Dự Luật Thuế TNCN : Chưa sửa đã cần... chỉnh

26/10/2020

(DĐDN) Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, mức giảm trừ gia cảnh 6 triệu đồng/người/tháng sẽ không còn phù hợp và trở nên lạc hậu khi Luật sửa đổi này chính thức có hiệu lực vào năm 2014 mà nên áp dụng ngay trong năm 2013.

<

>Bộ Tài Chính đã đưa ra dự thảo về dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Tuy nhiên, ý kiến của các chuyên gia cho rằng, dự thảo cần điều chỉnh một số điểm cho phù hợp với thực tiễn.<

>

Bộ Tài Chính đang lấy ý kiến của các bộ, ban ngành, chuyên gia để hoàn thiện dự án trình quốc hội. Dự kiến Luật thuế TNCN nếu được Quốc hội thông qua sẽ chính thức có hiệu lực vào năm 2014.

Sửa đổi mức giảm trừ gia cảnh

Dự thảo sửa đổi lần này, Bộ Tài chính dự kiến sửa đổi quy định về thu nhập không chịu thuế, thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản; sửa đổi mức giảm trừ gia cảnh; biểu thuế lũy tiến từng phần và một số quy định về quản lý thuế. Tuy nhiên, nội dung sửa đổi được nhiều người quan tâm chính là về mức giảm trừ gia cảnh và biểu thuế lũy tiến từng phần.

Theo đó, Bộ Tài chính dự kiến điều chỉnh nâng mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế từ mức 4 triệu đồng/tháng lên 6 triệu đồng/tháng; nâng mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc từ 1,6 triệu đồng/tháng lên 2,4 triệu đồng/tháng. Theo tính toán của Bộ Tài Chính, mức giảm trừ 6 triệu đồng/tháng tương đương 1,7 lần mức GDP bình quân đầu người năm 2014. Mức này cũng cao gấp 3,6 lần lương tối thiểu áp dụng đối với cán bộ, công chức (dự kiến là 1,67 triệu đồng/tháng) và đảm bảo cao hơn mức thu nhập trung bình của xã hội vào thời điểm năm 2014. Nếu thực hiện nâng mức giảm trừ gia cảnh như trên, dự kiến sẽ có khoảng 70% số người đang nộp thuế ở bậc 1 chuyển sang diện không phải nộp thuế. 70% số người đang nộp thuế ở bậc 2 chuyển sang bậc 1. Dự kiến, số thuế giảm thu khoảng 8.150 tỉ đồng.

Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, mức giảm trừ gia cảnh 6 triệu đồng/người/tháng sẽ không còn phù hợp và trở nên lạc hậu khi Luật sửa đổi này chính thức có hiệu lực vào năm 2014 mà nên áp dụng ngay trong năm 2013.  Thậm chí, các chuyên gia cho rằng, nên tính mức giảm trừ gia cảnh căn cứ theo lương cơ bản hoặc tính dựa trên GDP đầu người.

Trong năm, nếu một số tháng, cá nhân không có thu nhập cũng được giảm trừ mức cho người nộp thuế. Mức giảm trừ này thường so với thu nhập quốc dân bình quân đầu người để điều tiết thu nhập. Khi áp dụng mức giảm trừ gia cảnh này sẽ gấp khoảng 1,7 lần so với GDP bình quân đầu người.

Không nên bỏ mức thuế suất 35%

 

Số thuế giảm thu khoảng 8.150 tỉ đồng nếu áp dụng theo dự Luật mới.

Trong dự thảo sửa đổi luật Thuế TNCN dự kiến bỏ bậc thuế suất cao nhất là 35%. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, không nên bỏ mức thuế suất này mà thay vào đó điều chỉnh các bậc thuế cũng là hình thức giảm nghĩa vụ thuế đối với những người phải nộp thuế ở bậc cao.

 

Hiện nay, biểu thuế lũy tiến từng phần được kết cấu thành nhiều bậc. Mỗi bậc có quy định một mức thuế suất nhất định. Thu nhập tính thuế theo biểu và thuế suất được thiết kế tăng dần. Số thuế phải nộp cũng lũy tiến tăng theo. Do đó, biểu thuế lũy tiến từng phần càng chi tiết, nhiều bậc thì đảm bảo mức điều tiết tăng dần đều, thực hiện chính sách công bằng.

Theo bà Đỗ Thị Thìn - Phó Chủ tịch Hội tư vấn thuế cho rằng,  mức thuế suất thấp nhất là 5%; cao nhất là 35% là hợp lý. Tuy nhiên, độ giãn cách giữa các bậc này thấp nên dẫn đến mức điều tiết tăng nhanh. So sánh mức độ giãn cách giữa các bậc thuế cho thấy mức giãn cách của VN là thấp dẫn đến điều tiết về thuế tăng nhanh. Tại một số nước cùng khu vực, mức thu nhập tính thuế giữa bậc cao nhất và thấp nhất là cao như Malaysia là 40 lần; Philipin là 50 lần…Về mức thuế suất cao nhất trong biểu thuế lũy tiến từng phần mức thuế suất là 35% so với nhiều nước cũng chưa cao. Vì vậy, bà Thìn cũng đề nghị tăng độ giãn cách giữa các bậc thuế của Việt Nam lên đến khoảng 25 - 30 lần. Bà Thìn cũng cho rằng, với việc áp dụng công nghệ tin học, biểu thuế có nhiều bậc cũng không ảnh hưởng đến tính toán xác định số thuế phải nộp.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia đề nghị chỉ nên quy định các khoản thu nhập có tính chất ổn định đều đặn hàng tháng: thu nhập tiền lương; kinh doanh…tính vào thu nhập của người phụ thuộc chứ không nên quy định cả các khoản thu nhập phát sinh. Ngoài ra, mức xác định thu nhập để tính là người phụ thuộc là 500.000 đồng/tháng như hiện nay là thấp đề nghị điều chỉnh tăng lên.

Hoàng Hà

<

>

 

Cùng danh mục

Thời điểm xác định hành vi trốn thuế, gian lận thuế của người nộp thuế

Theo Tổng cục Thuế, thời điểm xác định hành vi trốn thuế, gian lận thuế của người nộp thuế (NNT) được thực hiện để tính thời hiệu xử phạt là ngày tiếp theo ngày cuối cùng của hạn nộp hồ sơ khai thuế của kỳ tính thuế hoặc hạn nộp hồ sơ khai quyết toán thuế...

Giải đáp thắc mắc về giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc (Công văn 2412/TCT-TNCN)

Công văn 2412/TCT-TNCN năm 2014 vướng mắc về giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc của cục Thuế tỉnh Kiên Giang do Tổng Cục Thuế ban hành.