THS. NGUYỄN XUÂN THÀNH - CỤC THUẾ TP. HÀ NỘI
Áp dụng quản lý rủi ro trong thanh tra thuế là việc cơ quan thuế áp dụng các biện pháp, cách thức khác nhau để áp dụng các quy trình quản lý, các tiêu thức xác định rủi ro, phân tích và đánh giá mức độ ảnh hưởng của rủi ro về thuế, từ đó có biện pháp xử lý rủi ro nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến hiệu quả hoạt động thanh tra thuế cũng như hiệu quả quản lý thuế nhằm đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước (NSNN). Việc áp dụng quản lý rủi ro trong công tác thuế đang ngày càng được coi trọng và trở thành trọng tâm, trọng điểm trong tất cả các khâu của quản lý thuế. Quản lý thuế theo rủi ro đặc biệt hữu ích trong quá trình đánh giá, lựa chọn, chấm điểm người nộp thuế (NNT) để đưa vào kế hoạch thanh tra NNT hàng năm và đang được cơ quan thuế Việt Nam dần dần áp dụng một cách hiệu quả.
Kết quả áp dụng quản lý rủi ro trong thanh tra thuế thời gian qua
Thực tế qua kết quả thanh tra cho thấy hệ thống các định hướng phân tích rủi ro của Tổng cục Thuế về các ngành nghề rủi ro, loại hình doanh nghiệp rủi ro…để lựa chọn đối tượng thanh tra là phù hợp, tỷ lệ số lượng NNT có truy thu qua thanh tra lớn, số lượng đơn vị được thanh tra ít hơn nhưng lại phát hiện được nhiều đơn vị trọng điểm có số thuế khai thiếu, khai sai truy thu và phạt sau thanh tra ngày càng cao, cụ thể, từ năm 2007 đến 2010, toàn ngành Thuế đã tiến hành thanh tra được 16.951 cuộc thanh tra, đạt 93% so với kế hoạch đề ra.
Tính chung giai đoạn 2006-2010, toàn Ngành đã kiểm tra, thanh tra được 316.362 lượt đơn vị, phát hiện và truy thu cho NSNN 22.447 tỷ đồng, ngoài việc truy thu, còn có tác dụng kịp thời cảnh báo, răn đe, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật thuế.
Năm 2011, là năm thực hiện đẩy mạnh cải cách công tác thanh tra thuế trên cơ sở thu thập và phân tích thông tin, lựa chọn các đơn vị có dấu hiệu gian lận thuế để tiến hành kiểm tra, vừa không gây phiền hà cho các doanh nghiệp có vi phạm, vừa tránh lãng phí nguồn lực của cơ quan thuế.
Với phương pháp này, mặc dù năm 2011 số đối tượng thanh tra tăng 11% so với năm 2010 nhưng số thuế truy thu tăng tới 28%. Như vậy, việc đánh giá đúng mức độ rủi ro của từng NNT cho phép cơ quan thuế đánh giá chính xác mức độ rủi ro của từng NNT cũng như mức độ tuân thủ của NNT, tạo sự công bằng, tin tưởng cho NNT và từ đó tạo điều kiện để NNT tự giác tuân thủ pháp luật thuế. Việc thực hiện thanh tra theo kỹ thuật phân tích rủi ro giúp tiết kiệm chi phí, nguồn nhân lực cho cơ quan thuế.
Theo thống kê của Tổng cục Thuế, khi thực hiện theo kỹ thuật phân tích rủi ro, cán bộ thanh tra đã rút ngắn được khoảng 20% thời gian thanh tra tại doanh nghiệp do đã phân tích hồ sơ, xác định phạm vi cần thanh tra và nắm bắt thông tin về doanh nghiệp tại cơ quan thuế, tránh tình trạng thanh tra dàn trải.
