4 điều kiện để được ân hạn
Theo quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế, trường hợp người nộp thuế tính thuế, thời hạn nộp thuế chậm nhất là ngày cuối cùng của thời hạn nộp hồ sơ khai thuế. Trường hợp cơ quan thuế tính thuế hoặc ấn định thuế, thời hạn nộp thuế là thời hạn ghi trên thông báo của cơ quan thuế.
Đối với các khoản thu từ đất đai, lệ phí trước bạ thì thời hạn nộp thuế theo quy định của Chính phủ và pháp luật có liên quan.
Thời hạn nộp thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được quy định: Hàng hóa là nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu, thời hạn nộp thuế tối đa là 275 ngày, kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan nếu doanh nghiệp đáp ứng đủ 4 điều kiện, gồm:
Có cơ sở sản xuất hàng xuất khẩu trên lãnh thổ Việt Nam; Có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu trong thời gian ít nhất hai năm liên tục tính đến ngày đăng ký tờ khai hải quan mà không có hành vi gian lận thương mại, trốn thuế, nợ tiền thuế quá hạn, tiền chậm nộp, tiền phạt; Tuân thủ pháp luật về kế toán, thống kê; và điều kiện cuối cùng là thực hiện thanh toán qua ngân hàng theo quy định của pháp luật.
Trường hợp không đáp ứng các điều kiện nêu trên nhưng được Tổ chức tín dụng bảo lãnh số thuế phải nộp thì thời hạn nộp thuế theo thời hạn bảo lãnh, nhưng không quá 275 ngày, kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan và không phải nộp tiền chậm nộp trong thời hạn bảo lãnh.
Trường hợp không đáp ứng các điều kiện nêu trên hoặc không được tổ chức tín dụng bảo lãnh thì phải nộp thuế trước khi được thông quan hoặc giải phóng hàng hóa; Hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất phải nộp thuế trước khi hoàn thành thủ tục hải quan tạm nhập khẩu hàng hóa. Trường hợp được tổ chức tín dụng bảo lãnh số thuế phải nộp thì thời hạn nộp thuế theo thời hạn bảo lãnh nhưng không quá 15 ngày, kể từ ngày hết thời hạn tạm nhập, tái xuất và không phải nộp tiền chậm nộp trong thời hạn bảo lãnh; Hàng hóa không thuộc các điểm nêu trên thì phải nộp thuế trước khi thông quan hoặc giải phóng hàng hóa.
Trường hợp được tổ chức tín dụng bảo lãnh số thuế phải nộp thì được thông quan hoặc giải phóng hàng hóa nhưng phải nộp tiền chậm nộp kể từ ngày được thông quan hoặc giải phóng hàng hóa đến ngày nộp thuế theo quy định tại Điều 106 của Luật này. Thời hạn bảo lãnh tối đa là 30 ngày, kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan.
Mức phạt chậm nộp cao hơn
Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế, đối tượng áp dụng: trừ các đối tượng được miễn thuế, xét miễn thuế quy định tại Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu và Nghị định số 87/2010/NĐ-CP ngày 13-8-2010 của Chính phủ thì tất cả các đối tượng khác đều áp dụng thời hạn nộp thuế theo quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế.
Mức tính tiền phạt chậm nộp, theo quy định tại khoản 32, Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế:“Người nộp thuế chậm nộp tiền thuế so với thời hạn quy định,… thì phải nộp đủ tiền thuế và tiền chậm nộp theo mức lũy tiến 0,05%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp đối với số ngày chậm nộp không quá 90 ngày; mức 0,07%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp vượt quá thời hạn 90 ngày.”
Theo Phòng Thuế XNK- Cục Hải quan TP.HCM, mức phạt chậm nộp đối với các trường hợp chậm nộp tiền thuế so với thời hạn quy định có mức phạt cao hơn so với trước đây, thời hạn tính phạt chậm nộp kể từ ngày được thông quan hoặc giải phóng hàng hóa.
Một điểm đáng chú ý, từ 1-7 khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế có hiệu lực, chương trình thông quan điện tử sẽ không có tờ khai luồng xanh sạch nhằm đảm bảo việc kiểm tra giấy nộp tiền hoặc chứng thư bảo lãnh của các tổ chức tín dụng. Cục Hải quan TP.HCM dự báo sẽ có thể ùn tắc hàng hóa tại các Chi cục có lưu lượng hàng hóa lớn. Mặc dù đã quán triệt, chỉ đạo các Chi cục phải chủ động tăng cường lực lượng, không để ách tắc hàng hóa xảy ra nhưng về lâu dài phải có biện pháp hữu hiệu nhằm đảm bảo thông quan hàng hóa nhanh chóng sau khi doanh nghiệp đã xuất trình giấy nộp tiền hoặc chứng thư bảo lãnh./.