Cục Thuế Hà Nội triển khai công tác thuế giai đoạn 2008-2012 trong bối cảnh nền kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, thách thức; thời gian qua, tình hình kinh tế thế giới và trong nước đã ảnh hưởng đến nhiệm vụ thu ngân sách; tuy hàng năm số lượng doanh nghiệp thành lập ngày càng tăng nhanh, bên cạnh đó các hành vi vi phạm pháp luật thuế ngày càng trở nên tinh vi, phức tạp.
Nhưng với quyết tâm cao, trong 5 năm qua, Cục Thuế luôn hoàn thành nhiệm vụ với số thu năm sau tăng hơn năm trước: năm 2009 tăng 13,7%; năm 2010 tăng 11,9%; năm 2011 tăng 12,7%; năm 2012 tăng 16%. Một trong những giải pháp hỗ trợ hàng đầu được Cục Thuế coi trọng là tăng cường phối hợp với các sở, ban, ngành; đặc biệt với Công an Thành phố phối hợp đấu tranh phòng chống các hành vi tội phạm trong lĩnh vực thuế.
Thực hiện quy chế phối hợp số 1527/QCPH/TCT-TCCS ngày 31/10/2007 của Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính và Tổng Cục Cảnh sát, Bộ Công an trong đấu tranh phòng chống các hành vi, tội phạm trong lĩnh vực thuế, Cục Thuế và Công an Thành phố đã chủ động phối hợp, trao đổi thông tin, lập chương trình, kế hoạch hành động đã tạo ra những chuyển biến tích cực đem lại hiệu quả trong phối hợp.
Qua 5 năm (2008-2012), hai lực lượng đã phối hợp điều tra, xử lý được 2.379 vụ với tổng số tiền truy thu và phạt vi phạm về thuế gần 100 tỷ đồng; trong đó, Cơ quan thuế chuyển sang cơ quan Công an 850 vụ và Công an chuyển sang Cơ quan thuế 1.529 vụ…
<>
Trên cơ sở đó, hai Ngành đã quán triệt tinh thần thực hiện quy chế phối hợp tới toàn thể cán bộ, chiến sỹ của mình. Mỗi ngành đều có phân công bộ phận đầu mối, tham mưu, tổng hợp thống nhất từ Thành phố đến quận, huyện, thị xã tiếp nhận thông tin, tham mưu giải quyết các vụ việc, các chuyên đề. Bám sát sự chỉ đạo của Thành phố và ngành dọc cấp trên ban hành văn bản chỉ đạo công tác phối hợp với các cơ quan hữu quan khác trong công tác phối hợp phòng, chống gian lận thương mại, chống hàng giả, bình ổn giá cả thị trường…góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý thuế, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật thuế. Phối hợp xác minh, điều tra vi phạm pháp luật thuế: xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi kinh doanh mua, bán hoá đơn Giá trị gia tăng (GTGT) bất hợp pháp, đặc biệt đối tượng lập công ty “ma” để mua hoá đơn và bán kiếm tiền; xử lý đối tượng sử dụng hoá đơn bất hợp pháp để hợp thức hoá chi phí đầu vào trốn thuế GTGT, thuế Thu hập doanh nghiệp; lừa đảo chiếm đoạt tiền hoàn thuế; xử lý các doanh nghiệp chây ỳ nộp thuế, chống đối việc cưỡng chế thu nợ thuế; thu thập thông tin, phân tích đánh giá và kiểm tra theo chuyên đề. Qua công tác phối hợp đã có tác dụng tuyên truyền, giáo dục, khuyến khích tính tuân thủ pháp luật của người dân và toàn xã hội; đồng thời răn đe, ngăn chặn hành vi vi phạm đối với các đối tượng liên quan có ý đồ phạm tội.
Tình hình vi phạm và tội phạm trong lĩnh vực thuế trên địa bàn Hà Nội đã và đang diễn biến rất phức tạp, xu hướng ngày càng gia tăng, nghiêm trọng ở hầu hết các loại hình doanh nghiệp, phổ biến trên tất cả các lĩnh vực, gây thất thoát ngân sách nhà nước. Vừa qua, các đơn vị họp bàn và nêu các giải pháp cũng như kiến nghị giúp hai Ngành phối hợp ngày càng hiệu quả hơn.
Đặc biệt, các đơn vị của hai Ngành đã có những chuyên đề trao đổi thiết thực như: Đánh giá tình hình, tội phạm về thuế và một số kiến nghị nhằm tăng cường công tác phòng chống hành vi, tội phạm về thuế trên địa bàn; Công tác phối hợp giữa Cơ quan thuế và Công an trong việc quản lý thu và chống thất thu đối với kinh doanh cho thuê nhà trên địa bàn quận Tây Hồ; Kiến nghị từ công tác phối hợp giữa Phòng an ninh kinh tế, Công an Thành phố và Cục Thuế Hà Nội; Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng chống hành vi, tội phạm về thuế.
