>
Mạnh Bôn<
> <>
(baodautu.vn) Trong khi nhiều doanh nghiệp phấn khởi trước sự chia sẻ của Bộ Tài chính trong việc gia hạn hoặc miễn giảm thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế thu nhập doanh nghiệp, thì các cơ quan báo chí lại một lần nữa cảm nhận bị phân biệt đối xử về chính sách thuế.<
> <><
>Theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, những đối tượng thuộc sự điều chỉnh của Nghị quyết 13/NQ-CP của Chính phủ, gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa (trừ doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, chứng khoán, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm...) và doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động trong một số lĩnh vực. Các doanh nghiệp này được giảm tổng cộng 4.050 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp, được gia hạn 4.100 tỷ đồng thuế VAT phải nộp trong tháng 4, 5 và tháng 6/2012, đồng thời được gia hạn thuế thu nhập doanh nghiệp nợ đọng thêm 9 tháng, với tổng số tiền 3.500 tỷ đồng. Ngoài ra, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ và sản xuất được giảm 50% tiền thuê đất năm 2012, với tổng số tiền khoảng 1.500 tỷ đồng.<
>Thế nhưng, các cơ quan báo chí do là đơn vị sự nghiệp, nên theo quy định tại Thông tư 83/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính không thuộc đối tượng được hưởng các ưu đãi nói trên. Trong khi đó, các cơ quan báo chí tự chủ về tài chính dù với tên gọi là đơn vị sự nghiệp nhưng cũng phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT như các doanh nghiệp, thậm chí với mức thuế suất cao nhất (đối với thuế thu nhập doanh nghiệp là 25%). Chính vì vậy, câu hỏi đặt ra là vì sao các cơ quan báo chí có quy mô nhỏ và vừa lại không được hưởng ưu đãi như doanh nghiệp nhỏ và vừa?
Không phải bây giờ, báo chí mới lên tiếng về sự đối xử bất bình đẳng này. Ngay từ khi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp được thông qua (ngày 3/6/2008) đến nay, rất nhiều lần, báo chí đã lên tiếng về sự đối xử bất bình đẳng và sự hiểu sai về Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Cụ thể, theo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, lĩnh vực văn hoá được hưởng thuế suất ưu đãi 10%, nhưng trên thực tế, các cơ quan báo chí vẫn phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, như kinh doanh nhà hàng, vũ trường, dịch vụ giải trí, sản xuất, thương mại... với mức thuế suất 25%. Thậm chí trước khi có Thông tư 150/2010/TT-BTC, các cơ quan báo chí phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cao hơn doanh nghiệp do không được hạch toán toàn bộ tiền lương vào chi phí trước khi xác định thu nhập chịu thuế.
Ngày 12/6 tới, Bộ Tài chính sẽ trình Quốc hội giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cá nhân trong năm 2012. Đây là việc cần thiết nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Trong khi nhiều cơ quan báo chí đang gặp khó khăn về tài chính tương tự như doanh nghiệp, thì việc Bộ Tài chính đối xử bình đẳng, xếp báo chí vào diện được hưởng ưu đãi về thuế chí ít như doanh nghiệp là rất xác đáng. Đó cũng là hành động thiết thực, góp phần hỗ trợ báo chí vượt qua khó khăn thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của mình với tư cách là vũ khí của Đảng và Nhà nước trên mặt trận tư tưởng.
<> <>
<
>
<
> <> <>