Câu 13: Chị H là người sống giàu tình cảm, chị H hay đóng góp tiền, hiện vật cho cơ sở chăm sóc người tàn tật, người già, trẻ em cơ nhỡ hoặc đồng bào bị thiên tai. Xin hỏi, những khoản tiền làm từ thiện của chị H có được trừ khi tính thu nhập chịu thuế TNCN của chị không?
Theo quy định của Luật thuế TNCN thì các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo của cá nhân sẽ được giảm trừ trước khi tính thu nhập chịu thuế của người đó. Tuy nhiên không phải mọi khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo đều được tính để giảm trừ mà chỉ những khoản đóng góp theo quy định tại Điều 20 Luật thuế TNCN mới được giảm trừ. Cụ thể:
- Khoản đóng góp vào các tổ chức, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người tàn tật, người già không nơi nương tựa;
- Khoản đóng góp vào các Quỹ từ thiện, Quỹ nhân đạo, Quỹ khuyến học.
Tổ chức, cơ sở và các Quỹ này phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thành lập hoặc công nhận, hoạt động vì mục đích từ thiện, nhân đạo, khuyến học, không nhằm mục đích kinh doanh.
Đồng thời việc giảm trừ các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo vào thu nhập chịu thuế chỉ áp dụng đối với cá nhân cư trú có thu nhập từ kinh doanh, từ tiền lương, tiền công (tức là không áp dụng đối với cá nhân có thu nhập từ đầu tư vốn, chuyển nhượng vốn góp, chuyển nhượng chứng khoản, chuyển nhượng bất động sản, nhận thừa kế, nhận quà tặng, trúng thưởng).
Như vậy chỉ những khoản đóng góp làm từ thiện của chị H đáp ứng các quy định trên mới được tính để giảm trừ trước khi tính thu nhập chịu thuế của chị. Khoản tiền đóng góp cho đồng bào bị thiên tai thì không được tính để giảm trừ.
Câu 14: Anh S là kỹ sư cơ khí trong một doanh nghiệp liên doanh, thu nhập của anh chỉ từ lương, ngoài ra không có khoản thu nhập nào khác. Anh S muốn hỏi cách tính thuế TNCN của anh được pháp luật quy định như thế nào?
Để tính thuế TNCN của người có thu nhập từ tiền lương, tiền công (tức là số thuế người đó phải đóng) thì căn cứ vào thu nhập của người đó, các khoản được giảm trừ để xác định thu nhập tính thuế và thuế suất.
Thu nhập tính thuế đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công là tổng thu nhập chịu thuế trừ (-) các khoản đóng góp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với một số ngành, nghề phải tham gia bảo hiểm bắt buộc, quỹ hưu trí tự nguyện, các khoản giảm trừ gia cảnh, giảm trừ do đóng góp từ thiện, nhân đạo.
Luật thuế TNCN quy định biểu thuế luỹ tiến từng phần tại Điều 22 như sau:
Bậc Thuế |
Phần Thu Nhập Tính Thuế/Năm (Triệu Đồng) |
Phần Thu Nhập Tính Thuế/Tháng (Triệu Đồng) |
Thuế Suất (%) |
1 |
Đến 60 |
Đến 5 |
5 |
2 |
Trên 60 đến 120 |
Trên 5 đến 10 |
10 |
3 |
Trên 120 đến 216 |
Trên 10 đến 18 |
15 |
4 |
Trên 216 đến 384 |
Trên 18 đến 32 |
20 |
5 |
Trên 384 đến 624 |
Trên 32 đến 52 |
25 |
6 |
Trên 624 đến 960 |
Trên 52 đến 80 |
30 |
7 |
Trên 960 |
Trên 80 |
35 |
Như vậy, tiền thuế TNCN của anh S mỗi tháng là tổng thu nhập từ tiền lương, tiền công mà anh nhận được trừ đi tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp (nếu có), giảm trừ của bản thân anh S (09 triệu đồng/tháng), giảm trừ người phụ thuộc (con, cha mẹ, vợ nếu thuộc đối tượng được giảm trừ, mỗi người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/tháng), tiền đóng góp từ thiện, nhân đạo. Sau khi trừ, mà không còn tiền thì không phải đóng thuế TNCN, nếu còn thì phải đóng theo mức thuế suất quy định ở biểu thuế trên.
