Bên cạnh những rủi ro từ khoản vay của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, báo cáo về nợ công vừa được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội công bố cũng chỉ ra thực trạng đáng lo ngại về quản lý ngân sách. "Tình trạng thâm hụt ngân sách là rất nghiêm trọng, ngay cả khi Việt Nam đang có tỷ lệ thu thuế, phí rất cao so với các nước khác trong khu vực", các tác giả nhận định.
Theo quyết toán ngân sách của Bộ Tài chính, trung bình trong giai đoạn từ 2006-2010, tổng thu và viện trợ (không gồm thu kết chuyển) của Việt Nam khoảng 29,3% GDP. Nếu chỉ tính thu từ thuế và phí (loại trừ thu viện trợ và các khoản thu từ nhà đất), con số này là 26,2% GDP. Nếu trừ tiếp thu từ dầu thô, tổng thu chiếm khoảng 20,3%. Tỷ trọng thu từ dầu thô có xu hướng giảm dần, từ khoảng 6,9% GDP vào năm 2007 xuống còn chưa đầy 3,1% GDP năm 2011.
"Điều này chứng tỏ tỷ trọng các khoản thu khác đang ngày càng gia tăng", báo cáo kết luận.
Áp lực thuế - phí sẽ càng cao nếu thâm hụt ngân sách còn kéo dài. Ảnh: Hoàng Hà. |
Không chỉ thuế - phí thông thường, người dân còn phải chịu cả "thuế lạm phát". Theo giải thích tại báo cáo của Ủy ban Kinh tế, khi Chính phủ tài trợ thâm hụt tài khóa bằng cách tăng cung tiền (phát hành trái phiếu) thì được coi là đang "thu thuế lạm phát" đối với những người đang nắm giữ tiền. Báo cáo cũng phân tích: "Điều này khá giống những gì đã diễn ra ở Việt Nam. Thâm hụt tài khóa được tài trợ phần lớn bởi vay nợ thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ, có năm lượng tạm ứng ngân sách bằng cả nguồn tiền phát hành".
Số liệu IMF cho thấy, ngoài "thuế lạm phát" hàng năm ở mức hai con số, tỷ lệ thuế phí trên GDP của Việt Nam hiện cao gấp từ 1,2-1,8 lần so với các nước khác trong khu vực. (Xem biểu đồ)
So với các nước trong khu vực, thuế - phí của Việt Nam khá cao. |
Các doanh nghiệp cũng đang phải trả chi phí không chính thức khá cao. Kết quả điều tra Chỉ số năng lực Cạnh tranh Cấp tỉnh (PCI) năm 2011, hơn 52% doanh nghiệp được hỏi cho biết phải trả tiền lót tay cho cán bộ hành chính địa phương. Hơn nữa, khi tham nhũng nhỏ có biểu hiện giảm đi thì tham nhũng lớn lại có xu hướng tăng thông qua hành vi "lại quả" khi ký kết các hợp đồng hay các hoạt động đấu thầu.
Tổng mức thu thuế trên GDP cao phần nào đã khuyến khích những hành vi trốn thuế như chuyển giá, làm giảm ngân sách Nhà nước. Số liệu thống kê gần đây cho thấy, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chiếm 20% GDP nhưng các doanh nghiệp này (loại trừ dầu thô) lại chỉ đóng góp trên dưới 10% tổng thu cho ngân sách Nhà nước.
Thu thuế nhiều nhưng thâm hụt ngân sách vẫn rất nghiêm trọng, một phần do chi tiêu khu vực công vẫn quá lớn. Cụ thể, quy mô chi tiêu ngân sách, gồm chi đầu tư và chi thường xuyên của Việt Nam chiếm hơn 30% GDP trong những năm gần đây. Trong khi đó, theo các nhà kinh tế, mức tối ưu để hỗ trợ tăng trưởng chỉ khoảng 15-20% GDP. Số liệu của ADB cho biết, các quốc gia và vùng lãnh thổ như Hong Kong, Đài Loan, Indonesia, Singapore có quy mô chi tiêu Chính phủ nhỏ nhất, chỉ xấp xỉ 15-18% GDP.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, một số khoản chi tiêu của Chính phủ là cần thiết để đảm bảo cho sự tăng trưởng kinh tế. "Ngược lại, nếu vượt quá ngưỡng nào đó sẽ cản trở tăng trưởng, gây ra tham nhũng, thất thoát và chèn ép khu vực tư nhân", các tác giả lo ngại.
Quy mô chi tiêu chính phủ ở một số quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (%GDP) |
Không chỉ vậy, bộ máy công quyền hiện nay được cho là "cồng kềnh và chi tiêu tốn kém", ảnh hưởng không nhỏ đến bội chi ngân sách. Trong đó, chi thường xuyên chiếm tỷ lệ rất lớn còn chi đầu tư phát triển lại nhỏ hơn rất nhiều. Trong khi tỷ trọng chi đầu tư phát triển có xu hướng giảm nhẹ thì chi thường xuyên, dù thấp hơn các nước trong khu vực, nhưng lại đang tăng nhanh.
Số liệu mới đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, bội chi ngân sách đến 15/5 là 67.200 tỷ đồng. Nhưng cũng trong khoảng thời gian nêu trên, ngân sách đã chi tới 38.300 tỷ đồng để trả nợ và viện trợ. Chuyên gia Lê Đăng Doanh bình luận, những con số này thể hiện hình hình đang rất "nghiêm trọng" khi 5 tháng phải chi hàng chục nghìn tỷ trả nợ công.
Trên thực tế, vòng luẩn quẩn thuế cao - thâm hụt ngân sách vẫn lớn có thể không dừng lại bởi nhiều chuyên gia cho rằng áp lực thu thuế sẽ còn tiếp tục. "Khi việc kiềm chế thâm hụt ngân sách càng khó khăn thì việc tăng hoặc áp thuế, phí cao sẽ là những biện pháp cuối cùng mà Chính phủ có thể sử dụng", báo cáo về thâm hụt ngân sách và nợ công này lo ngại.