>
<>
Bộ Tài chính khẳng định, Ban soạn thảo sẽ lắng nghe tất cả các ý kiến góp ý từ thành viên thị trường, trước khi quyết định một chính sách thuế mới.<
><
>
Gần 100 thành viên và lãnh đạo các hiệp hội tham dự hội thảo về chính sách thuế trong lĩnh vực chứng khoán do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) phối hợp với Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính tổ chức sáng 3/7 đã mang về tâm trạng phấn khởi, với niềm hy vọng vào cuộc cải cách tận gốc những điểm bất hợp lý của chính sách thuế hiện thời, nhằm trả lại sự công bằng cho các đối tượng nộp thuế và hỗ trợ TTCK phát triển.
Bộ Tài chính khẳng định, Ban soạn thảo sẽ lắng nghe tất cả các ý kiến góp ý từ thành viên thị trường, trước khi quyết định một chính sách thuế mới. Theo Bộ Tài chính, văn bản hướng dẫn thu thuế trên TTCK sẽ phải tuân thủ nguyên tắc khoản đáng thu thuế thì phải thu, Nhà nước không thu thừa, nhưng cũng sẽ không nới lỏng để tạo sự bất bình đẳng cho đối tượng nào. Nguyên tắc căn bản là chỉ thu trên lợi nhuận thực. Theo khẳng định này, các thành viên TTCK có cơ sở để tin rằng, chính sách thuế mới sẽ cân đối hơn, không đánh oan (không đánh thuế 2 lần, quy định rõ hơn về các loại chi phí được giảm trừ khi tính thuế…), để giảm thiểu tình trạng lỗ cũng phải nộp thuế như một số chủ thể vừa qua đã phản ánh.
Hiện tại, chính sách thuế trên TTCK được quy định trong 2 văn bản chính, đều đã được ban hành từ cách đây nhiều năm (Thông tư 100/2004/TT-BTC và Thông tư 72/2006/TT-BTC). Bên cạnh đó là một số công văn hướng dẫn cách xử lý thuế theo kiểu sự vụ để giải quyết những điểm phát sinh trong thực tế hoạt động của các thành viên thị trường. Trên nền bộ chính sách thuế đã quá cũ như vậy, những bất cập và khả năng không bao quát hết nhiều nghiệp vụ mới của cách thu thuế hiện thời là hiện hữu, đòi hỏi sự cải cách toàn diện để phù hợp với tình hình mới.
Dự thảo Thông tư về thuế lần này xem xét lại thuế đối với các đối tượng chính: CTCK, công ty quản lý quỹ, ngân hàng lưu ký; tổ chức cá nhân trong nước và nước ngoài đầu tư chứng khoán tại Việt Nam, quỹ đầu tư chứng khoán, quỹ đầu tư bất động sản. Trong các chủ thể trên, thuế đối với nhà đầu tư vào quỹ và thuế đối với nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào chứng khoán tại Việt Nam, là 2 câu chuyện thu hút sự chú ý lớn nhất.
Sự chú ý là bởi các công ty quản lý quỹ hiện đứng trước nguy cơ không huy động được vốn để lập quỹ mới, còn dòng vốn đầu tư vào Việt Nam từ nước ngoài cũng đứng trước nguy cơ suy giảm, khi mức độ hấp dẫn dòng vốn ngoại chảy vào các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, thấp hơn nhiều so với Trung Quốc và Ấn Độ. Nghiên cứu của Công ty Quản lý quỹ Mekong Capital cho biết, với các khoản đầu tư đã thoái vốn, tỷ lệ hoàn vốn tại Ấn Độ là 2,6 lần, tại Trung Quốc là 2,7 lần, trong khi tại khu vực Đông Nam Á chỉ có 1,6 lần. Nếu nhà quản lý không sớm có giải pháp tăng tính hấp dẫn của môi trường đầu tư chứng khoán tại Việt Nam, thì có nguy cơ các quỹ đầu tư, nhất là quỹ đầu tư tư nhân sẽ chọn các thị trường khác, chứ không dành cơ hội rót vốn cho DN Việt Nam.
Một vấn đề khác, chưa từng được đề cập trong các văn bản hiện hành là khi quỹ đầu tư giải thể, việc xử lý thuế đối với các khoản nhận được từ quỹ của các nhà đầu tư sẽ như thế nào? Vấn đề này thu hút được sự quan tâm của nhiều thành viên khi mà thời hạn đóng quỹ của đa số quỹ đang hoạt động tại Việt Nam đang đến gần.
Với thái độ cầu thị từ Bộ Tài chính, UBCK, chính sách thuế được sửa đổi lần này hy vọng sẽ giải tỏa hết những nút thắt, những bất cập để làm điểm tựa cho những nỗ lực huy động vốn chảy vào TTCK Việt Nam của các thành viên thị trường.
Theo Người quan sát
ĐTCK