Lưu ý: Cách tính thuế và biểu thuế lũy tiến từng phần này áp dụng đối với cả người nộp thuế là cá nhân có thu nhập từ sản xuất, kinh doanh hoặc từ tiền lương, tiền công.
Câu 15: Tôi có cho ông P vay một khoản tiền, hai bên làm hợp đồng vay có công chứng. Trong lúc làm thủ tục công chứng, anh B là công chứng viên nói rằng tôi phải đóng thuế TNCN từ khoản tiền lãi cho vay này. Xin hỏi ý kiếm của anh B có đúng không?
Theo quy định của Luật thuế TNCN thì tiền lãi cho vay được xác định là thu nhập chịu thuế TNCN từ đầu tư vốn. Do vậy, ông/bà phải đóng thuế TNCN phát sinh từ khoản tiền lãi cho ông P vay.
Điều 12 Luật thuế TNCN quy định: Thu nhập chịu thuế từ đầu tư vốn là tổng số các khoản thu nhập từ tiền lãi cho vay, lợi tức cổ phần, thu nhập từ đầu tư vốn dưới các hình thức khác (trừ thu nhập từ lãi trái phiếu Chính phủ) mà đối tượng nộp thuế nhận được trong kỳ tính thuế.
Thời điểm xác định thu nhập chịu thuế từ đầu tư vốn là thời điểm tổ chức, cá nhân trả thu nhập cho đối tượng nộp thuế hoặc thời điểm đối tượng nộp thuế nhận được thu nhập.
Câu 16: Tôi cho ông P vay 200 triệu đồng với lãi suất là 0,75%/tháng. Xin hỏi, mỗi tháng tôi phải đóng bao nhiêu tiền thuế TNCN từ khoản tiền lãi này?
Theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 23 Luật thuế TNCN, thuế suất thuế TNCN từ đầu tư vốn là 5%.
Vậy, hàng tháng ông/bà phải đóng thuế TNCN tiền lãi như sau:
Tiền lãi nhận được mỗi tháng là 200 triệu đồng x 0,75% = 1.500.000 đồng
Tiền thuế TNCN là: 1.500.000 đồng x 5% = 75.000 đồng
Câu 17: Tôi là một trong những cổ đông sáng lập của Công ty cổ phần bánh kẹo Y. Nay tôi muốn rút tiền về để đầu tư vào lĩnh vực khác. Các cổ đông trong Công ty cổ phần bánh kẹo Y không muốn cho tôi rút vốn vì sợ ảnh hưởng đến nguồn vốn kinh doanh của công ty nên đề nghị tôi bán số vốn góp này cho người khác. Tôi nghe nói, việc bán vốn góp phải đóng thuế TNCN. Xin hỏi, pháp luật quy định về vấn đề này như thế nào?
Người có thu nhập từ chuyển nhượng vốn góp phải có trách nhiệm đóng thuế TNCN theo quy định.
Cụ thể, Khoản 4 Điều 3 Luật thuế TNCN quy định thu nhập từ chuyển nhượng vốn, bao gồm: Thu nhập từ chuyển nhượng phần vốn trong các tổ chức kinh tế; thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán; thu nhập từ chuyển nhượng vốn dưới các hình thức khác.
Điều 15 Nghị định số 65/2013/NĐ-CP quy định thu nhập tính thuế từ chuyển nhượng phần vốn góp được xác định bằng giá chuyển nhượng trừ (-) giá mua của phần vốn chuyển nhượng và các chi phí hợp lý liên quan đến việc tạo ra thu nhập từ chuyển nhượng vốn.
Trong đó:
- Giá chuyển nhượng là số tiền mà cá nhân nhận được theo hợp đồng chuyển nhượng vốn.
- Giá mua của phần vốn chuyển nhượng là trị giá phần vốn góp tại thời điểm chuyển nhượng vốn được xác định bằng tổng trị giá phần vốn góp ban đầu và các lần góp hoặc mua bổ sung.
