Các DN CNTT trên địa bàn TPHCM đã đề nghị UBND TPHCM và các ban ngành tháo gỡ những khó khăn trong cuộc gặp ngày 27.6 tại Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC). Trong đó, những vấn đề “nóng” nhất là thuế, vốn vay và chính sách ưu đãi để DN phát triển sản xuất, kinh doanh.<
Các doanh nghiệp trình bày khó khăn. Ảnh: P.K
10% thuế VAT đè nặng ngành số hóa
Ông Frank Schellenberg - Tổng GĐ Cty GHP - phàn nàn, từ tháng 3.2012 DN này phải trả thêm khoản thuế giá trị gia tăng (VAT) 10% cho dịch vụ số hóa dữ liệu. Theo ông, hiện VN đang đứng ngoài tốp 20 quốc gia lĩnh vực BPO (dịch vụ thuê ngoài). Muốn lọt vào tốp 3 sau Trung Quốc, Ấn Độ, thì việc tăng mức thuế 10% VAT khiến doanh nghiệp tại VN không có cơ hội cạnh tranh. Ông Schellenberg cho biết: “Chúng tôi đã ký hợp đồng với các khách hàng trước khi quy định này có hiệu lực, giờ bắt chúng tôi đóng 10% VAT khiến chúng tôi rơi vào khó khăn”. Đồng cảm, ông Lê Thái Hỷ - GĐ Sở TTTT TPHCM - cho rằng, Luật CNTT quy định ưu đãi cho các DN phần mềm và nội dung số, vì thế đề nghị Bộ Tài chính bất hồi tố về vấn đề này, hoặc ít nhất thì khung thuế cũng chỉ từ 0-5% để khuyến khích DN.
< >"Để tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi khó lắm. Tôi có người nhà muốn vay cũng không qua nổi, phải có cái gì đó. Việc này phải chấn chỉnh thôi".< >Ông Lê Mạnh Hà - Phó Chủ tịch UBND TPHCM |
Cũng bức xúc về khoản thuế VAT 10% đối với ngành số hóa dữ liệu, đại diện Cty TNHH Cad NetWork chuyên gia công các bản vẽ thiết kế băn khoăn: “Công việc của chúng tôi không biết xếp vào lĩnh vực nào, có phải là số hóa dữ liệu hay không. Chúng tôi cần biết để thông báo cho khách hàng về khoản thuế VAT 10%”.
Kêu về vốn vay
Vốn là vấn đề lớn mà nhiều DN đã “kêu” trong cuộc gặp với lãnh đạo UBND TPHCM. Theo Cty giáo dục Song Ngữ đóng tại QTSC, hiện dự án xây dựng nhà trẻ của DN này đang đình trệ chỉ vì thiếu vốn. “Chúng tôi chỉ đóng tiền thuê đất từng năm một vì thế không thể mang đi thế chấp để vay vốn ngân hàng. Dự án của chúng tôi đúng ra được hưởng lãi suất vay ưu đãi đối với DN trong khu công nghệ cao, nhưng cách đây một tháng chúng tôi đã phải vay với lãi suất đến 18,5%/năm thay vì 13,5%/năm”. Trên thực tế, TPHCM đang có chương trình hỗ trợ lãi suất theo Quyết định 33, nhưng không phải DN nào cũng tiếp cận được nguồn vốn này. Nghe trường hợp khó khăn của Cty Song Ngữ, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Mạnh Hà đã chỉ đạo tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho DN CNTT kết hợp với các ban ngành hỗ trợ, hướng dẫn trực tiếp để tìm nguồn vốn vay, đồng thời đưa dự án vào danh sách cần vay vốn ưu đãi để chuyển cho Ngân hàng Nhà nước TPHCM hỗ trợ.
Trong khi đó, theo Cty HPT, DN này có dự án trong Khu công nghệ cao TPHCM đáng ra được vay vốn ưu đãi, nhưng đến nay tại đây cũng mới chỉ có một DN làm thủ tục và vẫn chưa được giải quyết vay. Theo đại diện HPT, tiêu chí hỗ trợ DN vừa và nhỏ năm nay khắt khe hơn so với năm 2009 khiến nhiều DN khó tìm được ưu đãi trong lúc khó khăn. Cụ thể là, DN phải có dưới 100 lao động thay vì có dưới 300 lao động như trước đây. Phó Chủ tịch Lê Mạnh Hà nghe các DN trình bày đã có ý kiến rằng, thành phố và trung ương mở ra nhiều chương trình hỗ trợ, trong đó có cả các quỹ cho vay ưu đãi song thông tin chưa đến được DN. Ông chỉ đạo tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho DN tập hợp các thông tin đó lại. “Chúng ta phải mang thông tin đến cho DN chứ không phải chờ DN đến xin, như vậy là không đúng đâu” - ông nói.
Thẩm Hồng Thụy