>
(baodautu.vn) Nhiều doanh nghiệp da giày, dệt may cho biết, điều họ cần nhất trong thời điểm này là được giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) để kích cầu tiêu dùng nội địa.<
> <>
Theo ông Nguyễn Văn Khánh, Tổng thư ký Hội Da giày TP.HCM, với ngành da giày, việc giãn, giảm thuế không có mấy ý nghĩa, bởi đơn hàng của phần lớn doanh nghiệp da giày đã giảm 30 – 40%, nên sẽ đóng thuế thu nhập doanh nghiệp không nhiều. “Chúng tôi sẽ làm việc với các doanh nghiệp để lắng nghe những đề xuất, kiến nghị cụ thể của họ liên quan đến gói cứu trợ này”, ông Khánh nói.
Ông Nguyễn Đăng Chúc, Tổng giám đốc Công ty Dệt may Thiên Nam cho biết, dệt may là lĩnh vực giải quyết nhiều việc làm, đáng ra phải được quan tâm nhiều hơn, nhưng phần lớn doanh nghiệp vẫn phải tự bươn chải. “Nếu Chính phủ áp dụng chính sách như năm 2008, theo đó, giảm thuế VAT từ 10% xuống còn 5% thì sẽ thiết thực hơn đối với doanh nghiệp. Từ thực tế năm 2008, chúng tôi chỉ mong được hỗ trợ giảm thuế VAT xuống còn 5%, chứ không cần hỗ trợ khác. Bởi lẽ, trước mắt, khi được giảm thuế VAT, chúng tôi mới hy vọng làm ăn có lãi”, ông Chúc đề nghị.
Đồng quan điểm với ông Chúc, ông Lê Tiến Trường, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho rằng, việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp chưa có nhiều tác dụng và chưa thực sự là “phao” đối với doanh nghiệp tại thời điểm này, bởi không phải doanh nghiệp nào cũng làm ăn có lãi để tận dụng việc giảm thuế thu nhập. Trong khi đó, theo ông Trường, việc giãn thuế VAT thêm 6 tháng, doanh nghiệp sẽ có chút lợi về luân chuyển dòng vốn, do có thể chiếm dụng vốn thêm một thời gian ngắn để dồn vào hoạt động sản xuất kinh doanh, song trong bối cảnh cầu của thị trường quá thấp và chưa có dấu hiệu khởi sắc hiện nay, việc đổ vốn vào sản xuất hàng hóa mà đầu ra thu hẹp có thể lại tạo thêm nguy cơ cho doanh nghiệp.
Qua trao đổi, rất nhiều doanh nghiệp dệt may cho biết, điều họ cần nhất trong thời điểm này là được giảm thuế VAT để kích cầu tiêu dùng nội địa. Như thế, không chỉ hàng hóa sản xuất có cơ hội tiêu thụ, mà doanh nghiệp còn giải phóng được hàng tồn kho. Khi đó, người tiêu dùng được hưởng lợi do giá mua thấp hơn, còn doanh nghiệp lại bán được hàng và Nhà nước cũng có thêm nguồn thu từ thuế.
Ở một khía cạnh khác, theo bà Đặng Phương Dung, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), doanh nghiệp vẫn rất khó tiếp cận vốn vay ngân hàng và lãi suất còn cao. “Hiện tại, dẫu thị trường nội địa gặp khó trong tiêu thụ, nhưng phần lớn doanh nghiệp dệt may vẫn có khách hàng, vẫn có thị trường xuất khẩu. Do vậy, nên có giải pháp nào đó hỗ trợ những doanh nghiệp có thị trường, có khách hàng”, bà Dung đề nghị và cho rằng, nếu chậm trễ, sau khi đã bị giành mất đơn hàng, mất thị trường, doanh nghiệp Việt Nam rất khó có thể giành lại được thị trường để phát triển.
Trên thực tế, các yếu tố đầu vào tăng mạnh thời gian qua đã khiến nguyên phụ liệu trong nước có giá cao hơn nguyên phụ liệu nhập khẩu, nên từ đầu năm đến nay, nhiều chủ hàng nhập khẩu hàng may mặc đã chuyển nguyên liệu sang cho doanh nghiệp Việt Nam gia công, thay vì sử dụng nguyên phụ liệu sản xuất tại Việt Nam.
Thực tế đó khiến các đơn vị sản xuất nguyên phụ liệu trong nước không bán được hàng, trong khi các doanh nghiệp dệt may buộc phải quay trở lại với phương thức gia công đơn thuần mà họ đã nỗ lực trút bỏ trong nhiều năm qua.
Bởi vậy, ngoài mong muốn được giảm thuế VAT đối với những đơn vị kinh doanh nội địa, thì việc kéo lãi suất về mặt bằng thấp hơn hiện tại được xem là “phao cứu sinh” và cú hích thật sự với doanh nghiệp trong thời điểm này.
<> <> <> <> <> <> <>
<
> <> <>