>
<>
Trước tình hình trên 75% doanh nghiệp (DN) khai báo lỗ hoặc không có lãi thì vẫn có nhiều DN làm ăn tốt và có ý thức chấp hành tốt luật thuế.<
><
>Mới đây, có 1.000 DN, cá nhân trên địa bàn TPHCM vinh dự được Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, UBND TPHCM và Cục Thuế TP tuyên dương nộp thuế tốt.
Nói như Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng: “Điều đáng trân trọng trong đợt tuyên dương lần này là giữa thời điểm nền kinh tế nói chung rơi vào khó khăn khủng hoảng, các DN này đã cơ cấu lại sản xuất, cắt giảm chi phí, tìm hướng đi mới để sản xuất kinh doanh hiệu quả. Và quan trọng hơn hết là họ đã ý thức khai đúng, nộp đủ thuế, tham gia đóng góp rất lớn cho ngân sách nhà nước…”.
Những cách vượt qua khủng hoảng
Công ty TNHH Lập Phúc (DN cơ khí khuôn mẫu chính xác) mới vài năm trước đây được UBND TP hỗ trợ lãi suất vốn vay để đầu tư thiết bị máy móc, vậy mà đến nay số thuế mà DN này nộp cho ngân sách nhà nước mỗi năm hơn chục tỷ đồng.
“Sở dĩ chúng tôi vươn lên được trong khó khăn, khủng hoảng là nhờ chúng tôi đã huy động được sức mạnh tập thể của 180 công nhân trong xí nghiệp. Công nhân nào cũng muốn chỗ làm ổn định, do vậy, để cùng vượt qua khó khăn, chúng tôi đã cùng làm, cùng hưởng, tôi có lợi nhuận, anh em sẽ được chăm sóc đời sống tốt hơn và được trả lương hậu hĩnh…” - ông Nguyễn Văn Trí, Giám đốc Công ty Lập Phúc, chia sẻ kinh nghiệm một cách chân thành.
Thu nhập của công nhân được chứng tỏ qua việc công nhân có thu nhập để… nộp thuế thu nhập cá nhân! Số thuế thu nhập cá nhân hàng năm công nhân của công ty nộp là hơn 300 triệu đồng. Sức mạnh tập thể được thể hiện qua phòng làm việc của giám đốc Trí không có sách báo, giấy tờ mà xung quanh ông toàn máy móc, sản phẩm. Giám đốc cũng tham gia “đứng máy” cùng công nhân…
Ở DN nhà nước, để bứt phá được còn khó vạn lần bởi cơ chế chính sách. Công ty TNHH một thành viên Quản lý kinh doanh nhà TPHCM là một ví dụ điển hình. Giá cho thuê nhà được ấn định theo khung giá nhà nước, nhưng trên thị trường, công ty thỏa thuận được với khách theo giá cao hơn, ai cũng hiểu việc đó mang lại lợi ích cho nhà nước nhiều hơn, vậy mà, chuyện như đùa khi một lần công ty bị kiểm toán bảo “làm sai quy định nhà nước vì vượt khung giá nhà nước!”.
Nếu chọn giải pháp an toàn thì đơn giản quá, nhưng nghĩ đến lợi ích chung, công ty vẫn kiên trì hoạt động kinh doanh theo hướng có lợi nhất, đồng thời minh bạch thông tin, khai đúng, nộp thuế đủ cho nhà nước.
Bên cạnh đó, công ty cũng ứng biến với tình hình suy thoái bằng cách đổi mới, tái cấu trúc lại sản xuất, chuẩn bị những biện pháp dự phòng để bảo vệ nhiệm vụ kinh doanh chính yếu của công ty. Nhờ vậy, dù tình hình kinh tế khó khăn, khủng hoảng, nhưng trong năm 2011, công ty đã nộp ngân sách nhà nước 128 tỷ đồng.
Tương tự, cách mà Công ty TNHH Nhà máy bia Việt Nam (DN có vốn đầu tư nước ngoài) là cạnh tranh bằng chất lượng sản phẩm, tập trung đẩy mạnh xây dựng thương hiệu. Cụ thể, nhà máy đầu tư máy móc thiết bị, đổi mới công nghệ và xây dựng tập thể lao động mạnh. Cũng cách đổi mới công nghệ để cạnh tranh trên thị trường được Công ty TNHH Giấy vi tính Liên Sơn áp dụng hiệu quả. Liên Sơn đã đầu tư nhiều hệ thống máy in nhanh với tốc độ 10 phút/cuốn hóa đơn.
Ngoài ra, công ty cũng nâng chất lượng dịch vụ bằng cách tư vấn, hướng dẫn cho khách hàng thủ tục in và phát hành hóa đơn, nhờ vậy công ty nhận được sự tín nhiệm của đông đảo khách hàng. Đến nay, công ty đã trở thành nhà máy đi đầu trong hoạt động in hóa đơn với khoảng 25.000 DN đặt in hóa đơn.
Chứng tỏ đơn vị mạnh qua số thuế đã nộp
“DN lớn nộp thuế lớn, DN nhỏ nộp thuế ít hơn là điều đương nhiên. Nhưng cuộc tuyên dương này là tôn vinh những DN làm ăn hiệu quả, thực hiện nghiêm chính sách thuế, khai đúng, nộp đủ…” - bà Trần Thị Lệ Nga, Trưởng phòng Tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế, Cục Thuế TP nói. Sức mạnh của DN được thể hiện qua số thuế đã nộp.
Chẳng hạn, DN nộp thuế thu nhập DN càng cao thì chứng tỏ DN lợi nhuận càng nhiều. Số thuế là một minh chứng thực tế nhất mà không báo cáo kiểm toán nào có thể chính xác hơn. Do vậy, nhiều DN muốn tìm hiểu sức mạnh và sự đàng hoàng của đối tác thường xem đến số thuế mà đối tác đã nộp.
“Chúng tôi khai đúng nộp đủ thuế không chỉ là trách nhiệm, nghĩa tình khi khó khăn được nhà nước hỗ trợ vốn, hỗ trợ lãi vay, mà số thuế còn là niềm tự hào, chứng minh hoạt động làm ăn chân chính của mình trước đối tác…” - ông Nguyễn Văn Trí, Giám đốc Công ty TNHH Lập Phúc nói.
Ông Nguyễn Thái Linh, Tổng Giám đốc Công ty Liên Sơn, khẳng định rằng việc minh bạch tài chính, chấp hành tốt các nghĩa vụ thuế chính là trách nhiệm và đạo đức xã hội của doanh nghiệp. Đó chính là con đường đúng đắn nhất để doanh nghiệp phát triển bền vững.
Ông Hồ Huy Tài, Trưởng phòng Kế toán Công ty Quản lý kinh doanh nhà TP cũng cùng quan điểm với với ông Linh về điều này. Ông David Teng, Tổng Giám đốc điều hành Công ty Bia Việt Nam thì cho rằng, vì mục tiêu đầu tư kinh doanh lâu dài, việc rõ ràng, minh bạch, thực hiện nghiêm pháp luật về thuế là cách tốt nhất để tạo niềm tin và phát triển vững mạnh trong tương lai…
“Điều đáng trân trọng trong hội nghị tuyên dương lần này không chỉ ở ý chí làm giàu mà còn ở ý thức nộp thuế của các DN” - ông Nguyễn Đình Tấn, Cục trưởng Cục Thuế TPHCM khẳng định.
Theo Hàn Ni
SGGP
<> <> <>