Ngày 1-7 tới đây, khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế Thu nhập cá nhân (TNCN) có hiệu lực, dự kiến hơn 2 triệu người đang nộp thuế thu nhập từ tiền lương tiền công, từ kinh doanh ở bậc 1, bậc 2 sẽ không thuộc đối tượng nộp thuế, người nộp thuế ở bậc 3, bậc 4 cũng giảm số thuế nộp đáng kể.
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam Nguyễn Thị Cúc cho rằng, để thực thi hiệu quả Luật thuế TNCN phải có hệ thống văn bản hướng dẫn rõ ràng, minh bạch, tránh bất bình đẳng giữa người nộp thuế, gây thất thu cho NSNN.
Thưa bà, ngoài việc giảm mức điều tiết thuế đã thấy rõ ràng của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật thuế TNCN nhưng dưới giác độ người nộp thuế, bà trông đợi gì khi Luật đi vào thực tế?
Tôi cho rằng, điều người nộp thuế mong chờ chính là sự rõ ràng, minh bạch khi xác định các khoản thu nhập chịu thuế, không chịu thuế, miễn thuế như: Thu nhập từ tiền lương, tiền công chịu thuế bao gồm: Tiền công, tiền lương và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công; các khoản phụ cấp, trợ cấp kể cả sinh hoạt phí mà người lao động nhận được trừ một số khoản được miễn trừ không tính vào thu nhập chịu thuế theo quy định.
Do vậy, Bộ Tài chính cần có Thông tư hướng dẫn thật cụ thể cách xác định thế nào để người nộp thuế, cơ quan Thuế cùng hiểu thống nhất khoản nào chịu thuế, không chịu thuế như khoản tiền ăn giữa ca, công tác phí, tiền điện thoại, văn phòng phẩm...
Chẳng hạn, hướng dẫn nội dung ghi:"Các khoản lợi ích bằng tiền hoặc không bằng tiền ngoài tiền lương, tiền công do người sử dụng lao động trả- mà người nộp thuế được thụ hưởng dưới mọi hình thức' sẽ là khó rõ ràng, thống nhất trong thực thi. Bởi trong thực tế các khoản lợi ích mà người nộp thuế nhận được từ cơ quan chi trả thu nhập rất đa dạng: Tiền thuê nhà ở, tiền học cho con, nghỉ mát, tham quan, xe đưa đón... nếu đưa vào tất cả các khoản lợi ích vật chất thì khó có thể quản lý thu đầy đủ.
Mặt khác, hiện thuế TNCN từ tiền lương, tiền công được kê khai tạm nộp theo tháng, quyết toán theo năm. Theo đó những tháng đầu năm, người lao động thường nhận được tiền thưởng Tết, lễ, năm có thu nhập cao phải nộp thuế ngay, trong khi đó tính thu nhập bình quân tháng thì thu nhập lại chưa đến mức nộp thuế TNCN. Nhưng việc hoàn thuế được thực hiện vào cuối quý I năm sau, dẫn đến bị chiếm dụng tiền thuế, đôi khi gây phản ứng tiêu cực...
Vấn đề đặt ra, đối với trường hợp cá nhân tự nộp thuế, quyết toán cần đơn giản hóa thủ tục nộp, quyết toán, hoàn thuế. Ví dụ như có thể nộp thuế qua thẻ ATM, cơ quan Thuế hoàn thuế vào tài khoản cá nhân...
Có nhiều ý kiến cho rằng, theo Luật thuế TNCN hiện nay, vẫn còn nhiều kẽ hở trong việc xác định số lượng đối tượng được giảm trừ gia cảnh, đối tượng đó có thu nhập để trở thành người phụ thuộc hay không? Dẫn tới tình trạng "lách luật" để trốn thuế của Nhà nước?
