< >Với hàng trăm ngàn khách hàng mỗi ngày mua xăng dầu và hầu hết không lấy hóa đơn, các cửa hàng xăng dầu vẫn có thể trốn thuế.< > <> Nhất là mỗi khi nhà nước tăng giá xăng dầu mà cơ quan thuế chưa kịp đi kiểm tra kho thực tế, chốt hóa đơn, so sánh tồn kho thực tế và lượng tồn kho theo sổ sách để phát hiện gian lận… Thông thường, hàng ngày hàng trăm, hàng nghìn người đi mua xăng dầu đổ vào xe máy tại các cửa hàng xăng dầu mà không ai lấy hóa đơn. Cũng có những người đi ô tô thỉnh thoảng vào lấy hóa đơn, nhưng hóa đơn ghi không trung thực số xăng dầu bán, hoặc mua, xin hóa đơn khống về để hợp thức hóa chi phí tính thuế. Các lái xe ô tô thường mua xăng rồi thỉnh thoảng vào viết hóa đơn vài triệu đồng về để tăng chi phí khấu trừ cho doanh nghiệp của mình. Khi khách hàng mua xăng dầu mà không lấy hóa đơn thì chắc chắn doanh thu bán hàng làm cơ sở tính thuế không còn chính xác. Việc cho hóa đơn, bán hóa đơn khống cũng tạo điều kiện cho doanh nghiệp trốn thuế. Hiện nay trên địa bàn thành phố Vinh có hơn 20 cửa hàng kinh doanh xăng dầu, tập trung tại các cửa ngõ ra vào thành phố và hằng ngày tập trung lượng khách mua dùng cho các phương tiện đi lại với khối lượng rất lớn, nhất là giờ cao điểm. Ở các huyện, thị xã cũng có mỗi huyện, thị trên dưới chục cửa hàng xăng dầu. Lượng xăng dầu tiêu thụ mỗi năm tuy chưa có thống kê chính xác nhưng với số lượng xe máy, xe ô tô tăng lên đột biến như những năm vừa qua, ít nhất cũng đạt trên 400.000 m3/ năm (năm 2006 là 260.000m3/ năm). Chính sách khuyến khích thương nhân kinh doanh xăng dầu ở miền núi được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 - 5 năm đầu đã khiến cho thị trường xăng dầu ở địa bàn tỉnh phong phú hơn, đáp ứng nhu cầu thiết thực của người dân hơn. Nhưng số lượng xăng dầu càng tiêu thụ lớn càng bộc lộ sự thất thu thuế gía trị gia tăng trong kinh doanh xăng dầu do người tiêu dùng không lấy hóa đơn. Một lý do thất thu thuế VAT nữa, đó là mỗi khi nhà nước tăng giá xăng dầu, nếu cơ quan thuế không kịp thời đi kiểm tra thực tế kho, so sánh hàng tồn kho thực tế và lượng tồn kho theo sổ sách để có cơ sở tính thuế theo giá mới thì cũng thất thu về thuế. Ví dụ: giá xăng tăng lên 500 đồng/ lít nhưng sau hai ngày mới đi kiểm tra, chốt hóa đơn thì cũng đã thất thu về thuế. Hơn nữa gọi là “chốt” hóa đơn nhưng đâu có hóa đơn mà chốt !. Vì vậy, các cơ quan thuế cần có giải pháp kiểm tra được lượng xăng dầu bán ra của từng cửa hàng trong ngày, xác định được tỷ lệ bán lẻ của công ty xăng dầu trên cùng địa bàn, nếu thấp hơn thì tổ chức kiểm tra, giám sát để tính được thuế đúng, đủ. Các ngành liên quan như Sở KH và CN, Chi cục Quản lý thị trường, Công an... và cơ quan thuế cần phối hợp chặt chẽ với nhau hơn để kiểm tra kẹp chì, chíp điện tử… nhằm chống gian lận, trốn thuế. Theo Trân Châu Báo Nghệ An <> |