Tuy nhiên, việc áp dụng quản lý rủi ro của ngành Thuế trong thời gian qua vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập như: Cán bộ thanh tra mới chỉ dừng lại ở việc phân tích báo cáo tài chính theo chiều dọc, chiều ngang mà vẫn chưa áp dụng nhiều phân tích tỷ suất vào đánh giá rủi ro; hệ thống chỉ tiêu phân tích, đánh giá mức độ rủi ro về thuế của NNT chưa được xây dựng hoàn chỉnh, có quá nhiều các tiêu chuẩn để đánh giá mức độ vi phạm, các tiêu chuẩn phân loại NNT để xác định phạm vi thanh tra chưa rõ ràng, gây khó khăn cho việc lựa chọn các đối tượng được thanh tra; Cán bộ thanh tra vẫn chưa gắn kết quả phân tích rủi ro tại trụ sở cơ quan thuế với thực tế thanh tra tại trụ sở NNT: có thể khi đánh giá rủi ro tại trụ sở cơ quan thuế đặt nghi ngờ vào yếu tố này, nhưng khi đi thanh tra tại trụ sở của NNT lại phát hiện ra kết quả rủi ro ở yếu tố khác…
Một số biện pháp tăng cường thanh tra theo quản lý rủi ro thời gian tới
Xác định quản lý thuế theo rủi ro được coi là khâu mũi nhọn trong thanh tra, ngành Thuế cần thực hiện tích cực các biện pháp:
Một là, cơ quan thuế cần nghiên cứu để tiếp tục hoàn thiện quản lý rủi ro trên tất cả các phương diện, từ các tiêu thức đánh giá rủi ro đến quy trình thực hiện quản lý rủi ro, đồng thời, trong tất cả các khâu của công tác thanh tra, từ việc lập kế hoạch, lựa chọn các trường hợp, xác định phạm vi và tổ chức thanh tra, giám sát sau thanh tra.
Cụ thể, lựa chọn đúng NNT cần thanh tra, nội dung và phạm vi thanh tra dựa trên quản lý rủi ro thay thế cho phương pháp thủ công, truyền thống chủ yếu dựa trên kinh nghiệm hiện tại; xây dựng các mô hình phân tích rủi ro theo các loại hình DN: nhỏ, vừa, hay lớn theo cấp chi Cục, Cục, Tổng Cục…, theo lĩnh vực kinh doanh (xây dựng, sản xuất, thương mại dịch vụ…), theo sắc thuế (GTGT, TNDN, TNCN, nhà thầu…).
Việc áp dụng quản lý rủi ro trong thanh tra thuế thực hiện qua việc tính điểm đối với từng lại hình DN, từng tiêu thức khác nhau, sau đó tổng hợp điểm số lại. Tuy nhiên, trong dài hạn, cơ quan thuế cần xây dựng mô hình quản lý rủi ro riêng trong thanh tra thuế đối với từng lĩnh vực hoạt động kinh doanh, từng sắc thuế để phù hợp với tính chất chuyên sâu của các nhóm cán bộ thanh tra.
Hai là, lựa chọn, hoàn thiện các tiêu chí để phân tích, nhận dạng rủi ro về thuế phục vụ cho công tác thanh tra thuế: với điều kiện hạn chế về nguồn dữ liệu phân tích, sự hỗ trợ của phần mềm và trình độ của cán bộ thanh tra của các cơ quan thuế địa phương hiện nay, theo tác giả trước mắt chỉ nên áp dụng 12 chỉ tiêu cơ bản đơn giản, thuận tiện, dễ tính toán theo thứ tự nhóm ngành kinh tế, quy mô doanh nghiệp, loại hình kinh tế, tình hình tuân thủ nộp thuế, tình hình tuân thủ nộp hồ sơ khai thuế; kỳ đã được thanh tra gần nhất; sự tăng giảm bất thường của doanh thu, hệ số khả năng thanh toán tổng quát; so sánh biến động của tỷ lệ thuế TNDN phát sinh trên doanh thu các năm; mức biến động tỷ suất giá vốn trên doanh thu; tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu; thay đổi tỷ trọng chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp trên doanh thu.
Các tiêu thức đánh giá cần được sử dụng kết hợp với nhau, qua đó nhận định rủi ro thanh tra thuế được chính xác hơn. Khi thực hiện chấm điểm rủi ro theo các tiêu chí để lựa chọn DN đưa vào kế hoạch thanh tra, cần đánh trọng số và gán hệ số. Phải có sự phân chia các tiêu thức đánh giá rủi ro thành các tiêu thức động và tiêu thức tĩnh rõ ràng, trên cơ sở đó, áp dụng trọng số đối với từng nhóm tiêu thức cụ thể để đảm bảo sự công bằng đối với từng lĩnh vực, từng khu vực sản xuất kinh doanh khác nhau.
Các nhóm tiêu chí sau khi được gán điểm đều được đánh trọng số tùy thuộc vào mức độ trọng yếu, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác thanh tra thuế. Theo đó, các nhóm chỉ tiêu được đánh trọng số từ cao đến thấp. Các cục thuế căn cứ vào tình hình quản lý thuế tại các địa phương, nhiệm vụ và yêu cầu thanh tra hàng năm để tiến hành đánh giá trọng số theo nguyên tắc xác định những tiêu chí quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến rủi ro đánh trọng số cao; các tiêu chí không quan trọng ảnh hưởng không lớn đến rủi ro đánh trọng số thấp.
