Lĩnh vực điện, điện tử được ưu đãi như thế nào?

15/10/2021

Được ưu đãi hay không?

Công ty TNHH 4P (Hà Nội) là Công ty TNHH 2 thành viên được Sở kế hoạch đầu tư Hà Nội cấp giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh 0102003193 ngày 10-8-2001, với ngành, nghề “sản xuất và lắp ráp các sản phẩm điện, điện tử”.

Do nhu cầu mở rộng sản xuất, Công ty này quyết định chuyển đến mở nhà máy sản xuất, lắp ráp sản phẩm điện, điện tử tại Hưng Yên. Ngày 13-5-2002, Công ty được UBND tỉnh Hưng Yên cấp giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh thay đổi số 0502000079.

Tiếp đó, năm 2003 và 2004, UBND tỉnh Hưng Yên cấp 2 giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư số 12/ƯĐĐT cho Công ty để thực hiện dự án “đầu tư xây dựng nhà máy lắp ráp màn hình máy vi tính” và 22/ƯĐĐT thực hiện dự án “xây dựng nhà máy lắp ráp vi mạch điện tử bằng công nghệ dán mạch”.

Để phục vụ hoạt động 2 dự án trên, Công ty TNHH 4P đăng kí nhập khẩu tại Hải quan Hải Phòng các mặt hàng linh kiện điện tử như mạch tích hợp (IC), điện trở, bóng dẫn… thuộc loại trong nước chưa sản xuất được để trực tiếp sản xuất các sản phẩm ti vi, đầu đĩa…

Từ tháng 5-2002 đến 31-12-2005, tổng số thuế nhập khẩu của Công ty TNHH 4P là gần 51 tỉ đồng. Từ tháng 1-2006 đến tháng 4-2007, Công ty tiếp tục nhập khẩu lượng hàng hóa có tổng số thuế nhập khẩu gần 7,6 tỉ đồng.

Ngày 26-1-2007, Công ty TNHH 4 có công văn gửi Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) xin miễn thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu, linh kiện nhập khẩu phục vụ sản xuất, nhưng Bộ Thương mại chưa giải quyết miễn thuế.

Điều này đã dẫn đến vướng mắc trong giải quyết vấn đề miễn thuế nhập khẩu đối với nguyên vật liệu, linh kiện bán thành phẩm trong nước chưa sản xuất được của Công ty.

Cụ thể, trước thời điểm 1-1-2006, theo quy định tại Nghị định 35/2002/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Khuyến khích đầu tư trong nước, thì ngành nghề thuộc các lĩnh vực được hưởng ưu đãi đầu từ là “sản xuất các linh kiện điện tử,…”.

Tuy nhiên, theo giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh 0102003193 (do Sở Kế hoạch và đầu tư Hà Nội cấp) thì ngành, nghề của Công ty TNHH 4P là “sản xuất và lắp ráp các sản phẩm điện, điện tử”.

Điều này dẫn đến sự khác nhau giữa ngành, nghề sản xuất của Công ty (sản xuất và lắp ráp các sản phẩm điện, điện tử) so với ngành, nghề thuộc lĩnh vực ưu đãi tại Nghị định 35 (sản xuất các linh kiện điện tử,…).

Do đó, Hải quan Hải Phòng không xác định được Công ty TNHH 4P có thuộc diện được hưởng ưu đãi (miễn thuế nhập khẩu nguyên vật liệu, linh kiện bán thành phẩm trong nước chưa sản xuất được) theo Nghị định 35 hay không?

Vướng mắc thứ hai liên quan đến việc miễn thuế nhập khẩu nguyên vật liệu, bán thành phẩm trong nước chưa sản xuất được hoặc sản xuất không đạt tiêu chuẩn chất lượng để phục vụ sản xuất dự án từ thời điểm 1-1-2006 (về sau).

Theo giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư như đề cập ở trên, Công ty TNHH 4P có 2 dự án, nhưng các văn bản của cơ quan quản lí chuyên ngành (Bộ Thông tin & Truyền thông) chỉ đề cập dự án “xây dựng nhà máy lắp ráp vi mạch điện tử bằng công nghệ dán mạch” thuộc lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư, không đề cập đến dự án “đầu tư xây dựng nhà máy lắp ráp màn hình máy vi tính”.

Như vậy, dự án “đầu tư xây dựng nhà máy lắp ráp màn hình máy vi tính” có thuộc lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư và được miễn thuế nhập khẩu nguyên vật liệu, bán thành phẩm trong nước chưa sản xuất được hoặc sản xuất không đạt tiêu chuẩn chất lượng?

Cần nhanh chóng xử lí dứt điểm

Theo Cục Hải quan Hải Phòng, đề xử lí dứt điểm những vướng mắc liên quan đến Công ty TNHH 4P, Bộ Tài chính đã giao cho Cục Kiểm tra thực tế hoạt động sản xuất lắp ráp của doanh nghiệp, đối chiếu xác nhận của Bộ Thông tin & Truyền thông để thực hiện miễn thuế theo quy định.

Tuy nhiên, để thực hiện được chỉ đạo của Bộ Tài chính, Hải quan Hải Phòng vẫn cần và chờ sự hướng dẫn cụ thể từ Cục Thuế XNK (Tổng cục Hải quan).

Ngoài ra, mới đây Cục Hải quan Hải Phòng cũng kiến nghị Tổng cục Hải quan tổ chức cuộc làm việc giữa các bên liên quan để giải quyết dứt điểm vụ việc đã kéo dài từ năm 2007 đến nay.

Cùng danh mục

Thời gian nộp thuế sẽ giảm thêm 88,86 giờ từ 15/11

Thông tin trên được ông Bùi Văn Nam - Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết tại buổi họp báo giới thiệu về Thông tư 151/2014/TT-BTC (có hiệu lực từ 15/11) hướng dẫn Nghị định 91/2014/NĐ-CP chiều 28/10.

Thông tư 151/2014/TT-BTC Quy định mới về thuế GTGT có hiệu lực từ 15/11/2014

Chiều 21/10, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn đã chính thức ký ban hành Thông tư 151/2014/TT-BTC (có hiệu lực từ 15/11/2014), hướng dẫn Nghị định 91 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Nghị định quy định về thuế. Theo đó, nhiều quy định mới về thuế giá trị gia tăng (GTGT) đã được sửa đổi.