Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn cho biết, từ ngày 1-7 khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế có hiệu lực thi hành, cơ quan Thuế phải kiểm tra trong thời hạn 1 năm kể từ khi có quyết định hoàn thuế đối với 4 đối tượng có độ rủi ro cao.
Cụ thể, 4 đối tượng này bao gồm: Cơ sở kinh doanh kê khai lỗ hai năm liên tục hoặc có số lỗ vượt quá vốn chủ sở hữu; Cơ sở kinh doanh được hoàn thuế từ hoạt động kinh doanh bất động sản; kinh doanh thương mại, dịch vụ; Cơ sở kinh doanh thay đổi trụ sở từ hai lần trở lên trong vòng mười hai tháng kể từ ngày có quyết định hoàn thuế trở về trước; Cơ sở kinh doanh có sự thay đổi bất thường giữa doanh thu tính thuế và số thuế được hoàn trong giai đoạn mười hai tháng, kể từ ngày có quyết định hoàn thuế trở về trước.
Các trường hợp còn lại, việc kiểm tra sau hoàn thuế được thực hiện theo nguyên tắc quản lý rủi ro trong thời hạn 10 năm, kể từ ngày có quyết định hoàn thuế.
Cũng theo Phó Tổng cục trưởng Cao Anh Tuấn, bắt đầu từ 1-7, việc áp dụng cơ chế quản lý rủi ro trong quản lý thuế đã được quy định cụ thể trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế. Việc áp dụng cơ chế quản lý rủi ro trong quản lý thuế bao gồm: thu thập thông tin, dữ liệu liên quan đến người nộp thuế; xây dựng các bộ tiêu chí quản lý thuế; đánh giá việc tuân thủ pháp luật của người nộp thuế; đề xuất, áp dụng các biện pháp quản lý thuế;
Cơ quan quản lý thuế quản lý, ứng dụng hệ thống thông tin nghiệp vụ để đánh giá rủi ro về thuế, mức độ tuân thủ pháp luật của người nộp thuế, lựa chọn đối tượng kiểm tra, thanh tra về thuế và hỗ trợ các hoạt động nghiệp vụ khác trong quản lý thuế;
Quản lý rủi ro trong quản lý thuế là việc áp dụng có hệ thống các quy định pháp luật, các quy trình nghiệp vụ để xác định, đánh giá và phân loại các rủi ro có thể tác động tiêu cực đến hiệu quả, hiệu lực quản lý thuế, làm cơ sở để cơ quan quản lý thuế phân bổ nguồn lực hợp lý, áp dụng các biện pháp quản lý hiệu quả.