Luật không hạn chế số lượng người phụ thuộc và hiện chỉ mới cấp mã số thuế cho người nộp thuế (thực tế chưa cấp hết) nên việc đối soát xác định đối tượng giảm trừ gia cảnh còn phụ thuộc vào ý thức tự giác của người nộp thuế, dẫn đến có thể kê khai trùng đối tượng phụ thuộc. Việc xác định mức thu nhập để làm căn cứ coi như không có thu nhập chịu thuế hầu như không khả thi vì người nộp thuế chỉ tập trung kê khai tiêu thức có người phụ thuộc mà chưa chú ý đến mức có thu nhập là bao nhiêu. Nguyên nhân là do hiện văn bản chưa hướng dẫn biện pháp kiểm tra, đối soát.
Bên cạnh đó thuế TNCN chủ yếu thực hiện biện pháp khấu trừ tại nguồn: Cơ quan chi trả thu nhập khấu trừ thuế trước khi chi trả thu nhập đối với nhiều khoản thu nhập chịu thuế như: Thu nhập tiền lương, tiền công, chứng khoán, đầu tư vốn... Tuy nhiên, việc kiểm tra kiểm soát việc khấu trừ thuế chưa chặt chẽ cùng với thị trường tiền mặt khá phổ biến nên dẫn đến tình trạng chưa bình đẳng trong thu thuế.
Chẳng hạn như: Các cá nhân làm việc tại cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị hành chính sự nghiệp, DN, văn phòng đại diện... thì cơ quan chi trả thực hiện khấu trừ thuế tương đối đầy đủ, nghiêm túc. Ngược lại cá nhân hành nghề có thu nhập vãng lai nhiều nơi: Bán hàng đa cấp, bán hàng qua mạng, ca sỹ, nghệ sỹ, người mẫu... thì chưa kiểm soát được thu nhập dẫn đến thiếu bình đẳng về nghĩa vụ thuế....
Ở một số nước như Thụy Điển, khi sinh ra cơ quan Thuế cấp mã số công dân và mã số này đi theo công dân đó trong mọi hoạt động từ bé đến lớn. Tại Việt Nam, việc cấp mã số theo cách này chưa thể thực hiện được nên cần cấp mã số thuế cho người có thu nhập chịu thuế và người phụ thuộc. Vì mỗi người phụ thuộc chỉ khai giảm trừ gia cảnh một lần. Nếu một người bố có 10 người con thì chỉ 1 người con được khai.
Tại nhiều quốc gia trên thế giới đã coi Luật thuế TNCN như là "Luật thuế Vua", "Luật thuế Nữ hoàng" và người nộp thuế thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ và có đóng góp cao vào ngân sách luôn được hưởng những ưu đãi thiết thực khi tham gia các hoạt động cộng đồng. Vấn đề đặt ra, là bên cạnh các chế tài xử lý người nộp thuế vi phạm, Nhà nước cần có chính sách vinh danh người nộp thuế , thưa bà?
Tôi cho rằng, với Việt Nam, một trong những mục tiêu quan trọng khi ban hành Luật thuế TNCN là tăng cường công tác kiểm soát, phân phối thu nhập và điều tiết vĩ mô nền kinh tế- xã hội. Để giải quyết tốt mối quan hệ giữ tiết kiệm, đầu tư và tiêu dùng, giữa tăng trưởng với công bằng xã hội và xoá đói giảm nghèo; khuyến khích làm giàu chính đáng với tuân thủ pháp luật. Theo đó, các cá nhân có thu nhập cao, kinh doanh giỏi, nộp thuế đầy đủ cho NSNN sẽ được tôn vinh, những cá nhân không tuân thủ nghĩa vụ thuế cần được xử lý nghiêm minh.
Ngoài hành lang pháp lý của Luật thuế TNCN, Luật Quản lý thuế cần có thêm quy định pháp lý về đối soát với mức chi tiêu, tiêu dùng với nguồn thu nhập chịu thuế tương ứng và chứng minh thu nhập hợp pháp; Ví dụ xác định nguồn chi tiêu về đầu tư kinh doanh, mua sắm bất động sản, tài sản, hàng tiêu dùng xa xỉ với thu nhập khai thuế...
Xin cảm ơn bà!
Thu Hằng (Thực hiện)