Sự phối hợp giữa hai lực lượng đã tạo ra sức mạnh tổng hợp trấn áp có hiệu quả các tội phạm và hành vi cố tình vi phạm về thuế, ngăn ngừa, giáo dục, răn đe gian lận thuế. Qua đó, tạo ra môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, góp phần hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước trên địa bàn. Công tác phối hợp chặt chẽ đã góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương tuân thủ pháp luật đối với cán bộ, chiến sỹ của hai Ngành.
Với sự nỗ lực đóng góp, tận tụy vì công việc của những tấm gương điển hình nên đã có 14 tập thể và 21 cá nhân đã được UBND TP. Hà Nội tặng bằng khen, khen thưởng thành tích thực hiện quy chế phối hợp 5 năm (2008-2012) nhằm ngăn chặn hành vi vi phạm về hóa đơn thuế, pháp luật thuế.
Theo nhận định, tình hình kinh tế hiện nay đã và sẽ phát sinh thêm nhiều hình thức trốn lậu thuế mới với nhiều thủ đoạn tinh vi, vi phạm có tổ chức, quy mô lớn, đối tượng vi phạm sử dụng công nghệ cao khó phát hiện. Để ngăn chặn các hành vi, tội phạm trong lĩnh vực thuế và chống thất thu thuế, đòi hỏi hai Ngành phối hợp quyết liệt hơn; đổi mới phương pháp đấu tranh chống tội phạm phát hiện, ngăn chặn tội phạm về thuế. Công tác phối hợp cần tập trung các lĩnh vực nóng bỏng và nổi cộm như kinh doanh: mua bán sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, bất động sản, tài chính ngân hàng, có dấu hiệu chuyển giá, thương mại điện tử...
Do vậy những tháng cuối năm và các năm tiếp theo, hai Ngành cần tăng cường trong sự phối hợp; cụ thể hóa quy chế phối hợp bằng những nội dung, giải pháp cụ thể; tuyên truyền, quán triệt cho cán bộ, chiến sỹ hai Ngành hiểu và thực hiện công tác quy chế; kiên quyết đấu tranh các tội phạm và hành vi cố tình vi phạm về thuế.
Hai Ngành đã thống nhất các mục tiêu, giải pháp trong công tác phối hợp để ngăn chặn, đẩy lùi các hành vi, tội phạm về thuế theo những nội dung: Xây dựng phương thức đấu tranh các hành vi thành lập doanh nghiệp để mua, bán hóa đơn, trốn thuế thông qua sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, chây ỳ, nợ thuế với số lượng lớn. Trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ, kinh nghiệm đấu tranh chống tội phạm và cung cấp thông tin giữa hai Ngành về các hành vi vi phạm mới, phản hồi những bất cập vướng mắc trong công tác phối hợp toàn ngành. Khi có yêu cầu phối hợp hai cơ quan cần khẩn trương đáp ứng, tạo điều kiện; nhất là đấu tranh với các hành vi trốn thuế, đưa ra xử lý hình sự các vụ trốn thuế lớn. Cơ quan Công an khi thu thập tài liệu điều tra, xác minh cần cụ thể, rõ ràng và cơ quan thuế chủ động phát hiện các vụ trốn thuế để chuyển cơ quan công an xử lý.
Trên cơ sở kế hoạch theo chuyên đề của Thành phố, yêu cầu đơn vị quận, huyện, thị xã chủ động cuộc họp bàn kế hoạch, đánh giá và đề ra biện pháp phối hợp giải quyết dứt điểm các hồ sơ còn tồn đọng, trọng điểm và điều tra các vụ việc mới phát sinh đảm bảo thời gian. Thông báo, kết luận những vụ việc chuyển sang Công an xác minh, điều tra, nếu hết thời hạn thì thông báo để Cơ quan thuế biết và có biện pháp xử lý.
Đặc biệt, trọng tâm kiểm tra ngăn chặn các hình vi gian lận trong quản lý, sử dụng hoá đơn tự in, cố tình chây ỳ nợ đọng thuế lớn; các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài có dấu hiệu chuyển giá, báo cáo lỗ liên tục. Đồng thời phải nắm bắt khó khăn của doanh nghiệp trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế để có kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ vướng mắc khó khăn tạo cho sản xuất kinh doanh phát triển.
Theo mof.gov.vn