nghiệp, nhà đầu tư gánh chịu hậu quả.
Nộp nhiều khoản thuế, phí nhất
Không những phải đầu tư lớn, gặp rủi ro cao mà hiện nay các DN khoáng sản còn đang phải “gánh” nhiều loại thuế nhất. Theo thống kê sơ bộ, hiện nay mỗi DN hoạt động trong lĩnh vực khai thác khoáng sản phải đóng khoảng trên 12 loại thuế, phí gồm: thuế tài nguyên; thuế môi trường; thuế thu nhập doanh nghiệp; thuế giá trị gia tăng; thuế xuất khẩu; phí bảo vệ môi trường; phí thẩm định đánh giá tác động môi trường; phí thẩm định trữ lượng khoáng sản; phí sử dụng thông tin địa chất; lệ phí cấp phép; ký quỹ phục hồi môi trường; hoàn trả phí điều tra, thăm dò khoáng sản... đó là chưa kể sắp tới họ phải đóng thêm khoảng 2 - 3 khoản thuế, phí nữa như phí cấp quyền khai thác khoáng sản theo luật khoáng sản 2010.
GS., TS. Lê Văn Khoa - Viện Tư vấn phát triển CODE cho biết: một số loại thuế, phí còn thiếu tính khoa học, chưa khuyến khích doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu, chưa có quy chuẩn kỹ thuật áp dụng riêng cho từng loại hình khai thác. Đơn cử như thuế tài nguyên, hiện đang tính theo sản lượng khai thác được dẫn đến tình trạng DN chỉ khai thác những nơi có hàm lượng khoáng sản cao và bỏ lại phần có hàm lượng thấp “dễ làm khó bỏ”, làm tổn thất tài nguyên.
Tiếng nói từ các chuyên gia
Trong các ý kiến đóng góp, nhiều chuyên gia, doanh nghiệp rất quan ngại nếu như phải tăng thuế suất khoáng sản. Bởi trong tình hình còn quá lỏng lẻo, kém hiệu quả về quản lý khai thác khoáng sản như hiện nay thì việc tăng mạnh thu thuế, nâng cao thuế suất chưa chắc đã tăng thu nổi. Mà trái lại, sẽ khiến cho không ít DN khai thác khoáng sản chuyển sang khai thác lậu để trốn thuế, hoặc khai gian, hối lộ, mặc cả ăn chia để trốn bớt thuế, vin vào cớ thuế thu nhập DN cao đó để không đóng thuế môi trường, không phân bổ lợi ích trở lại cho địa phương, người dân vùng có mỏ.
Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và kinh doanh, TS. Nguyễn Quốc Phồn cho rằng: chỉ tăng thuế suất đánh vào khai thác khoáng sản không thôi thì chưa đủ, mà phải đi liền với việc tăng các biện pháp mạnh mẽ trong quản lý, cấp phép khai thác khoáng sản, phát hiện và xử phạt nghiêm các vụ việc khai thác lậu, xuất khẩu lậu khoáng sản, các cấp quản lý kinh tế nên có sự định hướng cho các DN.
Đồng quan điểm, Phó trưởng ban Ban Chính sách kinh tế vĩ mô - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, TS. Nguyễn Tú Anh cho biết: để thực sự đạt được hiệu quả mong muốn, một mặt cần kiên quyết xử lý các hiện tượng xuất khẩu khoáng sản lậu, tăng nặng hình phạt đối với tội phạm này, mặt khác phải có chính sách khuyến khích DN đã đầu tư vào ngành khai khoáng.
Đại diện Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, TS. Trần Việt Hùng cũng cho rằng thuế, phí là một trong các công cụ kinh tế hữu hiệu để thực hiện việc điều hành và quản lý nhà nước trong khai khoáng. Việc ban hành và sử dụng công cụ này cần được điều chỉnh theo hướng khuyến khích áp dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường.
Ở góc nhìn của luật sư Trần Hữu Huỳnh lại cho rằng: việc tăng thuế này có hồi tố không, nếu hồi tố thì hết sức thận trọng để hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của các nhà đầu tư, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa DN và nhà nước.
Đại diện Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam Hoàng Văn Nhật cho biết thuế suất 25% như dự thảo đưa ra là cao quá. Thực tế từ trước đến nay, không có DN khai thác vàng nào có lãi. Làm thế nào để Nhà nước phải thu được vào ngân sách và DN phải bù đắp được chi phí là câu hỏi cần nghiên cứu kỹ thực tế. Đại diện Hiệp Hội doanh nghiệp tỉnh Nghệ An cho biết: tình hình suy thoái kinh tế toàn cầu đang tiếp tục đẩy các DN vào giai đoạn khó khăn nhất. Nếu như tiếp tục tăng thuế, DN lâm vào nguy cơ “đột quỵ”.
