Vụ truy thu thuế ôtô nhập khẩu: Làm cho ra nhẽ

05/11/2018

Trong bối cảnh thị trường ôtô cũng như diễn biến của ngành CN ôtô chưa có gì hấp dẫn, dư luận tập trung vào việc quyết định truy thu thuế đối với các loại xe Kia Morning và Matiz, được nhiều DN nhập khẩu về VN, khai báo là xe tải Van. Tại sao dư luận lại quan tâm nhiều đến vậy dù số lượng xe nhập khẩu về không nhiều ? Và cũng không phải tất cả các DN nhập khẩu đều nhập các mẫu xe này về ? Có nhiều lý do, nhưng quan trọng nhất là mức thuế áp dụng giữa xe tải Van và xe chở người dưới 5 chỗ chênh lệch lớn.<

>

Thực tế, chuyện nhập khẩu các loại xe trên, được DN khai báo là xe tải Van, nhưng nhiều cơ quan quản lý, nhất là Bộ Tài chính (BTC), Tổng cục Hải quan (TCHQ) khẳng định đó là xe chở người dưới 5 chỗ ngồi không phải là chuyện bây giờ mới xảy ra. Trước đây khá lâu, khi mà sự chênh lệch giữa mức thuế giữa xe chở người và xe tải Van cao hơn bây giờ, khi ôtô còn “có giá” hơn bây giờ đã xảy ra chuyện tương tự, mà cụ thể là vụ nhập khẩu xe Korando. Đến thời điểm hiện nay, nhiều người đã quên đi sự việc này. Nhưng xét cho cùng, vụ việc đó và vụ nhập khẩu xe Kia Morning và Matiz hiện nay chả khác nhau là mấy. Liệu có ai biết hiện nay, các loại xe Korando của sự việc nhiều năm về trước đang được sử dụng như thế nào ? Chở người hay chở hàng hay chở cả hai. Người sử dụng mẫu xe đó có hoán cải hay không ? Việc truy thu thuế diễn ra thế nào, có kết quả ra sao ? Tất cả đều chỉ là câu hỏi, dù thực sự dư luận đã tốn rất nhiều giấy mực.

Vai trò của nhà quản lý

Nhắc lại chuyện xe nhập khẩu Korando để biết rằng chuyện khai báo chủng loại xe đều phải có căn cứ cụ thể và các cơ quan quản lý cần phải dựa vào những vấn đề, quy định do mình đưa ra để xử lý.

Trong vụ việc này, BTC cho biết đã hoàn tất phương án xử lý đối với gần 550 xe Kia Morning và Deawoo Matiz nhập khẩu khai là xe tải Van với tổng số tiền dự kiến truy thu của 36 DN khoảng 34 tỷ đồng. BTC cũng cho rằng việc truy thu thuế đối với các DN khai báo sai chủng loại trong sự vụ này sẽ đảm bảo cạnh tranh công bằng giữa các DN nhập khẩu ôtô cũng như các DN sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước, nhất là các DN có cùng mẫu xe này. Điều này cần, rất cần được ủng hộ và qua đó, BTC, TCHQ đã làm tốt chức năng, nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên, tại sao sự việc lại khó khăn, gây bức xúc cho DN đến vậy ? Vấn đề nằm ở chỗ sự phối hợp thiếu đồng bộ giữa các bộ, ngành. Nhận định của nhiều chuyên gia thì sự thiếu phối hợp và nhất quán nằm ở những vấn đề cụ thể như:

Thứ nhất, việc xác định chủng loại xe nhập khẩu về là xe chở người hay xe tải Van thuộc về Bộ GTVT, Cục Đăng kiểm VN. Trong trường hợp này, căn cứ vào TCVN của Bộ KHCN, Cục ĐKVN đã xác định những chiếc xe nhập khẩu nêu trên đều là xe tải Van. Nếu BTC đủ bằng chứng để khẳng định các DN đã gian lận, khai báo sai chủng loại nhằm lách thuế, trốn thuế thì tại sao BTC lại không thuyết phục được Cục ĐKVN ủng hộ quan điểm của mình ? Ở trường hợp này, nếu BTC đủ căn cứ, bằng chứng để thuyết phục và Cục ĐKVN khẳng định lại tất cả hoặc một số các xe nêu trên nhập khẩu về VN thực chất là xe chở người dưới 5 chỗ ngồi thì việc truy thu sẽ diễn ra như là lẽ đương nhiên, DN sẽ phải “tâm phục, khẩu phục”. Rõ ràng ở đây có sự đối lập về một sự khẳng định chủng loại xe do các DN nhập khẩu về giữa các cơ quan quản lý và sự đối lập đó chỉ riêng DN phải gánh chịu (không chỉ việc phải nộp thêm tiền mà sự nhùng nhằng này còn ảnh hưởng nhiều, rất nhiều đến hoạt động của họ).

Thứ hai, một số thông tin cho rằng, TCHQ cũng đang phối hợp với Bộ Công an để xác minh các trường hợp xe ôtô nhập khẩu đã làm thủ tục thông quan đã bán cho ai, sử dụng vào mục đích chở hàng hoá hay chở người nhằm xác định rõ sai phạm. Điều này là cần thiết và quan trọng, nhưng nói như một DN và một số chuyên gia thì chuyện này lại chẳng liên quan gì đến việc truy thu thuế đối với DN nhập khẩu cả. Lý do rất đơn giản: DN nhập khẩu xe về, bán hàng. (Trong quá trình bán hàng DN phải khẳng định với khách hàng đây là xe tải Van). còn việc người tiêu dùng sử dụng như thế nào, có vi phạm hay không là việc của người tiêu dùng. Nếu có sai, xử lý thì phải xử lý người tiêu dùng chứ chẳng ai lại đi xử lý DN.

BTC đã đưa ra phương án của mình, nhưng Cục đăng kiểm VN cũng vẫn giữ quan điểm đây là xe tải Van. Mà như vậy thì việc xử lý các DN (nếu có sai phạm) vẫn thiếu tính thuyết phục. Tại sao các cơ quan quản lý và DN không ngồi lại với nhau, mổ xẻ chi tiết, cụ thể vấn đề, nếu cần thì có những đề xuất thay đổi về các quy định, về sự phối hợp để giải quyết dứt điểm việc này, tránh những trường hợp tương tự xẩy ra trong tương lại ?

Linh Nguyên

<

>

Cùng danh mục

Thời gian nộp thuế sẽ giảm thêm 88,86 giờ từ 15/11

Thông tin trên được ông Bùi Văn Nam - Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết tại buổi họp báo giới thiệu về Thông tư 151/2014/TT-BTC (có hiệu lực từ 15/11) hướng dẫn Nghị định 91/2014/NĐ-CP chiều 28/10.

Thông tư 151/2014/TT-BTC Quy định mới về thuế GTGT có hiệu lực từ 15/11/2014

Chiều 21/10, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn đã chính thức ký ban hành Thông tư 151/2014/TT-BTC (có hiệu lực từ 15/11/2014), hướng dẫn Nghị định 91 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Nghị định quy định về thuế. Theo đó, nhiều quy định mới về thuế giá trị gia tăng (GTGT) đã được sửa đổi.