<
>
Ngày 16/6 vừa qua, Bộ Tài chính phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI đã tổ chức đối thoại với doanh nghiệp về những vấn đề nóng hiện nay là chính sách thuế và thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế và hải quan.
Hơn 600 doanh nghiệp khu vực phía Bắc đã tham dự cuộc đối thoại và nêu những vướng mắc trong vấn đề tuân thủ pháp luật về thuế và các thủ tục hành chính trong hai lĩnh vực thuế và hải quan. Đại diện cho quyền lợi cộng đồng doanh nghiệp, ông Phạm Gia Túc – Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký VCCI đã nêu những nhóm vấn đề chung còn vướng mắc được tập hợp từ ý kiến các doanh nghiệp. Đó là: Vấn đề áp mã hàng hóa, quy trình thủ tục hoàn thuế giá trị gia tăng, quyết toán thuế thu nhập cá nhân, thủ tục với hàng hóa gia công, thủ tục hải quan điện tử… Những vấn đề này cùng với các câu hỏi cụ thể được nêu ra tại cuộc đối thoại đã được lãnh đạo Bộ Tài chính, lãnh đạo các ngành trả lời thẳng thắn và thỏa đáng.
Đây là dịp rất bổ ích để doanh nghiệp và cơ quan quản lý cùng nhau trao đổi, tháo gỡ vướng mắc để quá trình xây dựng và thực thi pháp luật trở nên hợp lý, gần với thực tiễn đời sống hơn. Thế nhưng, cũng tại cuộc đối thoại, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn đã nêu một thực tế đáng buồn. Hiện nay, Bộ Tài chính đã mở rất nhiều diễn đàn để lấy ý kiến đóng góp của doanh nghiệp, thế nhưng thường nhận được rất ít ý kiến tham gia. Thứ trưởng đơn cử, diễn dàn trên website của Bộ Tài chính có trường hợp trong thời gian 2 tháng “trưng cầu dân ý” về Luật Thuế tài nguyên mà chỉ nhận được vỏn vẹn 2 ý kiến của doanh nghiệp. Thế nhưng, khi đưa vào áp dụng trên thực tế, thì lại rất nhiều doanh nghiệp kêu vướng. Chính vì vậy, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn mong doanh nghiệp tích cực phát huy vai trò xây dựng bằng hành động cụ thể, đưa ý kiến khi Bộ cần, để có những sửa đổi kịp thời. Điều đó không chỉ giúp cho Bộ trong công tác ban hành văn bản pháp luật mà còn rất gần gũi với quyền lợi và hoạt động hàng ngày của doanh nghiệp.
Trong thời gian qua, Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế đã rất nỗ lực trong cắt giảm thủ tục hành chính. Trong giai đoạn 1, Bộ Tài chính đã công bố 840 thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ và hoàn thành rà soát các thủ tục này, qua đó kiến nghị sửa đổi, bổ sung 480 thủ tục, kiến nghị thay thế, hủy bỏ 30 thủ tục. Theo tính toán sơ bộ, nếu thực hiện các phương án đơn giản hóa, dự kiến sẽ cắt giảm được 31% chi phí tuân thủ, tương đương khoảng 3.031 tỷ/năm. Giai đoạn 2, Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Thuế và Hải quan cùng các đơn vị trực thuộc rà soát nghiêm túc, đảm bảo mục tiêu đơn giản hóa và đảm bảo cắt giảm được chi phí tuân thủ theo hướng: loại bỏ các giấy tờ, mẫu biểu hồ sơ… không cần thiết; thực hiện phâp cấp giải quyết các thủ tục hành chính ở các đơn vị cơ sở để rút ngắn trình tự thủ tục và thời gian; đồng thời áp dụng các biện pháp thay thế các thủ tục không còn phù hợp, đặc biệt là áp dụng công nghệ thông tin, khai hải quan điện tử, thuế điện tử, nhằm tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Những biện pháp này được thực hiện quyết liệt trong năm 2010, bởi đây là năm mà ngành thuế và hải quan đặt cải cách hành chính là nhiệm vụ số 01 cần thực hiện.
<> <> <>