Dưới góc nhìn của chuyên gia nước ngoài, Phó chủ tịch Nhóm Công tác Khoáng sản tại Việt Nam Bill Howell cho biết, có rất ít bằng chứng từ phía các nhà đầu tư phi Chính phủ hợp pháp của Việt Nam coi pháp luật hiện hành đối với ngành khai thác khoáng sản là thuận lợi. Những đề xuất về thuế tài nguyên không thể cải thiện được niềm tin của các nhà đầu tư về cơ chế tài chính ổn định của Việt Nam. Chúng tôi quan ngại những cảm nhận tiêu cực về môi trường đầu tư của Việt Nam sẽ không chỉ dừng lại ở ngành khai thác khoáng sản vì các nhà đầu tư tiềm năng của các ngành khác có thể sẽ nhìn nhận các động thái như tăng thuế suất tài nguyên là một nhân tố đại diện chung cho môi trường đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Kiến nghị không tăng thuế suất
Trước những khó khăn cũng như phân tích ở trên, để đảm bảo cho việc xuất khẩu, lợi ích hài hòa giữa DN và Nhà nước cũng như việc làm cho người lao động. Các chuyên gia, DN đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, xem xét bỏ hoặc giữ nguyên như quy định cũ về thuế suất đối với ngành khai khoáng. Chuyên gia khoáng sản, TS. Thục Anh cho rằng: để giúp các nhà đầu tư vượt qua khó khăn, thực hiện đúng pháp luật, cạnh tranh được với các nhà đầu tư nước ngoài... nên chăng Bộ Tài chính xem xét chưa nên tăng thuế tài nguyên trong giai đoạn này. Việc cần làm là hãy hỗ trợ tích cực cho các nhà đầu tư khoáng sản, song song với công tác quản lý tài nguyên đều khắp trên mọi địa phương, vùng miền của Việt Nam.
Trong kiến nghị mới nhất mà Tập đoàn Besra David Seton gửi các cơ quan chức năng nhấn mạnh. Bất cứ một sự gia tăng nào đối với mức thuế tài nguyên cũng sẽ đẩy Công ty TNHH Vàng Phước Sơn và sau đó là Bồng Miêu vào tình trạng ngừng sản xuất kinh doanh. Nếu điều đó xảy ra, ngân sách Nhà nước sẽ mất đi khoản thu từ thuế tài nguyên và các loại thuế khác, cùng với đó khoảng trên 1.600 người lao động trực tiếp và gián tiếp sẽ bị mất việc, nghiêm trọng hơn toàn bộ khu vực mỏ sẽ bị vàng tặc xâm nhập dẫn đến những hậu quả vô cùng lớn cho môi trường cũng như an ninh trật tự xã hội.
Phó chủ tịch Nhóm Công tác Khoáng sản tại Việt Nam Bill Howell cũng cho rằng: một cơ chế tài chính công bằng cho ngành khai thác khoáng sản sẽ đảm bảo dòng thu liên tục cho các cơ quan chức năng của Việt Nam, vì vậy, một khi thuế suất thuế tài nguyên tăng lên thì các khoản thu này không được đảm bảo.
Trao đổi với chúng tôi, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Nguyễn Linh Ngọc cũng cho rằng Nhà nước không nên tăng thuế suất khoáng sản. Bởi quá trình khai thác chế biến khoáng sản là quá trình đầu tư lâu dài, nhiều rủi ro, cho nên chính sách phải ổn định thì các nhà đầu tư mới tính toán được “dòng chảy tài chính” ổn định trong thời gian dài, mới mạnh dạn đầu tư. Sản phẩm của khai thác, chế biến khoáng sản (kể cả chế biến sâu đến đâu) cũng chỉ là nguyên liệu đầu vào cho các ngành sản xuất khác. Cho nên tăng giá nguyên liệu đầu vào thì giá thành các sản phẩm sau đó cũng tăng theo là đương nhiên. Các nhà tài chính không sợ thất thu thuế tài nguyên, mà sẽ còn thu được giá trị gia tăng từ nhiều công đoạn sau, đó là chưa kể tới đây chúng ta sẽ thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo luật khoáng sản 2010.
Theo daibieunhandan.vn