Ví dụ: Các tiêu chí So sánh biến động của tỷ lệ thuế TNDN phát sinh/ doanh thu, tỷ lệ Giá vốn/doanh thu là hai tiêu chí quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác thanh tra thuế đánh trọng số là 2. Các tiêu chí còn lại đánh trọng số là 1, riêng tiêu chí loại hình kinh tế (hoặc tiêu chí quy mô DN, tiêu chí ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh…), ngoài việc chấm điểm còn được gán hệ số nhằm lựa chọn NNT cần thanh tra để đưa vào kế hoạch thanh tra năm, ví dụ năm 2012 ưu tiên thanh tra các DNFDI, các DN có dấu hiệu chuyển giá, các DN thua lỗ, các DN được ưu đãi, miễn giảm thuế được gán hệ số là 2. Các loại hình còn lại được gán là 1.
Căn cứ vào mục tiêu, yêu cầu của công tác thanh tra và kết quả phân ngưỡng rủi ro danh sách NNT, Cục Thuế có thể lựa chọn NNT đưa vào kế hoạch thanh tra theo hướng lựa chọn NNT trong vùng rủi ro từ cao đến vừa theo hướng lựa chọn 70-80% số lượng NNT đưa vào kế hoạch thanh tra là những NNT có rủi ro cao nhất (có thể lựa chọn theo ngành, lĩnh vực cần thanh tra). Lựa chọn 5-10% số lượng NNT đưa vào kế hoạch thanh tra là những NNT có rủi ro cao nhất của phân ngưỡng rủi ro vừa. Lựa chọn 5% ngẫu nhiên trong phạm vi các DN không có đủ dữ liệu để đánh giá. Với phương thức lựa chọn ngẫu nhiên có thể lựa chọn theo tập mẫu được định nghĩa sẵn như tập các đối tượng lỗ, tập các đối tượng theo loại hình kinh tế, theo quy mô DN, theo ngành nghề,... Hàng năm, sau khi có kết quả thanh tra cơ quan thuế sẽ tiến hành đối chiếu với kết quả đã phân tích dự báo trước đó. Sau đó tiếp tục điều chỉnh bộ tiêu chí cho phù hợp để ngày càng phát hiện đúng các đối tượng có rủi ro cao vể thuế
Ba là, áp dụng hệ thống chấm điểm rủi ro tự động: ngành Thuế cần xây dựng các phần mềm ứng dụng hỗ trợ quản lý rủi ro để đảm bảo quá trình phân tích rủi ro được chuyên môn hóa, dễ thực hiện và chi phí thấp. Cơ quan thuế cần phối hợp với các ngành có liên quan xây dựng và hoàn thiện phần mềm ứng dụng hỗ trợ công tác thanh tra từ khâu thu thập dữ liệu, chuyển đổi dữ liệu để phân tích, xác định mức độ rủi ro phục vụ cho việc lựa chọn đối tượng và lập kế hoạch thanh tra.
Để thúc đẩy khả năng thu hẹp đối tượng có rủi ro cần thanh tra và tối ưu hóa thời gian thanh tra, cơ quan thuế cần xây dựng một hệ thống cho phép xử lý tự động một khối lượng lớn dữ liệu về NNT dựa trên các tiêu chí đã xác định sẵn nhằm xác định các đối tượng không tuân thủ cần thực hiện thanh tra. Hệ thống này được gọi là hệ thống xếp hạng rủi ro tự động. Dữ liệu đầu vào của hệ thống này là các thông tin kê khai trên các tờ khai thuế, lịch sử hoạt động của NNT và các báo cáo tài chính của NNT.
Hệ thống được thực hiện tự động nhờ ứng dụng tin học chấm điểm tự động cho đối tượng dựa trên việc gán điểm theo từng tiêu chí, đối chiếu so sánh với các chỉ tiêu bình quân của ngành (ví dụ về lợi nhuận, các hệ số thanh toán…), Trên cơ sở đó, cán bộ thanh tra thuế sẽ lựa chọn hình thức thanh tra cụ thể như thanh tra tại bàn (trụ sở cơ quan thuế) đối với các trường hợp đơn giản, thực hiện thanh tra tại trụ sở NNT đối với các trường hợp phức tạp hơn và có dấu hiệu vi phạm pháp luật thuế, hoặc ấn định số thuế phải nộp với NNT quy mô nhỏ, siêu nhỏ.
