Bộ Thương mại Mỹ đã chính thức đăng thông báo về việc thay đổi phương pháp tính toán biên độ phá giá cho hàng hóa nhập từ Trung Quốc và Việt Nam.
Theo quy định mới này, trong quá trình tính toán biên độ phá giá, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) sẽ thay đổi cách tính để giảm giá xuất khẩu (export price "EP") hoặc giá xuất khẩu tính toán (constructed export price "CEP") của hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam và Trung Quốc (các nước bị Mỹ coi là có nền kinh tế phi thị trường - NME). Sự thay đổi này có thể dẫn đến biên độ phá giá cao hơn cho các hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam và Trung Quốc.
Trước đó, ngày 26/8/2010, Bộ Thương mại Mỹ đã thông báo một số đề xuất để tăng cường công tác thực thi Luật Thương mại và hỗ trợ cạnh tranh cho các doanh nghiệp Mỹ nhằm thực thi Sáng kiến xuất khẩu quốc gia của Tổng thống Obama.
Theo đó, DOC đã tiến hành khảo sát thực tiễn công tác phòng vệ thương mại nhằm xác định cách thức mà DOC có thể thực hiện để nâng cao hiệu quả thực thi các công cụ hiện hành thông qua những thay đổi luật pháp và thủ tục hành chính. Trên cơ sở xem xét này, DOC đã đưa ra 14 đề xuất nhằm tăng cường việc thi hành pháp luật về chống bán phá giá và chống trợ cấp của Mỹ. Quy định mới trên là Đề xuất thứ 6 trong 14 đề xuất nêu trên.
Những sửa đổi quy định và thông lệ mới của DOC có thể dẫn đến kết quả thuế chống bán phá giá áp dụng cho hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam và Trung Quốc vào Mỹ sẽ cao hơn.
Điều đáng lưu ý là phạm vi áp dụng của quyết định mới này sẽ không chỉ áp dụng cho các vụ điều tra trong tương lai mà còn áp dụng cho cuộc rà soát lại thuế chống bán phá giá theo thủ tục hành chính hàng năm liên quan đến hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc hoặc Việt Nam được khởi xướng sau ngày 19/6.
Vì vậy, các cuộc rà soát thuế chống bán phá giá theo thủ tục hành chính hàng năm (POR) được khởi xướng sau ngày 19/6/2012 đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam như cá tra-basa, tôm, túi PE…cũng sẽ chịu sự điều chỉnh của quy định mới này.
<
>
Bán phá giá là khái niệm cơ bản của thương mại quốc tế để chỉ việc bán các sản phẩm vào một thị trường với mức giá thấp hơn giá thành sản xuất nhằm mục đích cạnh tranh với các sản phẩm trong nước. |
Nguồn DVT<
> <>