- Chi phí hợp lý liên quan đến việc tạo ra thu nhập từ chuyển nhượng vốn gồm: chi phí làm các thủ tục pháp lý cần thiết cho việc chuyển nhượng; các khoản phí và lệ phí người chuyển nhượng nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật; các khoản chi phí khác. Các khoản chi này phải là các khoản chi phí thực tế phát sinh và có chứng từ, hóa đơn hợp pháp.
Lưu ý: Trong trường hợp không xác định được giá mua và chi phí liên quan đến việc chuyển nhượng chứng khoán thì thu nhập chịu thuế được xác định là giá bán chứng khoán (khoản 2 Điều 13 Luật thuế TNCN).
Câu 18: Việc xác định thu nhập tính thuế TNCN từ chuyển nhượng chứng khoán được pháp luật quy định như thế nào?
Trả lời:
Điều 16 Nghị định số 65/2013/NĐ-CP quy định thu nhập tính thuế từ chuyển nhượng chứng khoán được xác định bằng giá bán chứng khoán trừ (-) giá mua và các chi phí liên quan đến việc chuyển nhượng.
Trong đó:
- Giá bán chứng khoán được xác định như sau:
+ Đối với chứng khoán giao dịch tại Sở Giao dịch chứng khoán là giá chuyển nhượng thực tế tại Sở Giao dịch chứng khoán;
+ Đối với chứng khoán không giao dịch tại Sở Giao dịch chứng khoán là giá thực tế chuyển nhượng ghi trên hợp đồng chuyển nhượng hoặc giá theo sổ sách kế toán của đơn vị có chứng khoán chuyển nhượng tại thời điểm chuyển nhượng.
- Giá mua chứng khoán được xác định như sau:
+ Đối với chứng khoán giao dịch tại Sở Giao dịch chứng khoán là giá thực mua tại Sở Giao dịch chứng khoán;
+ Đối với chứng khoán không giao dịch tại Sở Giao dịch chứng khoán là giá thực tế mua ghi trên hợp đồng nhận chuyển nhượng hoặc giá theo sổ sách kế toán của đơn vị có chứng khoán chuyển nhượng tại thời điểm mua.
- Chi phí liên quan đến việc chuyển nhượng chứng khoán là các khoản chi phí thực tế phát sinh có chứng từ, hóa đơn hợp pháp, bao gồm: Các loại phí liên quan đến chuyển nhượng, nhận chuyển nhượng chứng khoán; chi phí ủy thác chứng khoán; các khoản chi phí khác.
Câu 19: Tôi vừa chuyển nhượng vốn góp tại một công ty cổ phần và chuyển nhượng chứng khoán trên sàn giao giao dịch. Tôi xin hỏi thuế suất áp dụng đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn góp, chuyển nhượng chứng khoán là bao nhiêu phần trăm?
Theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 65/2013/NĐ-CP ngày 27/6/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật thuế TNCN và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TNCN quy định thuế suất áp dụng đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn góp, chuyển nhượng chứng khoán như sau:
1. Thuế suất đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn góp là 20% trên thu nhập tính thuế của mỗi lần chuyển nhượng.
2. Thuế suất đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán là 20% trên thu nhập tính thuế cả năm áp dụng đối với trường hợp đối tượng nộp thuế, có chứng từ, xác định được thu nhập tính thuế, được xác định bằng giá bán chứng khoán trừ (-) giá mua và các chi phí liên quan đến việc chuyển nhượng. Đối với các trường hợp khác ngoài trường hợp trên, áp dụng thuế suất 0,1% trên giá chuyển nhượng chứng khoán từng lần.
Câu 20: Đề nghị cho biết thu nhập chịu thuế TNCN từ chuyển nhượng bất động sản được quy định như thế nào?