Bốn là, xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu về NNT: Việc thực hiện thành công phương pháp đánh giá rủi ro phụ thuộc tới 70% vào cơ sở dữ liệu, chính vì vậy một cơ sở dữ liệu đầy đủ, chính xác mới mang lại kết quả phân tích rủi ro đúng. Vấn đề quan trọng là các thông tin này phải đầy đủ, chính xác, dễ truy cập, có liên kết chặt chẽ với nhau qua một hệ thống nhận diện duy nhất (mã số thuế). Vì vậy, để đảm bảo yêu cầu trên hệ thống thông tin phải được xây dựng, duy trì, cập nhật thường xuyên trong và ngoài ngành thuế với sự hỗ trợ của công nghệ tin học và phải được tổ chức lưu trữ an toàn, khoa học tập trung tại cấp trung ương. Thông tin phải mang tính lịch sử và trung thực.
Để có thông tin đầy đủ hơn nữa về NNT, cơ quan thuế cần quan tâm đến một số giải pháp sau: xây dựng thống nhất cơ sở dữ liệu về NNT trên hệ thống mạng nội bộ ngành thuế, thường xuyên cập nhật những thông tin cơ bản của NNT, bao gồm: Thông tin về đặc điểm, quy mô, cơ cấu tổ chức của NNT, tình hình và kết cấu sản xuất kinh doanh, tình hình kê khai, nộp thuế, tình hình vi phạm pháp luật nói chung và vi phạm pháp luật về thuế nói riêng của NNT, thông tin khác liên quan đến NNT có từ bên thứ ba như ngân hàng, khách hàng của NNT, kho bạc... Hệ thống thông tin này cần được thu thập, xử lý và cập nhật, lưu trữ trên hệ thống máy tính, được phân cấp nhằm khai thác, sử dụng một cách hợp lý cho từng cấp quản lý và cho từng bộ phận chức năng.
Để quản lý rủi ro thuế có hiệu quả, ngành thuế cần tiếp tục hoàn thiện và phát triển các ứng dụng tin học, tạo điều kiện cho cán bộ thanh tra thuế có thể khai thác thông tin về NNT một cách dễ dàng và thuận lợi hơn, từ đó phục vụ tốt hơn cho cho công tác phân tích NNT nhằm nâng cao hiệu quả công tác thanh tra thuế.
Năm là, việc thực hiện thanh tra thuế theo phương pháp quản lý rủi ro đòi hỏi bộ máy quản lý thuế phải được tổ chức theo mô hình chức năng, với việc quy định đầy đủ, rõ ràng, không trùng lắp các chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức trong hệ thống tổ chức bộ máy quản lý thuế. Do vậy, cơ quan thuế cần phải thực hiện cải cách tổ chức bộ máy để khắc phục tất cả những yếu kém nêu trên, đồng thời tạo điều kiện để việc áp dụng quản lý rủi ro trong thanh tra đạt kết quả cao.
Các cán bộ thanh tra cần phải được trau dồi về chuyên môn nghiệp vụ, đào tạo chuyên sâu về chuyên môn thuế, nghiệp vụ thanh tra, các kỹ năng khác để phục vụ tốt hơn cho công tác. Cơ quan thuế cần có chính sách đào tạo phù hợp, tập trung cho một số công chức có năng lực để hình thành đội ngũ thanh tra thuế tinh nhuệ, sắc bén, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, am hiểu về chính sách chế độ, thành thạo về công tác quản lý, có khả năng giải quyết những vấn đề phức tạp phát sinh trong quá trình thanh tra thuế đối với NNT lớn, kinh doanh đa ngành nghề, phức tạp… nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Tóm lại, áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế nói chung là một kỹ thuật quản lý tiên tiến được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Việc áp dụng quản lý rủi ro về thuế trong thanh tra kiểm tra thuế ở nước ta hiện nay giúp cơ quan thuế tiết kiệm chi phí và thời gian, nâng cao hiệu quả thanh tra tạo điều kiện phân bổ nguồn lực tốt hơn đặc biệt khi nguồn lực cán bộ thanh tra thuế có hạn.
Việc quản lý rủi ro trong thanh tra thuế cũng làm giảm chi phí tuân thủ của NNT, hạn chế thanh tra tràn lan, khuyến khích doanh nghiệp sản xuất kinh doanh minh bạch, lành mạnh. Vì vậy, việc ngành thuế xác định mũi nhọn áp dụng phân tích rủi ro trong hoạt động thanh tra thuế trong thời gian tới là mục tiêu hết sức đúng đắn và hiệu quả.