Quốc hội đã “bác” đề nghị giảm 50% thuế GTGT mà Chính phủ trình trước đó.< >
Chiều 21/6, trong phiên bế mạc Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIII, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc ban hành một số chính sách thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho tổ chức và cá nhân, với 95,79% tổng số đại biểu bỏ phiếu tán thành. Tuy nhiên, Quốc hội đã “bác” đề nghị giảm 50% thuế GTGT mà Chính phủ trình trước đó.
Trước đó, khi Chính phủ có tờ trình đề nghị giảm 30% số thuế TNDN phải nộp năm 2012 cho một số đối tượng, đã có ý kiến đề nghị mở rộng diện được giảm thuế. Trong báo cáo giải trình tiếp thu, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, đề xuất này dựa trên cơ sở phân tích, đánh giá các tiêu chí về doanh thu, thu nhập, tỷ lệ phá sản, giải thể… của các DN trong thời gian qua. Theo đó, khó khăn hiện nay chủ yếu tập trung ở khối DN nhỏ và vừa, DN sử dụng nhiều lao động hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, dệt may, da giày... Nhiều DN hoạt động trong các lĩnh vực khác, kể cả DN nhỏ và vừa trong lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm, xổ số, bất động sản…, mặc dù có gặp khó khăn, song chưa tới mức cần hỗ trợ cấp bách. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ phạm vi giảm thuế như Dự thảo Nghị quyết.
Về đề nghị của Chính phủ miễn thuế khoán thuế GTGT, thuế TNCN và thuế TNDN trong năm 2012 đối với hộ, cá nhân kinh doanh nhà trọ, phòng trọ cho thuê đối với công nhân, người lao động, sinh viên, học sinh... với điều kiện giữ ổn định mức giá cho thuê nhà trọ, phòng trọ... như cuối năm 2011, một số ý kiến cho rằng, không nên miễn vì khó kiểm soát việc tổ chức thực hiện.
Ông Hiển giải trình, tại thời điểm hiện nay, việc áp dụng chính sách miễn thuế khoán thuế GTGT, thuế TNCN và thuế TNDN đối với các đối tượng nêu trên là hợp lý vì: Thứ nhất, hiện nay đời sống công nhân, sinh viên, học sinh đang gặp nhiều khó khăn do tác động bởi giá cả tăng cao. Bên cạnh các biện pháp hỗ trợ trực tiếp thì việc hỗ trợ gián tiếp thông qua công cụ thuế là cần thiết. Thứ hai, thực tế áp dụng giải pháp giảm thuế khoán trên một số địa bàn (TP. HCM, TP. Hà Nội...) trong năm 2011 cho thấy, việc kết hợp chính sách hỗ trợ với tăng cường các biện pháp quản lý của địa phương, các biện pháp tuyên truyền, phổ biến chính sách, sự vào cuộc của các tổ chức chính trị xã hội… đã đạt được kết quả khả quan.
Ông Hiển cho biết, tiếp thu ý kiến các đại biểu và của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ cần có biện pháp kiểm soát hữu hiệu, có chế tài đủ mạnh để chính sách hỗ trợ này đến được với người lao động, học sinh, sinh viên.
Về đề nghị miễn thuế TNCN đối với cá nhân có thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công và từ kinh doanh đến mức phải chịu thuế TNCN ở bậc 1 trong 6 tháng cuối năm 2012 đã có nhiều ý kiến khác nhau. Ông Hiển cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lấy phiếu xin ý kiến các đại biểu Quốc hội, theo kết quả kiểm phiếu đã có 306/361 (chiếm 84,76%) ý kiến tán thành. Từ kết quả trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị miễn thuế TNCN ở bậc 1 trong 6 tháng cuối năm 2012.
Về đề nghị giảm 50% thuế GTGT, một số ý kiến đề nghị giảm 50% thuế GTGT đối với một số hàng hóa thiết yếu, thậm chí đề nghị giảm 50% thuế GTGT đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị Quốc hội cho phép không bổ sung giải pháp này vào Nghị quyết. Lý do được ông Hiển đưa ra là việc giảm thuế GTGT không đồng nghĩa với việc DN sẽ giảm giá bán hàng hóa, do không có cơ chế kiểm soát việc thực hiện; khó đạt được mục tiêu kích cầu tiêu dùng; hơn nữa, nếu giảm 50% thuế GTGT sẽ gây hụt thu cho ngân sách nhà nước, trong khi chưa có phương án bù đắp khoản hụt thu này.
(ĐTCK) Minh Nhật
<>
|