Điều 14 của Luật thuế TNCN quy định thu nhập chịu thuế TNCN từ chuyển nhượng bất động sản như sau:
1. Thu nhập chịu thuế từ chuyển nhượng bất động sản được xác định bằng giá chuyển nhượng bất động sản theo từng lần chuyển nhượng trừ giá mua bất động sản và các chi phí liên quan, cụ thể như sau:
a) Giá chuyển nhượng bất động sản là giá theo hợp đồng tại thời điểm chuyển nhượng;
b) Giá mua bất động sản là giá theo hợp đồng tại thời điểm mua;
c) Các chi phí liên quan được trừ căn cứ vào chứng từ, hoá đơn theo quy định của pháp luật, bao gồm các loại phí, lệ phí theo quy định của pháp luật liên quan đến quyền sử dụng đất; chi phí cải tạo đất, cải tạo nhà, chi phí san lấp mặt bằng; chi phí đầu tư xây dựng nhà ở, kết cấu hạ tầng và công trình kiến trúc trên đất; các chi phí khác liên quan đến việc chuyển nhượng bất động sản.
2. Trường hợp không xác định được giá mua và chi phí liên quan đến việc chuyển nhượng bất động sản thì thu nhập chịu thuế được xác định là giá chuyển nhượng bất động sản.
3. Chính phủ quy định nguyên tắc, phương pháp xác định giá chuyển nhượng bất động sản trong trường hợp không xác định được giá chuyển nhượng hoặc giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất ghi trên hợp đồng thấp hơn giá đất do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quy định có hiệu lực tại thời điểm chuyển nhượng.
4. Thời điểm xác định thu nhập chịu thuế từ chuyển nhượng bất động sản là thời điểm hợp đồng chuyển nhượng có hiệu lực theo quy định của pháp luật.
Câu 21: Tôi có một mảnh đất, hiện nay tôi muốn chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho bà M để cùng nhau đầu tư vốn làm ăn kinh doanh. Tôi muốn hỏi, theo quy định của pháp luật, thu nhập tính thuế từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất được tính như thế nào?
Điều 18 Nghị định số 65/2013/NĐ-CP ngày 27/6/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật thuế TNCN và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TNCN quy định thu nhập tính thuế từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất như sau:
1. Thu nhập tính thuế được xác định bằng giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất trừ (-) giá vốn và các chi phí hợp lý liên quan.
2. Giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất được xác định như sau:
a) Giá chuyển nhượng là giá thực tế ghi trên hợp đồng chuyển nhượng tại thời điểm chuyển nhượng;
b) Trường hợp không xác định được giá thực tế hoặc giá ghi trên hợp đồng chuyển nhượng thấp hơn giá đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định tại thời điểm chuyển nhượng thì giá chuyển nhượng được xác định căn cứ theo Bảng giá đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định.
3. Giá vốn chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong một số trường hợp cụ thể được xác định như sau:
a) Đối với đất có nguồn gốc Nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất thì căn cứ vào chứng từ thu tiền sử dụng đất;
b) Đối với đất nhận chuyển nhượng quyền sử dụng từ các tổ chức, cá nhân thì căn cứ vào giá ghi trên hợp đồng chuyển nhượng tại thời điểm nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất (khi mua);
c) Đối với trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất là giá trúng đấu giá;
d) Đối với đất có nguồn gốc không thuộc các trường hợp nêu tại Điểm a, Điểm b và Điểm c Khoản này thì căn cứ vào hồ sơ thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước khi được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để xác định giá vốn.
4. Chi phí hợp lý liên quan đến việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất là các khoản chi phí thực tế phát sinh và có chứng từ, hóa đơn hợp pháp, bao gồm:
a) Các loại phí, lệ phí theo quy định của pháp luật liên quan đến cấp quyền sử dụng đất;
b) Chi phí cải tạo đất, san lấp mặt bằng (nếu có);
c) Các chi phí khác liên quan trực tiếp đến việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Câu 22: Pháp luật quy định thu nhập tính thuế từ chuyển nhượng bất động sản là quyền sử dụng đất gắn với công trình xây dựng trên đất như thế nào?
