>Số lượng hồ sơ hoàn thuế thu nhập cá nhân năm 2011 tăng đột biến. Chỉ trong bốn tháng đầu năm 2012, Cục Thuế TP.HCM đã nhận hơn 7.000 hồ sơ đề nghị hoàn thuế, gấp đôi so với cả năm trước.<
> <>
Khổ nhất là những giáo viên, công nhân thu nhập ít ỏi nhưng vẫn bị khấu trừ, cuối năm phải vất vả đi hoàn thuế.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà cho biết ngày 28-3 bà đã nộp hồ sơ hoàn thuế tại Chi cục Thuế quận 1, TP.HCM. Cán bộ thuế thông báo hồ sơ đã đầy đủ và lập biên bản làm việc ghi nhận. Những năm trước, sau khi lập biên bản làm việc từ 1-2 tuần bà sẽ nhận được giấy báo đến nhận tiền tại kho bạc.
Hành đủ kiểu
4.000 chữ ký mỗi ngày! Ông Nguyễn Trọng Hạnh, cục phó Cục Thuế TP.HCM, cho biết vừa qua thử đếm sơ sơ mỗi ngày, riêng hoàn thuế thu nhập cá nhân (TNCN) ông phải ký đến 4.000 chữ ký. Mỗi hồ sơ hoàn thuế dù số tiền ít hay nhiều ông cũng phải ký 16 chữ ký (nếu hoàn tiền mặt), nếu nhận chuyển khoản phải ký đến 12 chữ ký. Năm nay phần lớn số tiền hoàn thuế rất nhỏ, có hồ sơ chỉ hơn 100.000 đồng. Ông Hạnh cho biết theo quy định thời gian hoàn thuế TNCN là 15 ngày. Tuy nhiên, trong quý 1-2012 số lượng hồ sơ hoàn thuế TNCN tăng đột biến, do đó thời gian giải quyết hồ sơ trên thực tế sẽ chậm hơn. Cục Thuế đang huy động lực lượng để cố gắng giải quyết các hồ sơ tồn đọng trong thời gian nhanh nhất. |
Tuy nhiên đến nay đã hai tháng bà Hà vẫn chưa nhận được thông báo hoàn thuế. Sốt ruột, bà điện thoại hỏi cán bộ thuế thì nhận được trả lời do thay đổi lãnh đạo. Ngày 22-5 bà hỏi tiếp thì nhân viên thuế trả lời người phụ trách hồ sơ đã chuyển sang bộ phận khác và yêu cầu tiếp tục chờ đợi. “Chẳng lẽ thay đổi lãnh đạo hay nhân viên của một bộ phận mà ngâm hồ sơ người dân đến hai tháng hay sao?” - bà Hà bức xúc.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Hà (Q.3) dạy môn tiếng Anh tại Trường THPT Đa Phước, Bình Chánh cho biết ngoài công việc giảng dạy, bà còn cộng tác với một số tờ báo để tăng thu nhập. Tháng 2-2012 bà Hà đến Chi cục Thuế Bình Chánh làm hồ sơ hoàn 185.000 đồng tiền nhuận bút. Trong chứng từ khấu trừ thuế, cơ quan chi trả đã ghi tên, mã số thuế và số chứng minh nhân dân.
Thế nhưng, nhân viên nhận hồ sơ nhất định yêu cầu bà phải quay về quận 3 để yêu cầu nơi chi trả phải ghi thêm địa chỉ và số điện thoại liên hệ của bà vào chứng từ khấu trừ. Lời qua tiếng lại, cuối cùng phải cán bộ cấp cao hơn nói “thôi kệ, chỉ có trăm mấy, giải quyết giùm người ta đi” thì nhân viên thuế mới nhận hồ sơ của bà. Nhân dịp cơ quan thuế tổ chức lắng nghe ý kiến, bà yêu cầu cần xử lý nghiêm khắc những nhân viên thuế quan liêu để dân bớt bị hành.
Chịu mất tiền thưởng tết
Đại diện Công ty May Sài Gòn phản ảnh: lao động trong ngành may thường không ổn định. Thu nhập các tháng trong năm của những lao động này không đến mức phải chịu thuế. Riêng tháng 12 do có tiền thưởng tết nên những lao động này bị khấu trừ thuế thu nhập cá nhân và cuối năm phải tự đi hoàn thuế. Ngại đi lại nhiều lần nhiều người đã bỏ.
“Công ty sẵn sàng quyết toán thay cho họ nhưng cơ quan thuế không chịu. Tôi kiến nghị sửa đổi quy định về khấu trừ thuế theo hướng không tạm khấu trừ thuế vào lương tháng 12 với những lao động mà thu nhập bình quân trong năm không đến mức phải chịu thuế. Trường hợp khấu trừ thì cho phép cơ quan chi trả quyết toán thuế hộ để giảm phiền hà cho người lao động” - đại diện công ty nói. Kế toán Công ty Nissan cũng cho biết số lao động bị khấu trừ thuế vào tiền lương tháng 12 tại công ty rất lớn. Họ chịu mất luôn số tiền này do muốn đi hoàn thuế phải xin nghỉ làm, bị trừ lương, trong khi không bao giờ đi một lần mà xong thủ tục hoàn thuế.
Một giáo viên tại quận Gò Vấp cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Cô giáo này cho biết thu nhập tháng 12 đội lên rất cao do còn có tiền thưởng, tiền thi đua..., tính chung lại cô bị khấu trừ thuế 900.000 đồng. Số tiền này chắc chắn sẽ được hoàn lại do thu nhập các tháng trong năm không đến mức chịu thuế, nhưng ngặt nỗi hiệu trưởng nhà trường lý luận “thuế thu nhập cá nhân” thì cá nhân phải tự quyết toán, nhà trường không làm thay. Nhiều người tiếc tiền nhưng nghĩ không bõ công đi lại nên chịu mất luôn tiền hoàn thuế. “Sao không tính tổng thu nhập trong năm xem có đến mức khấu trừ không rồi mới thu thuế. Như vậy cơ quan thuế và người nộp thuế đều khỏe” - giáo viên này nói.
Cơ quan thuế tính kỹ Một chuyên gia thuế cho biết một trong những nguyên nhân dẫn đến quá tải hồ sơ hoàn thuế bắt nguồn từ quy định mức khấu trừ thấp và tỉ lệ khấu trừ quá cao. Trước đây cứ mỗi khoản thu nhập từ 500.000 đồng (hiện nay là 1 triệu đồng) người lao động vãng lai bị trừ 10% (nếu có mã số thuế) hoặc 20% nếu không có mã số thuế. Trong khi đó đa số lao động vãng lai có thu nhập thấp và không thường xuyên. Ông này kiến nghị chỉ nên áp dụng mức thu 5% thu nhập với lao động vãng lai. Nếu chẳng may những đối tượng này không quyết toán để nộp thêm thì cũng chỉ “lọt sàng xuống nia”, chẳng đáng là bao. Đằng này lúc nào cơ quan thuế cũng trong tâm lý nghi ngờ sót thuế nên bắt người nộp thuế đóng trước cho chắc ăn. Hậu quả là người lao động bị chiếm dụng tiền thuế một năm, cuối năm lại phải quyết toán, mất thời gian, công sức mà không tạo ra giá trị gia tăng nào cho xã hội. Mặt khác, số thu ngân sách trong năm không thật, do cuối năm lại phải dành ra số tiền rất lớn để đầu năm hoàn thuế. |
Theo Ánh Hồng
Tuổi trẻ
<>