>
<>
Doanh nghiệp (DN) xuất khẩu nói chung, DN dệt may nói riêng đang lo lắng về khả năng chính sách ân hạn thuế 275 ngày có thể bị hủy bỏ.<
><
>Ông Phạm Xuân Hồng, Tổng giám đốc Công ty May Sài Gòn 3 cho biết, lo lắng nhất hiện nay của doanh nghiệp (DN) dệt may nói riêng, DN xuất khẩu nói chung không đơn thuần là thiếu đơn hàng, lãi suất cao hay chi phí đầu vào tăng, mà là khả năng chính sách ân hạn thuế 275 ngày có thể bị hủy.
Trước đó, tại Tờ trình Quốc hội số 78/TTr-CP ngày 20/4/2012 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế, Chính phủ đã trình Quốc hội cho sửa đổi thời hạn nộp thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.
Theo đó, hàng hóa là vật tư nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu phải nộp thuế trước khi được thông quan, hoặc giải phóng hàng hóa, hoặc phải có bảo lãnh của tổ chức tín dụng. Thời hạn bảo lãnh tối đa 275 ngày. Trong thời hạn bảo lãnh, không bị phạt chậm nộp thuế.
Liên quan đến vấn đề trên, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã có kiến nghị về việc áp dụng thời hạn nộp thuế 275 ngày đối với nguyên liệu nhập khẩu phục vụ sản xuất xuất khẩu, đồng thời Bộ Tài chínhđã có văn bản đồng ý với đề xuất này, báo cáo lên Chính phủ để hỗ trợ DN. “Tuy nhiên, hiện chưa có trả lời chính thức từ Bộ Tài chính, nhưng nếu bỏ thời hạn ân hạn thuế, sẽ rất ít DN thực hiện được quy định này”, ông Phạm Xuân Hồng cho biết.
Theo bà Trương Thị Thúy Liên, Giám đốc Công ty Giày Liên Phát, nếu bỏ thời hạn ân hạn thuế, DN sản xuất hàng FOB sẽ gặp nhiều khó khăn, còn DN làm hàng gia công như Liên Phát sẽ không bị ảnh hưởng, vì nguyên liệu do khách hàng cung cấp, nên không phải đóng thuế.
DN sản xuất hàng FOB như Công ty May Sài Gòn (Garmex Saigon) đang rất lo lắng nếu quy định bỏ ân hạn thuế được thông qua. Ông Nguyễn Ân, Tổng giám đốc Garmex Saigon cho hay, trong khi Bộ Công thương đang ráo riết họp bàn cách cứu DN, nếu thông qua quy định bỏ ân hạn thuế, thì vô tình sẽ đẩy DN vào tình trạng đã khó lại càng khó hơn.
“DN sản xuất hàng FOB được xem là tạm nhập tái xuất, khi nhập nguyên liệu về mà phải đóng thuế trước, thì sẽ phải tốn thêm khoản vay ngân hàng nên sẽ càng khó khăn hơn”, ông Nguyễn Ân lo ngại.
Theo lý giải của ông Nguyễn Ân, nếu bỏ ân hạn thuế, DN nhỏ (quy mô sản xuất 20.000 - 30.000 sản phẩm/tháng) có thể không bị ảnh hưởng, nhưng với DN lớn (sản xuất những đơn hàng kéo dài 6 - 7 tháng), sẽ gặp khó khăn và DN sẽ phải đóng thuế trước, sau đó mới được hoàn thuế.
Khó khăn thứ hai, cũng liên quan đến ân hạn thuế là theo quy định của Tổng cục Hải quan, khi khách hàng thanh toán xong, DN xuất khẩu mới được thanh khoản để làm thủ tục hoàn thuế. Điều này đang gây khó khăn cho DN, bởi do tình hình kinh tế khó khăn, DN xuất khẩu phải cho khách hàng trả chậm 2 - 3 tháng nếu không họ không chịu đặt hàng.
“Hợp đồng thường yêu cầu khách hàng thanh toán trong 1 tháng sau khi giao hàng, nhưng sau 45 ngày, khách hàng mới thanh toán. DN không dám phàn nàn, vì sợ mất khách hàng”, ông Nguyễn Ân nói và cho rằng, quy định khách hàng thanh toán xong mới cho DN làm thủ tục thanh khoản là vô lý, vì trong trường hợp khách hàng chậm, hoặc không thanh toán, thì rủi ro thuộc về DN xuất khẩu, chứ không ảnh hưởng tới cơ quan thuế.
<>Liên quan đến vấn đề trên, bà Trương Thị Thúy Liên đề nghị: “Nếu cơ quan thuế bỏ chính sách ân hạn thuế, thì nên cho phép DN khi nhập khẩu nguyên liệu được gửi tạm trong kho ngoại quan. DN sản xuất hàng đến đâu, sẽ đến kho ngoại quan lấy vật tư ra đến đó, thì khỏi phải đóng trước tiền thuế nhập khẩu”.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Ân lại không cho đó là giải pháp hay, bởi nếu gửi nguyên liệu ở kho ngoại quan, thì DN phải đóng tiền thuê kho ngoại quan. Hơn nữa, việc gửi hàng ở kho ngoại quan cũng rắc rối và DN khong chủ động được sản xuất
<
>Theo Thanh Vũ
Báo đầu tư<