id="pageHeader">
(VEF.VN) - TS Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc Công ty Năng lượng sông Hồng bày tỏ, giảm thuế không cứu nổi ngành than. Qua đây cho thấy, mô hình tăng trưởng dựa chủ yếu vào xuất khẩu than đang ngày càng cho thấy những sai lầm. Từ đây, việc Tái cơ cấu Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam là việc cần phải làm quyết liệt và sớm.
<> <>
<<> <>>
>Thưa ông, Tập đoàn Than- Khoáng sản Việt Nam đã xin giảm thuế xuất khẩu than từ 20% xuống 0% để tránh nguy cơ mất cân đối tài chính. Là chuyên gia trong ngành, ông nhìn nhận thế nào về việc này?
TS Nguyễn Thanh Sơn: Than là tài nguyên khoáng sản đã được nhà nước giao (không thu phí) cho TKV khai thác. Như vậy, trong giá thành sản phẩm than TKV đã không phải chi cho khoản mục "nguyên liệu chính", thường chiếm tới 30-50% trong cơ cấu giá thành của các sản phẩm nói chung. Thuế tài nguyên của Việt Nam chưa tính đến yếu tố này nên còn rất thấp, thu ngân sách nhờ "tô" tài nguyên hầu như không đáng kể. Nay, nếu giảm cả thuế xuất khẩu than xuống 0% nữa thì than đâu còn là tài nguyên chung nữa.
TKV lý giải việc xin giảm thuế chỉ là xin Chính phủ hỗ trợ tạm thời trong điều kiện thị trường tiêu thụ chậm, tồn kho quá cao, giá xuất khẩu xuống quá thấp, lại phải bù tới 8.500 tỷ đồng cho điện. Khó khăn đó liệu có thể là lý do chính đáng?
- Từ khi thành lập đến nay, TKV là một doanh nghiệp nhưng chưa thực sự hoạt động theo cơ chế thị trường. Khi giá xuất khẩu than lên cao thì chẳng thấy ai "kêu" mà chỉ thấy "khoe" thành tích "tăng trưởng", "về đích" v.v... Thị trường than trong nước tương đối ổn định, nhu cầu than trong nước tỷ lệ thuận với sự phát triển của nền kinh tế. Vì vậy, gần đây tiêu thụ trong nước "chậm" là đúng, nhưng đấy không phải là nguyên nhân thực sự dẫn đến khó khăn của TKV hiện nay.
Tình hình khó khăn của TKV hiện nay theo tôi đánh giá có 3 nguyên nhân chủ yếu.
Thứ nhất, đó là chất lượng sản phẩm than đã và đang ngày càng xấu. Có tới hơn 45% chủng loại than của TKV làm ra hiện nay chỉ đạt "tiêu chuẩn ngành" và "tiêu chuẩn cơ sở". Thị trường trong nước hiện vẫn đang rất cần than tốt (tiêu chuẩn Nhà nước) mà TKV không có để bán. Hiện nay, lượng than tồn kho lên tới 7 triệu tấn chủ yếu là than chất lượng kém.
Thứ hai, đó là mô hình tăng trưởng dựa chủ yếu vào xuất khẩu than đang ngày càng tỏ ra là một sai lầm. Nếu ai đó còn cho rằng phải duy trì xuất khẩu than để phát triển TKV thì đó là một sai lầm.
Thứ ba, đó là các "lỗ thủng"- bất cập trong quản lý của TKV ngày một to và ngày một rõ. Số lượng than bị thất thoát (buôn lậu, gian lận thương mại) qua biên giới vẫn giữ mức kỷ lục vài triệu tấn một năm (chỉ tính riêng 2011 khoảng 4-5 triệu tấn). Lợi nhuận trước thuế của các mỏ than trong kế hoạch 2012 của TKV cũng đã bị giảm sút mạnh so với năm trước.
Tài chính cho phá1t triển Tập đoàn và công ăn việc làm cho người lao động không thể đảm bảo được bằng một cơ cấu sản phẩm tồi, một thị trường tiêu điểm sai lầm, và bằng một kế hoạch phối hợp kinh doanh theo kiểu xin - cho.
Giá bán than tăng cho điện theo lộ trình thường rất khiêm tốn,không đủ bù đắp chi phí, xuất khẩu sẽ phải giảm dần, trong khi đó, TKV vẫn cần tiền để hoạt động và đầu tư?
Đối với nhà nước, cho giảm thuế bao giờ cũng là hạ sách. Tôi sẵn sàng đánh cược với HĐTV của TKV: dù có giảm thuế xuất khẩu xuống 0% thì trong 5-10 năm tới ngành than Việt Nam vẫn tiếp tục xuống dốc nếu vẫn cách làm kém hiệu quả. Giảm thuế xuất khẩu không thể "cứu" được ngành than, có chăng chỉ cứu được thành tích nhiệm kỳ.
Chỉ có tái cơ cấu thực sự theo kiểu "thay máu" mới có thể "đảm bảo tài chính" cho phát triển và "công ăn việc làm" cho người lao động. Việc tái cơ cấu TKV tuy đã bị muộn, nhưng cần tư duy khoa học, nhận thức đánh giá khách quan và hành động quyết liệt, công tâm.
<