Điều 19 Nghị định số 65/2013/NĐ-CP ngày 27/6/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật thuế TNCN và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TNCN quy định thu nhập tính thuế từ chuyển nhượng bất động sản là quyền sử dụng đất gắn với công trình xây dựng trên đất như sau:
1. Thu nhập tính thuế được xác định bằng giá chuyển nhượng trừ (-) giá vốn và các chi phí hợp lý liên quan.
2. Giá chuyển nhượng được xác định cụ thể như sau:
a) Giá chuyển nhượng là giá thực tế ghi trên hợp đồng chuyển nhượng tại thời điểm chuyển nhượng;
b) Trường hợp hợp đồng không ghi giá chuyển nhượng hoặc giá chuyển nhượng ghi trên hợp đồng thấp hơn giá do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quy định thì giá chuyển nhượng được xác định như sau:
- Phần giá trị đất chuyển nhượng được xác định căn cứ theo Bảng giá đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định tại thời điểm chuyển nhượng;
- Phần giá trị nhà, kết cấu hạ tầng và công trình kiến trúc gắn liền với đất được xác định căn cứ theo giá tính lệ phí trước bạ nhà do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quy định. Trường hợp Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh không có quy định giá tính lệ phí trước bạ nhà thì căn cứ vào quy định của Bộ Xây dựng về phân loại nhà, về tiêu chuẩn, định mức xây dựng cơ bản, về giá trị còn lại thực tế của công trình trên đất.
3. Giá vốn được xác định căn cứ vào giá ghi trên hợp đồng chuyển nhượng tại thời điểm mua. Đối với các trường hợp bất động sản không có nguồn gốc từ nhận chuyển nhượng thì căn cứ vào hồ sơ thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước tại thời điểm được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng bất động sản.
4. Chi phí hợp lý liên quan là các khoản chi phí thực tế phát sinh và có chứng từ, hóa đơn hợp pháp, bao gồm:
a) Các loại phí, lệ phí theo quy định của pháp luật liên quan đến cấp quyền sử dụng đất;
b) Chi phí cải tạo đất, san lấp mặt bằng;
c) Chi phí sửa chữa, cải tạo công trình xây dựng trên đất;
d) Các chi phí khác liên quan trực tiếp đến việc chuyển nhượng.
Câu 23: Trước đây tôi có mua một căn hộ chung cư ở quận N. Hiện nay tôi không có nhu cầu ở căn hộ này nữa, tôi muốn chuyển nhượng căn hộ này cho người khác. Tôi xin hỏi thu nhập tính thuế từ chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng nhà ở được xác định như thế nào?
Điều 20 Nghị định số 65/2013/NĐ-CP ngày 27/6/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật thuế TNCN và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TNCN quy định thu nhập tính thuế từ chuyển nhượng quyền sở hữu, sử dụng nhà ở như sau:
1. Thu nhập tính thuế được xác định bằng giá bán trừ (-) giá mua và các chi phí hợp lý liên quan.
2. Giá bán là giá thực tế chuyển nhượng, được xác định theo giá thị trường và được ghi trên hợp đồng chuyển nhượng.
Trường hợp giá chuyển nhượng nhà ghi trên hợp đồng chuyển nhượng thấp hơn giá tính lệ phí trước bạ nhà do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quy định tại thời điểm chuyển nhượng hoặc trên hợp đồng chuyển nhượng không ghi giá chuyển nhượng thì giá chuyển nhượng được xác định theo giá tính lệ phí trước bạ nhà do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quy định. Đối với chuyển nhượng nhà ở hình thành trong tương lai thì giá chuyển nhượng được xác định bằng tỷ lệ đã góp vốn trên tổng giá trị hợp đồng nhân (x) với giá tính lệ phí trước bạ nhà do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quy định.
3. Giá mua được xác định căn cứ vào giá ghi trên hợp đồng mua. Đối với nhà ở không có nguồn gốc từ nhận chuyển nhượng, mua lại thì căn cứ vào hồ sơ thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước tại thời điểm được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng nhà ở.
4. Chi phí liên quan là các khoản chi phí thực tế phát sinh và có chứng từ, hóa đơn hợp pháp, bao gồm:
a) Các loại phí, lệ phí theo quy định của pháp luật liên quan đến cấp quyền sở hữu nhà;
b) Chi phí sửa chữa, cải tạo, nâng cấp nhà;
c) Các chi phí khác liên quan trực tiếp đến việc chuyển nhượng nhà ở.
Theo Tapchitaichinh.vn