Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) số 27/2008/QH12 (có hiệu lực từ ngày 1-4-2009), các cục Hải quan địa phương đều cho rằng, Luật thuế TTĐB đã đạt được mục tiêu đề ra, tuy nhiên, với tình hình kinh tế - xã hội có nhiều thay đổi thì đối tượng chịu thuế và mức thuế TTĐB cũng cần phải thay đổi.
Đạt được mục tiêu đề ra
Theo các cục Hải quan, sau hơn 4 năm thực hiện Luật thuế TTĐB đã thực sự phát huy vai trò hướng dẫn tiêu dùng cho xã hội. Cụ thể, thuế TTĐB đã góp phần định hướng sản xuất và tiêu dùng; góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, giảm nhập siêu, kiềm chế lạm phát và không gây đột biến trong sản xuất, tiêu dùng; thực hiện cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO và đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế; minh bạch, đơn giản, thuận lợi trong thực hiện. Đặc biệt, việc thực hiện Luật thuế TTĐB đã giúp đảm bảo nguồn thu ngân sách Nhà nước. Thông qua thuế TTĐB, Nhà nước động viên một phần thu nhập đáng kể của người tiêu dùng vào ngân sách Nhà nước.
Bên cạnh đó, một số đơn vị Hải quan cho rằng, thuế TTĐB bảo đảm nguyên tắc không phân biệt, đối xử giữa hàng sản xuất trong nước với hàng NK theo đúng các nguyên tắc của WTO. Mặt khác, nó cũng đã hạn chế những tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh
Mở rộng thêm đối tượng chịu thuế
Bên cạnh những kết quả đạt được, các cục hải quan cũng đề xuất cần mở rộng phạm vi của đối tượng chịu thuế TTĐB.
Theo Cục Hải quan Quảng Ninh, 17 loại hàng hóa, dịch vụ chịu thuế TTĐB theo quy định hiện hành vẫn còn hẹp. Quốc hội cần lấy ý kiến tham gia về các loại hình dịch vụ khác có thể xếp vào những hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng xa xỉ dành cho đối tượng thu nhập cao trong xã hội để bổ sung vào đối tượng chịu thuế, nhằm gia tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Như một số loại hình kinh doanh không được khuyến khích, ảnh hưởng đến các mặt của đời sống kinh tế xã hội như: Kinh doanh cầm đồ, kinh doanh trò chơi điện tử.
Cùng có ý kiến như trên, Cục Hải quan Đồng Nai cho rằng, cần tăng thuế TTĐB đối với dịch vụ kinh doanh vũ trường từ 40% tăng lên 50%. Bởi đây là địa điểm thường hoạt động về đêm, cũng là địa điểm vui chơi, giải trí phức tạp và nhạy cảm về an ninh trật tự….
Đặc biệt, một số mặt hàng được hầu hết các đơn vị kiến nghị tăng thuế suất thuế TTĐB là các mặt hàng thuốc lá, rượu, bia do có hại cho sức khỏe con người, Nhà nước và xã hội không khuyến khích sử dụng. Hơn nữa, theo các đơn vị, tăng thuế TTĐB các mặt hàng này còn để ngang bằng với mức giá tiêu dùng của các nước khác.
Kiến nghị không đánh thuế TTĐB xăng các loại
Tuy nhiên, bên cạnh việc mở rộng đối tượng và nâng mức thuế TTĐB thì một số Hải quan địa phương cũng kiến nghị không thu thuế TTĐB đối với mặt hàng xăng các loại, nap-ta, chế phẩm tái hợp và các chế phẩm khác để pha chế xăng, bởi đây là những mặt hàng thiết yếu, phục vụ trực tiếp cho nhu cầu tiêu dùng của nhân dân và cho sản xuất.
Phân tích đề xuất này, Cục Hải quan Đồng Nai cho biết, mặt hàng xăng các loại hiện nay phải chịu thêm thuế Bảo vệ môi trường nên phải chịu 4 loại thuế khác nhau (thuế NK, GTGT, TTĐB và thuế Bảo vệ môi trường), hơn nữa đây là mặt hàng thiết yếu đối với tất cả các lĩnh vực trong đời sống từ sản xuất, lưu thông và tiêu dùng. Vì vậy, không nên đánh thuế TTĐB với mặt hàng này.
Hơn thế nữa, hiện nay xe ô tô dưới 24 chỗ ngồi thuộc diện chịu thuế TTĐB, khi vận hành sử dụng xăng lại tiếp tục chịu thuế TTĐB, điều này dẫn đến người tiêu dùng bị đánh thuế trùng lắp.
Bên cạnh đó, hiện nay mặt hàng nap-ta, chế phẩm tái hợp và các chế phẩm khác để pha chế xăng thì thuộc diện chịu thuế TTĐB, nhưng khi dùng vào mục đích khác là sản xuất ra sản phẩm khác thì không chịu thuế TTĐB. Việc xác định đối tượng chịu thuế, không chịu thuế TTĐB theo mục đích, công dụng dễ dẫn đến gian lận trốn thuế và khó thực hiện trong thực tế.
Bên cạnh đó, đối với mặt hàng điều hòa nhiệt độ công suất 18.000 BTU trở xuống, Cục Hải quan Hà Nội cho rằng, đây là đồ dùng phổ thông trong các gia đình, do vậy không nên đánh thuế TTĐB với mặt hàng này.
HQ